Trong báo cáo về tình hình 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chung cư tại Hà Nội đã có sự phân bổ hợp lý. Trong tổng lượng nguồn cung tại các dự án chung cư, nguồn cung căn hộ giá bình dân đã chiếm tỷ trọng lên đến gần 60% tổng lượng cung chào bán ra thị trường và ngược lại, loại căn hộ siêu cao cấp (có giá bán trên 50 triệu đồng/m2) chỉ chiếm tỷ trọng trên 1%. Dấu hiệu này cho thấy các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá chính xác nhu cầu thị trường.
Sự hợp lý trong cơ cấu phân khúc sản phẩm của thị trường bất động sản Hà Nội dẫn đến sự hấp thụ của thị trường tốt hơn so với quý II của các năm trước, đạt đến 76% tỷ lệ hấp thụ (6.755căn/8.863 căn). Trong đó, phân khúc có giá bình dân giao dịch chiếm tỷ trọng trên 47% và phân khúc cao cấp chỉ đạt 12%.
Nhà liền kề và nhà phố là loại sản phẩm được ra hàng trong thời gian vài năm trở lại đây nhưng đã xuất hiện trong quý II/2018 với nguồn cung chào bán lên đến 1.639 sản phẩm, nằm chủ yếu tại quận Hoàng Mai, quận Hà Đông, quận Long Biên và huyện Mê Linh. Đây là loại sản phẩm có giá trị cao, từ 6 – 7 tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng. Phân khúc này chỉ thích chợp với số ít khách hàng, nên khó tiêu thụ. Lượng giao dịch đạt khoảng 130 sản phẩm và tính hấp thụ đạt khoảng 8%.
Báo cáo chỉ ra rằng, tại khu vực Hà Nội, các hoạt động mua đi bán lại nhộn nhịp, sôi động của các nhà đầu tư thứ cấp, các nhà đầu cơ đã ít dần. Lý giải về vấn đề này, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm 6 tháng đầu năm, giá cả bất động sản ở đây gần như không tăng trưởng cao như vài năm trước, thậm chí, có nhiều dự án còn giảm giá bán bằng nhiều hình thức khác nhau.
Để kiếm lời, giới đầu tư, đầu cơ đã chuyển hướng đến thị trường mới nổi ở các tỉnh, nơi giá bất động sản đang thấp, có khả năng tăng để sinh lời. Với những phân tích này, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản khẳng định, giới đầu cơ không còn mặn mà với bất động sản Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Quang Minh (Giám đốc Công ty CP Nhà đất Hùng Vương), có 2 lý do khiến nhà đầu tư và đầu cơ không còn mặn nồng với bất động sản Hà Nội. Thứ nhất, ở khu vực nội đô Hà Nội, quỹ đất đã được các nhà đầu tư lớn xây dựng dự án, nếu muốn nhảy vào vùng trung tâm, chi phí bỏ ra rất lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận lại không cao. Thứ hai, vùng ven đô Hà Nội hay tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, phân khúc đất nền còn rất nhiều. Hơn nữa, với chính sách phân lô, tách thửa, nhà đầu tư và đầu cơ dễ dàng tìm kiếm được quỹ đất lớn rộng và chỉ đợi cơ hội khi hạ tầng hoàn thiện là giá có thể tăng.
Ông Minh cũng cho rằng: “Theo quy luật chung, ở đâu có hạ tầng mới, ở đó giá đất sẽ được đẩy lên. Tại Hà Nội, hạ tầng cơ bản đã hoàn thiện trong khi đó phía các tỉnh lân cận đang hút nhiều dự án xây dựng. Nhà đầu tư và đầu cơ nhìn thấy tiềm năng tăng giá ở các quỹ đất “sinh ra vàng” này. Chưa kể, với mức giá 1 tỷ đồng, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng có thể tham gia vào thị trường bất động sản”.
Ở góc độ khác, ông La Lăng (Giám đốc Vietfor Land) cho rằng: “Hà Nội gần như bội thực các dự án mà nhu cầu của người dân chủ yếu hướng tới phân khúc tầm thấp hoặc trung nên tính thanh khoản các sản phẩm bất động sản diễn ra rất chậm hoặc tỷ suất lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, một số điểm ven đô Hà Nội như Xuân Phương (Nam Từ Liêm), An Khánh (Hoài Đức), Sóc Sơn, Đông Anh hay Kiến Hưng (Hà Đông) cũng thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư và đầu cơ. Nhiều địa điểm tỷ suất sinh lời lên tới 25 - 50%”.
Tuy nhiên, ông Lăng cho hay, từ tháng 3, khi giá đất nền sốt, nhiều nhà đầu tư đã gom sẵn đất. Cho nên, giai đoạn sau, giao dịch qua nhiều vòng sẽ khiến giá đất bị đẩy lên cao khiến giới đầu tư và đầu cơ trở nên ngần ngại với việc rót vốn vào đây. Bởi vậy, một thị trường mới đầy tiềm năng sẽ là điểm đặt chân đầy hứa hẹn cho giới đầu tư và đầu cơ.