Aa

Thị trường bất động sản Thanh Hóa "đóng băng" thời Covid-19

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Tư, 22/04/2020 - 14:42

Sau 4 tháng vật lộn với đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Thanh Hóa rơi vào trạng thái "đóng băng". Nhiều doanh nghiệp bất động sản phải cho nhân viên nghỉ việc hoặc đóng cửa để chờ tín hiệu mới của thị trường.

Những năm trước đây, sau dịp tết Nguyên đán, thị trường bất động sản sẽ có sự khởi sắc đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc kinh doanh, buôn bán nhà, đất gặp rất nhiều khó khăn. Các nguồn thu từ bất động sản giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu do khách hàng hạn chế mua đất, nhà xây sẵn, cho thuê hoặc bán lại. Hiện tại, nhìn nhận chung, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại Thanh Hóa đều bị tác động lớn từ đại dịch. 

Tỉnh Thanh Hóa cần có thêm những cơ chế để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đứng vững trong đại dịch Covid-19

Theo anh Văn Dũng, Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa: “Nguyên nhân dẫn đến thị trường  tại Thanh Hóa "đóng băng" là do các sự kiện quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ vì giãn cách xã hội. Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, trước sự biến động của giá vàng, ngoại tệ, thị trường bất động sản trong thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư lo lắng. Đa số họ chọn phương án "găm" nguồn tài chính để bảo toàn giá trị.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải chọn phương án cho nhân sự tạm nghỉ không lương hoặc đẩy mạnh khâu bán hàng qua Internet khi nguồn cung vẫn chưa cải thiện”.

Cũng theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản tại Thanh Hóa, một số ông lớn trong lĩnh vực bất động sản có uy tín đều bày tỏ quan ngại và đưa ra lời khuyên nên cẩn trọng để đầu tư bất động sản lúc này. Nếu Nhà nước kiểm soát tốt dịch bệnh vào thời điểm giữa hoặc cuối năm nay thì lúc ấy chính là thời điểm vàng để có "sóng" đầu tư.

Còn lúc này, các nhà thầu nên tập trung nguồn lực để hoàn thành mọi hạng mục của dự án đã thi công trước đó cho kịp tiến độ. Bởi nếu nhà thầu chậm tiến độ cũng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy. Đây cũng là thời điểm các nhà đầu tư, nhà thầu khẳng định vị thế, nguồn lực trong lĩnh vực bất động sản.

Thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian này còn chịu tác động từ các phân khúc khác như bán lẻ và nghỉ dưỡng, văn phòng và bất động sản công nghiệp. Lượng khách du lịch sụt giảm mạnh khiến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện bị tổn thất nghiêm trọng. Đây cũng là một nguyên nhân khiến lượng nhà đầu tư ngoài tỉnh giảm sút.

Sau những ảm đạm của thị trường bất động sản Thanh Hóa trong quý I/2020, các chuyên gia cho rằng trong những quý tiếp theo khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, những doanh nghiệp chưa kịp triển khai đưa hàng mới ra thị trường trong quý I sẽ đồng loạt "khởi sắc" trong quý II/2020, kéo lại đà tăng trưởng cho những tháng trước đó. Đối với một số doanh nghiệp có nguồn tài chính dồi dào, nhiều kinh nghiệm thì đây lại là cơ hội lớn để "găm" hàng chờ thời cơ kiếm lời.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần chủ động tìm giải pháp kinh doanh để duy trì hoạt động và gia tăng thêm tích lũy. Điều chỉnh, phát triển sản phẩm, nghiên cứu, tìm hiểu thêm về thị trường, nhu cầu khách hàng để xây dựng kế hoạch từ nguồn cung - cầu nhằm đưa ra mức giá cụ thể, hấp dẫn đối với khách hàng tiềm năng.

Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa cũng cần có cơ chế, đưa ra nhiều giải pháp kịp thời nhằm khuyến khích nhà đầu tư triển khai các dự án trước đó đã được phê duyệt, đẩy mạnh xây dựng các dự án đê điều, đường xá, các công trình công cộng, trường học,… để tạo việc làm cho lao động, giảm bớt tình trạng thất nghiệp. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top