Ai dung túng cho doanh nghiệp “trốn” sàn hơn cả thập kỷ?
Sơn Đại Bàng tiền thân là Công ty Sơn Tổng Hợp Hà Nội, thuộc tổng công ty Hóa chất Việt Nam, ra đời từ năm 1970 và là doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam. Tháng 1/2006, CTCP Sơn Tổng Hợp Hà Nội tiến hành cổ phần hóa và từ đó đến nay ông Nguyễn Thiện Ái vẫn giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Kết quả kinh doanh, doanh thu trong 2 năm gần đây cụ thể là năm 2017 đạt 557 tỷ đồng nhưng một năm sau giảm gần 6%, doanh thu chỉ đạt 526 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 cũng giảm 23%, còn hơn 15 tỷ đồng.
Theo số liệu trên báo cáo thường niên năm 2018, vốn điều lệ công ty tại thời điểm kết thúc năm 2018 hơn 120,2 tỷ đồng với 408 cổ đông. Trong đó Tập đoàn Hóa chất Việt Nam sở hữu hơn 3,24 triệu cổ phiếu tương ứng gần 27% vốn điều lệ công ty.
Ngoài ra Sơn Tổng Hợp Hà Nội còn có cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH DV và TM Hà Anh nắm giữ 3,7 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 30,764%. Công ty cũng có cổ đông ngoại là Kawakami Paint Co.,Ltd (một công ty sơn của Nhật Bản) sở hữu 2,935% vốn điều lệ.
Như vậy, tính từ thời điểm cổ phần hóa đến nay doanh nghiệp sở hữu Sơn Đại Bàng đã chây ỳ vai trò của một công ty đại chúng đã hơn 13 năm. Và những án phạt của Ủy ban Chứng khoán dành cho doanh nghiệp này cũng chỉ xoay quanh việc không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Mới đây nhất, ngày 22/7/2019, Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội (sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng) bị phạt 350 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 2a Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP vì không đăng ký giao dịch chứng khoán.
Theo quy định tại điểm e khoản 2a Điều 14 Nghị định số 108/2013/NĐ-CP được bổ sung theo Khoản 16 Điều 1 Nghị định số 145/2016/NĐ-CP: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn trên 12 tháng.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu CTCP Sơn Tổng Hợp Hà Nội lĩnh "trảm" của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Vào khoảng tháng 10/2008, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng cũng từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội do những vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân là do CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội đã không lập và nộp hồ sơ công ty đại chúng cho Uỷ ban Chứng khoán đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật Chứng khoán.
Trước đó, tháng 5/2007, công ty này cũng đã lĩnh án phạt của Ủy ban Chứng khoán khi thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ 28,596 tỷ đồng lên 48,613 tỷ đồng và phân phối chứng khoán không đúng quy định, vi phạm quy định tại Điều 13 và Điều 21 Luật Chứng khoán. Đồng thời, Công ty cũng thực hiện phát hành cho cán bộ chủ chốt nhưng không báo cáo UBCK vi phạm quy định tại Điểm 6.1 Khoản 6 Mục IV Thông tư 18/2007/TT-BTC.
Tuy nhiên, việc để Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội chây ỳ niêm yết trong thời gian dài hơn cả thập kỷ và có nguy cơ thất thu nguồn lực Nhà nước trách nhiệm thuộc về ai thì chưa được làm rõ. Và nếu lấy việc xử phạt hàng năm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra làm dẫn chứng ngụy biện cho hành vi dung túng Công ty cổ phần Sơn Tổng hợp Hà Nội vô hình chung gây hệ lụy và bất công cho những doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ công ty đại chúng của mình.
Doanh nghiệp muốn “om” miếng bánh lợi ích?
Liên quan đến câu chuyện cổ phần hóa của doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Sơn Đại Bàng liên tục “lĩnh án” phạt từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong suốt cả thập kỷ trôi qua, đa phần các nhận định của chuyên gia kinh tế đều cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa không muốn lên sàn vì không muốn công khai minh bạch, không muốn đổi mới, doanh nghiệp chây ỳ lên sàn thêm ngày nào thì cơ hội mang lại nguồn “tư lợi” cho ban lãnh đạo doanh nghiệp thêm ngày đó.
Việc bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn là nhằm minh bạch hóa thông tin, tài sản Nhà nước được đảm bảo, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, cổ đông có quyền được biết về hoạt động của doanh nghiệp, tình hình tài chính một cách cụ thể.
Ngoài ra, niêm yết sau khi cổ phần hóa cũng là một kênh gọi vốn đầu tư hiệu quả, muốn “soi” sức khỏe của doanh nghiệp chỉ cần nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu.
Ngược lại, doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa nhưng không niêm yết trên thị trường chứng khoán thì chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Bên cạnh đó, cổ đông Nhà nước chiếm tới 70 - 80% vốn điều lệ sẽ khiến cổ phiếu rơi vào tình trạng không có thanh khoản nên về bản chất vẫn là như nhau.
Theo quan điểm từ một nhà đầu tư, bình thường ngay tại những doanh nghiệp trên sàn thì quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ vẫn còn bị xâm phạm không ít. Vậy nên, với những doanh nghiệp ngoài sàn, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ càng khó được đảm bảo.
Bởi việc doanh nghiệp “trốn” lên sàn còn tạo điều kiện cho nhiều hoạt động không minh bạch khác, gây nên những “ẩn họa” không chỉ cho nhà đầu tư cá nhân mà ngay cả cổ đông Nhà nước.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã gây thất thoát tài sản của Nhà nước như đất đai, bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cán bộ thiếu năng lực vẫn được tuyển dụng qua sự cấu kết nào đó như câu chuyện của Sabeco hay nhiều doanh nghiệp khác từng diễn ra trong thời gian vừa qua.
Vì vậy, để chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp chây ỳ lên sàn như hiện nay, các nhà đầu tư nên đề xuất các cơ quan quản lý cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra từ đó xác minh rõ ràng sai phạm của doanh nghiệp, trên cơ sở đó áp dụng chế tài xử phạt mạnh tay nhằm đảo bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư và từ đó hạn chế thất thu nguồn lực Nhà nước.