Aa

Vì sao liên danh nghìn tỷ "cố sống, cố chết" ôm mặt bằng 3241 TP. Thanh Hóa?

Thứ Năm, 30/04/2020 - 11:27

Không thể thu xếp được khoản tài chính lên tới cả nghìn tỷ đồng khi đã quá hạn nộp, liên danh trúng đấu giá mặt bằng 3241 rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thế nhưng, tại sao họ vẫn "tử thủ" ở mặt bằng này?

Khổ nhiều bên

Liên danh Công ty Cổ phần Đông Sơn - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng ADI lâm vào thế "ngàn cân treo sợi tóc" vì không thể thu xếp khoản tài chính nghìn tỷ khi đã quá hạn nộp sau khi trúng đấu giá Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Còn cơ quan nhà nước cũng lâm vào cảnh đòi tiền không được, hủy kết quả trúng đấu giá cũng chẳng xong.

Xét trên phương diện quản lý nhà nước nói chung, nguồn thu từ việc bán đấu giá không phải là chuyện "cơm không ăn, gạo còn đó", bởi đầu tư là hoạt động xuyên suốt trong quá trình phát triển của một nền kinh tế. Do đó, việc doanh nghiệp chậm nộp các khoản tài chính theo quy định sau khi trúng đấu giá không chỉ ảnh hưởng lớn tới nguồn thu cho ngân sách mà còn khiến kế hoạch chi của TP. Thanh Hóa bị ảnh hưởng, bởi kế hoạch đầu tư các công trình xây dựng cơ bản của thành phố đã được "lên dây cót" từ trước...

Nhưng một điều rất khó hiểu là, mặc dù không thể thu xếp khoản tài chính lên tới cả nghìn tỷ đồng sau khi trúng đấu giá, nhưng liên danh Công ty Cổ phần Đông Sơn – Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng ADI vẫn "cố sống, cố chết" ôm mặt bằng này? Nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho vấn đề trên trong thời điểm liên danh trúng đấu giá đang "sa lầy" tại mặt bằng 3241. 

Thứ nhất, nếu bỏ cuộc hoặc không thanh toán được khoản tài chính nghìn tỷ còn nợ đồng nghĩa với việc, kết quả trúng đấu giá bị hủy bỏ. Như vậy, số tiền đặt cọc 66 tỷ đồng của tổ chức tham gia đấu giá sẽ bị tịch thu nộp vào Ngân sách Nhà nước. Hiện, Liên danh ADI – Đông Sơn mới nộp được 144 tỷ đồng trên số tiền phải nộp 1.215 tỷ đồng, hoàn thành 11,8% nghĩa vụ tài chính (chưa bao gồm hàng tỷ đồng tiền phạt nộp chậm). Như vậy, nếu căn cứ Luật Đấu giá tài sản và các văn bản liên quan, kết quả trúng đấu giá sẽ bị hủy bỏ. 

Câu hỏi đặt ra là, liệu liên danh trúng đấu giá mặt bằng nghìn tỷ có "dại" tới mức ném qua cửa sổ cả trăm tỷ đồng đã nộp, lại vừa để mất mặt bằng vừa trúng đấu giá? Theo nhận định của một số chuyên gia bất động sản, kịch bản này rất khó xảy ra trong thực tế.

Một trường hợp khác có thể xảy ra do liên danh này chưa lường trước được kịch bản nguồn vốn đầu tư sau khi trúng đấu giá. Theo quy chế đấu giá, ngoài các điều kiện cần thiết để được tham gia đấu giá, đơn vị tham gia đấu giá phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng - một hình thức cam kết thu xếp vốn tham gia đấu giá. Tuy nhiên, việc thu xếp nguồn vốn từ ngân hàng với số lượng lên tới cả nghìn tỷ đồng trong thời hạn ngắn theo quy định sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá đã không xảy ra với liên danh này. 

Do đó, các phương án kinh doanh khác (liên kết đầu tư, tìm nguồn vốn tài trợ) của liên danh này cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc vay vốn lên tới hàng nghìn tỷ trong thời gian ngắn theo đề nghị của doanh nghiệp là điều không dễ bởi nó phụ thuộc vào phương án sản xuất kinh doanh, tài sản thế chấp..., từ đó ngân hàng mới có căn cứ xác định, đánh giá năng lực khách hàng rồi đi đến quyết định có cho vay hay không. Điều này cũng đồng nghĩa với việc liên danh trúng đấu giá vừa phải "cố thủ" tại mặt bằng trúng đấu giá, vừa phải tìm kiếm "nhà đầu tư" để... thoát hiểm?

