Aa

Vì sao giá bất động sản vẫn leo thang?

Chủ Nhật, 03/01/2021 - 16:30

Trái với nhận định giá bất động sản sẽ sụt giảm bởi tác động dịch bệnh Covid-19, thị trường đang ghi nhận sự leo thang mạnh mẽ của giá sản phẩm địa ốc.

Tại Hội thảo: “Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025: Phân khúc nào phù hợp?”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, tại TP.HCM, phân khúc nhà ở giá rẻ (dưới 25 triệu đồng/m2) đã biến mất, còn tại Hà Nội tỷ trọng của phân khúc này cũng rất thấp (khoảng 10%).

Báo cáo của DKRA Vietnam cũng đưa ra công bố, giá nhà tiếp tục gia tăng, bất chấp diễn biến của dịch bệnh. Điển hình như  tại TP.HCM, đà tăng giá tại nhiều khu vực đang diễn ra mạnh mẽ.

Thị trường bất động sản đang ghi nhận mức tăng giá leo thang. 

Đánh giá tổng quan về thị trường, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc PropertyGuru Việt Nam cho hay, phân khúc chung cư tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng ổn định về lượng tin đăng và mức độ quan tâm trong năm 2021. Trong khi giá chung cư tại Hà Nội được dự báo đi ngang và ổn định thì giá chung cư tại TP.HCM được cho là sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021, với mức tăng giá đạt khoảng 9% trong năm 2021. Tuy nhiên, giá rao bán nhà riêng tại Hà Nội được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2021.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng cho rằng, trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19, các phân khúc bất động sản đều bị tác động khiến giá nhà tăng cao, có nơi tăng giá đến 30%.

"Nguyên nhân nào khiến giá bất động sản gia tăng, bất chấp tác động của dịch Covid-19 đến tổng quan nền kinh tế?" Trả lời câu hỏi này, giới chuyên gia đều chung nhận định, nguyên nhân chủ yếu đến từ cung ít và nhu cầu nhiều.

Theo DKRA Vietnam, thực tế, nguồn cung căn hộ trong năm 2020 đứng ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, với số lượng dự án được cấp phép chỉ bằng 1/10 so với các năm trước đó. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà để ở và đầu tư của người dân vẫn ở mức cao, chưa kể đây được coi là kênh đầu tư an toàn.

Phân tích sâu hơn về bức tranh cung – cầu, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, không khó để nhận ra một thực tế là thị trường bất động nhà ở tại các đô thị xuất hiện tình trạng lệch pha cung - cầu.

Theo ông Hà, trong khi nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu đầu tư kinh doanh bất động sản tại các đô thị lớn trên cả nước ngày một tăng cao thì số lượng dự án được phê duyệt đầu tư rất hạn chế. Điều này đã tạo nên sự khan hiếm nguồn cung cho thị trường. Cơ cấu nguồn cung phân khúc nhà ở hiện cũng không tương thích với nhu cầu.

GS.TS. Đặng Hùng Võ cũng cho biết thêm, năm 2019 – 2020, tỷ lệ phê duyệt dự án chỉ bằng 10% so với các năm trước. Nguồn cung bị giảm trong năm 2020 là một trong những lý do khiến giá nhà tiếp tục tăng trong năm 2021 và 2 năm sau đó do hàng hóa bất động sản khan hiếm. Trong khi đó, cầu bất động sản của người Việt lại không ngừng gia tăng.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land chỉ ra, người Việt thường thích "an cư lạc nghiệp", tích lũy tài sản từ bất động sản, cộng thêm các yếu tố dân số trẻ, điều kiện thu nhập tăng lên... dẫn đến giá bất động sản leo thang.

Sự gia tăng mức giá bất động sản đối ngược với tình trạng “thấm mệt” của nền kinh tế khiến nhiều chuyên gia đặt ra lo ngại về rủi ro của thị trường địa ốc. Nguy cơ vỡ bong bóng có thể xảy ra nếu như đà leo thang giá sản phẩm địa ốc vẫn không ngừng trong khi các điều kiện thúc đẩy mức giá lại không tương xứng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top