Vì sao người Việt chi hàng tỷ USD mua bất động sản ở Mỹ mỗi năm?
Mỗi năm trung bình những người nước ngoài đầu tư vào thị trường bất động sản Hoa Kỳ khoảng 150 tỉ USD, trong đó Việt Nam chiếm 3 tỉ USD (khoảng 2%). Theo Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ, 3 năm qua, Việt Nam luôn đứng top 10 quốc gia có số tiền đầu tư vào Mỹ cao nhất thế giới.
Theo các chuyên gia, thực ra người Việt Nam đầu tư bất động sản Mỹ không phải là khái niệm mới mẻ, đã diễn ra khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm gần đây, xu hướng này ghi nhận rõ nét trên thị trường khi giới đầu tư liên tục “bỏ tiền” vào đây vì độ an toàn cao và giá bất động sản còn mềm so với các quốc gia khác.
Những khu vực được giới đầu tư nhắm đến nhiều nhất phải kể đến Los Angeles, New York, San Francisco và Seattle với đa dạng phân khúc từ căn hộ, đất nền, văn phòng đến khách sạn. Nhận định của các chuyên gia, hoạt động đầu tư vào bất động sản Mỹ sẽ trở thành xu hướng mạnh mẽ của giới đầu tư Việt Nam trong thời gian tới.
Xem thông tin chi tiết tại đây
TP.HCM sẽ họp báo về kết luận thanh tra sai phạm ở Thủ Thiêm
Sáng 27/6, bên lề Đại hội Đại biểu Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM lần XI, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo đó, ông Phong cho biết đã nắm bắt được thông tin qua báo chí, internet chứ thành phố vẫn chưa nhận được văn bản kết luận thanh tra chính thức. Theo kết luận này, UBND TP.HCM đang lập kế hoạch thực hiện những đầu việc liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và thứ 2 tuần tới sẽ báo cáo với Thường trực Thành ủy, tổ chức họp báo.
"Việc này phải làm khẩn trương, không thể chậm trễ hơn nữa", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Về việc kết luận vừa qua của Thanh tra Chính phủ không nhắc đến quyền lợi của người dân Thủ Thiêm, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng vấn đề này đã có Thông báo 1483 trước đó của Thanh tra Chính phủ và TP.HCM cũng đã thực hiện một loạt chính sách liên quan đến vấn đề này.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Quỹ bảo trì chung cư: "Tấn bi kịch" chưa có hồi kết
Tại tọa đàm "Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận", đại diện ban quản trị một chung cư tại TP.HCM đã có cơ hội bày tỏ quan điểm, ý kiến và nhận được câu trả lời từ luật sư, đơn vị chuyên môn cũng như cơ quan chức năng.
Theo đó, ông Đinh Văn Sự, Trưởng ban quản trị chung cư Hoàng Anh An Tiến đã có ý kiến chia sẻ: "Tôi nhận thấy, các văn bản của quản lý nhà nước về nhà chung cư, từ những Quy định 08, đến Thông tư 02, Luật Nhà ở... là cả một tâm huyết và logic đi liên tục. Chắc chắn quy định pháp luật rất chi tiết, nhưng vì sao vấn đề phí bảo trì có nhiều ý kiến như vậy?"
Vừa đặt ra câu hỏi nhưng vị đại diện này cũng vừa có một câu trả lời: "Vấn đề nằm ở thực thi như thế nào, nó liên quan đến công việc quản lý nhà nước ở đây. Ví dụ tại sao tranh chấp phí bảo trì, trong Luật Nhà ở 2014 đã quy định ở Điều 108 - 109, trong Thông tư 02 cũng quy định rõ ở Điều 36 - 37, và chế tài về việc không bàn giao quỹ bão trì cũng đã có trong Nghị định 99/2015. Thử hỏi, ở TP.HCM, đã có quyết định cưỡng chế nào của chủ đầu tư cho Ban quản trị hay chưa?"
Xem thông tin chi tiết tại đây
HUD khởi công dự án nhà ở xã hội giá 8 triệu đồng/m2
Lễ khởi công dự án nhà ở xã hội thuộc khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 của HUD đã được tổ chức vào chiều ngày 27/6. Đây được coi là dự án chung cư có mức giá thấp chưa từng có trong tiền lệ.
Dự án Khu nhà ở xã hội (NOXH) tại khu đô thị mới Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 là dự án tiêu biểu nằm trong chương trình phát triển nhà ở xã hội của Tổng Công ty HUD, là một trong các mục tiêu trọng điểm trong năm 2019. Tổng Công ty HUD đang tập trung triển khai đồng thời các thủ tục đầu tư xây dựng của 03 dự án khu đô thị mới (Thanh Lâm – Đại Thịnh 1, Thanh Lâm – Đại Thịnh 2 và Mê Linh - Đại Thịnh) trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội.
Dự án bao gồm 14 khối nhà chiều cao 06 tầng với quy mô 1.030 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 52m2 - 69m2 với giá bán dự kiến khoảng 8 triệu đồng/m2 sẽ được xây dựng và hoàn thành từ nay đến năm 2020.
Với việc chú trọng phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho đối tượng chính sách, người thu nhập thấp đô thị... tại nhiều địa bàn trên khắp cả nước, Tổng Công ty HUD và các đơn vị thành viên đã và đang đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu Chiến lược Phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đặc biệt là triển khai Chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ.
Xem thông tin chi tiết tại đây
Hà Nội: 36 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ, nhiều dự án vẫn xảy ra khiếu kiện
Sáng 27/6, Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban trực tuyến với các quận, huyện, thị xã quý II-2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc giao ban.
Trình bày báo cáo kiểm đếm tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp thành phố và các quận, huyện, thị xã tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhìn chung tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố là chậm, nhất là ở cấp Thành phố.
Hết 5 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng đạt khoảng 31%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (33,17%). Chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố.
Về tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, đến thời điểm này, trong số 29 dự án ngân sách và ODA với tổng mức đầu tư 154.039 tỷ đồng, đã hoàn thành 5 dự án và 1 hạng mục dự án, 4 dự án khởi công mới trong năm 2019, 2 dự án dự kiến chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng BT sang ngân sách.