Một nghi vấn khác không thể bỏ qua đó là, liệu có sự "ràng buộc" nào đó trước đây trong quan hệ mua - bán giữa đơn vị trúng đấu giá với khách hàng khi dự án mở bán chưa đủ pháp lý bằng các hợp đồng vay vốn trước khi diễn ra cuộc đấu giá thứ 3, khiến liên danh trúng đấu giá rơi vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" hay không? 

Những lùm xùm xung quanh câu chuyện hợp tác của liên danh trúng đấu giá với sàn giao dịch Midland trong việc tìm kiếm nguồn tiền đầu tư, hay câu chuyện mua bán thông qua hợp đồng góp vốn tiền tỷ tại mặt bằng này năm 2019 khiến người ta không khỏi nghi ngờ về sự ràng buộc trách nhiệm trong quan hệ mua - bán giữa các bên ở thời điểm trước đó. Tuy nhiên, đại diện liên danh trúng đấu giá đã phủ nhận thông tin này.

Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới lợi thế thương mại từ dự án này có thể đem lại trong tương lai, mà theo đại diện liên danh trúng đấu giá, giá trị của mặt bằng, dự án này sẽ "cứu" liên danh trong thời gian tới.

"Cầu cứu"

Cuối năm 2019, thị trường bất động sản Thanh Hoá chấn động vì dự án “đất vàng” tại mặt bằng 3241 của TP. Thanh Hoá được đấu giá thành công với giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Vậy nhưng, sau khi thương vụ đấu giá thành công là vô vàn khó khăn mà liên danh trúng đấu giá (Công ty Cổ phần Đông Sơn – Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng ADI) phải đối mặt, đặc biệt là việc thu xếp khoản tài chính nghìn tỷ cho Nhà nước, chưa kể những cái khó khác do dịch Covid-19 gây ra.

Sau khi không thể thu xếp được khoản tài chính lên tới cả nghìn tỷ đồng khi đã quá hạn nộp, Liên danh ADI - Đông Sơn, đơn vị trúng đấu giá mặt bằng 3241 rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”, đồng thời có văn bản “cầu cứu” cơ quan chức năng.

Mặt bằng nghìn tỷ 3241 với tổng diện tích 58ha tại trung tâm TP. Thanh Hóa

Ngày 17/3/2020, liên danh trúng đấu giá nói trên đã có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh, thành phố Thanh Hóa... về việc đề nghị giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất Dự án khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa.

Văn bản nêu rõ: “Sau khi trúng đấu giá, ngày 20/12/2019 liên danh đã nộp 144 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đồng thời đã xây dựng phương án kinh doanh, tích cực tìm kiếm đối tác đầu tư, làm việc với các ngân hàng để đảm bảo nguồn vốn nộp vào ngân sách và thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, Liên danh ADI - Đông Sơn gặp những khó khăn nhất định, ảnh hưởng đến việc xây dựng phương án đầu tư và kinh doanh.

Thời gian qua và hiện nay, đại dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của đại dịch đã làm tê liệt toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều ý kiến chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp.

Trong giai đoạn này, Liên danh ADI - Đông Sơn đang thực hiện dự án trúng đấu giá Khu dịch vụ thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa cũng không nằm ngoại lệ và gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và huy động các nguồn lực kinh doanh”, văn bản của liên danh trúng đấu giá nêu.

Sau khi nêu khó khăn, liên danh này cũng đưa thêm lý do và đề nghị được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất: “Do hạ tầng kỹ thuật của dự án Khu đất trúng đấu giá chưa hoàn chỉnh và có dấu hiệu xuống cấp do thời gian đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã lâu, không được quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng…

Liên danh nhận thấy hạ tầng dự án cần được hoàn chỉnh để bàn giao cho đơn vị trúng đấu giá nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cho các hộ gia đình, cá nhân sinh sống khi dự án được thực hiện, kết nối giao thông đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Để tháo gỡ khó khăn này, liên danh trúng đấu giá trong giai đoạn này, kính đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, Cục trưởng Cục Thuế xem xét cho liên danh được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất.

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã gây khó khăn rất lớn trong việc tìm kiếm đối tác, huy động vốn từ các ngân hàng và triển khai bán hàng, trong khi đó ngân hàng cam kết giải ngân cho chúng tôi đến cuối tháng này nhưng do dịch Covid họ đã "phanh đét". Cứ sống kiểu cầm hơi thế này thì nguy”, văn bản nêu.

Ông Hoàng Đức Quang - Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Sơn Thanh Hóa còn tiết lộ thêm, cái khó hiện nay chính là việc thu xếp khoản tiền để thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

“Lẽ ra trong tháng 4 này, ngân hàng đã giải ngân cho chúng tôi để thanh toán khoản nợ tiền sử dụng đất đối với Nhà nước, nhưng do dịch Covid, tất cả bị “phanh” lại. Điều này khiến chúng tôi hết sức khó khăn, đặc biệt là thu xếp khoản tiền thanh toán cho Nhà nước sau khi trúng đấu giá", ông Quang nói.

Rõ ràng, việc thu xếp khoản tài chính lên tới cả nghìn tỷ đồng, đối với liên danh trúng đấu giá trong thời điểm này sẽ quyết định sự thành bại của dự án nói trên. Tuy nhiên, theo lý giải của đơn vị trúng đấu giá thì việc này chẳng khác nào chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời”.

Không thuộc trường hợp được giãn thời gian nộp tiền

Liên quan tới vụ việc này, ngày 23/3/2020, ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã có công văn giao Cục Thuế Thanh Hoá căn cứ các văn bản chỉ đạo về miễn, giảm trong trường hợp khó khăn đối với đề nghị giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất của Liên danh ADI - Đông Sơn Thanh Hóa.

Tuy nhiên, đại diện Cục Thuế Thanh Hóa cho biết, đề xuất của liên danh trúng đấu giá là không phù hợp.

"Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, không có quy định gia hạn nộp tiền sử dụng đất. Vì vậy, đề nghị của liên danh trúng đấu giá là không có cơ sở xem xét", văn bản của Cục Thuế Thanh Hóa cho hay.

Trụ sở UBND TP. Thanh Hóa.

Trong khi đó, UBND TP. Thanh Hóa cho rằng, cơ quan có thẩm quyền chỉ bàn giao thực địa cho nhà đầu tư trúng đấu giá khu đất khi họ thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

“Theo quy định của pháp luật, khi nào nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất dự án Khu dịch vụ, thương mại, văn phòng và dân cư thuộc khu đô thị Đông Hương, TP. Thanh Hóa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người trúng đấu giá quyền sử dụng đất, UBND TP. Thanh Hóa sẽ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao trên thực địa cho nhà đầu tư trúng đấu giá khu đất”.

Về những khó khăn về mặt bằng sau khi trúng đấu giá như kiến nghị của “liên danh nghìn tỷ”, UBND TP. Thanh Hóa cho biết, sẽ xử lý, khắc phục trong thời gian sớm nhất: “Hiện nay hạ tầng kỹ thuật khu trúng đấu giá mặt bằng 3241 về cơ bản đã hoàn thành, các hạng mục san nền, giao thông, trồng cây xanh, lát hè, cấp điện sinh hoạt… đảm bảo theo thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt.

Việc 2 đoạn tuyến đường N23 (50m) và N2 (80m) giáp ranh với chung cư Xuân Mai đóng cọc xây dựng trước đây đã được thi công xong và được nghiệm thu nhưng do bị ảnh hưởng thi công, nay bị hư hỏng phải thi công lại. Phía Công ty Xuân Mai cam kết đầu tư hoàn trả 2 tuyến đường trước tháng 4/2020. UBND Thành phố đang làm các thủ tục để bàn giao cho các đơn vị liên quan quản lý, khai thác, vận hành phần hạ tầng kỹ thuật trúng đấu giá mặt bằng 3241”, văn bản của UBND TP. Thanh Hóa cho hay.

Như vậy, các lý do mà liên danh trúng đấu giá đưa ra về mặt bằng, tài chính, thuế, sau khi trúng đấu giá đều đã được các cơ quan có thẩm quyền giải đáp, phản hồi. Các "khe cửa" hẹp đang dần bị đóng lại. Vận mệnh "sinh - tồn" của dự án nghìn tỷ trong bối cảnh hiện nay đặt ra thách thức không hề nhỏ cho liên danh trúng đấu giá.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top