Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn từng khẳng định: Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm xây dựng Sầm Sơn thành đô thị du lịch trọng điểm của quốc gia, là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước; góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.
Mục tiêu trong 5 năm tới, toàn ngành du lịch Thanh Hóa thu hút hơn 63,7 triệu lượt khách; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng đã xác định chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh. Để thực hiện được giấc mơ du lịch bốn mùa, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư hạ tầng, phải tạo ra sự đột phá trong môi trường du lịch, đổi mới tư duy về phát triển du lịch; đưa du lịch thành ngành dịch vụ tổng hợp liên ngành, liên vùng, theo hướng chuyên nghiệp, văn minh; mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, một đại sứ thiện chí để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Mũi nhọn vùng kinh tế phía Đông
Bờ biển Thanh Hóa dài 102km với địa hình bằng phẳng trải qua 6 huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia, với dân số khoảng 1,2 triệu người, chiếm gần 1/3 dân số toàn tỉnh.
Hiện tỉnh Thanh Hóa có các khu du lịch biển như: Khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), khu du lịch biển Sầm Sơn (TP. Sầm Sơn), khu du lịch biển Quảng Xương, khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia)... đang góp phần tạo được sức hút lớn trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Ngoài biển, Thanh Hóa còn có các đảo nổi, đảo chìm như Hòn Nẹ, Hòn Mê và bán đảo Nghi Sơn. Hiện du lịch biển, đảo đang chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch xứ Thanh.
Thời gian qua, bằng những chính sách nhằm thu hút đầu tư nghành du lịch - dịch vụ, tỉnh Thanh Hóa đã hợp nhất một số quy hoạch ven biển thành một quy hoạch tổng thể nhằm xây dựng một khu du lịch sinh thái ven biển trọng tâm, trọng điểm bằng cách thu hút các nhà đầu tư lớn.
Với những lợi thế sẵn có, du lịch biển là một trong những thế mạnh đưa giá trị kinh tế của tỉnh tăng trưởng, trong đó du lịch - dịch vụ đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nhằm tạo điều kiện cho du lịch biển phát triển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương vùng ven biển được tỉnh Thanh Hóa quan tâm, chú trọng, nhất là về kết cấu hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, hàng loạt các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu du lịch tại Thanh Hóa được xây dựng mới, góp phần không nhỏ thu hút nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước.
Có thể kể đến dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, khu du lịch biển Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), khu du lịch biển Tiên Trang (huyện Quảng Xương)…
Trong xu thế phát triển, TP. Sầm Sơn là một trong những điểm thu hút đầu tư lớn của Thanh Hóa và khu vực miền Trung. Trong 5 năm trở lại đây, Sầm Sơn thu hút phần lớn các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ với giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình như dự án FLC Sầm Sơn, khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng du lịch biển Sun Group Sầm Sơn.
Bất động sản du lịch trước cơ hội bứt phá
Đánh giá những tiềm năng, thế mạnh cũng như định hướng của TP. Sầm Sơn nhằm phát triển nghành du lịch của địa phương trong thời gian tới, ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND TP. Sầm Sơn cho biết, Sầm Sơn nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 17km, là một trong những bãi biển đẹp nhất Bắc Trung Bộ và được mệnh danh là “chốn nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”. Nơi đây có đường bờ biển chạy dài 6km từ chân núi Trường Lệ với độ dốc, độ mặn nước biển vừa phải, rất thích hợp cho các hoạt động vui chơi, tắm biển...
Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật đô thị của Sầm Sơn được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều dự án lớn đã, đang và sắp hoàn thành, đưa vào sử dụng; văn hóa du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, thân thiện.
“Để khai thác tối đa lợi thế phát triển, Sầm Sơn tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và các thành phần kinh tế tham gia, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ truyền thống, khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ mới để kích thích sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
Ngoài ra, trong những năm qua Sầm Sơn đã kết hợp đan xen giữa các loại hình du lịch để tạo nên sự phong phú và đa dạng nhằm thu hút khách du lịch thập phương, đồng thời lưu giữ, xây dựng những giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội, ngành, nghề truyền thống và các giá trị văn hóa khác”, ông Tú cho biết thêm.
Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng cần được ưu tiên đầu tư. Từ năm 1989, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn, sức khỏe, kinh tế, bạn bè” tạo bước ngoặt lớn đánh thức tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch Sầm Sơn trong thời gian tiếp theo.
Mấy năm trở lại đây, bộ mặt đô thị của thành phố thay đổi hoàn toàn bởi các dự án như: Quần thể nghỉ dưỡng FLC, khu du lịch sinh thái ven Sông Đơ, khu du lịch sinh thái – văn hóa Núi Trường Lệ, dự án Quảng trường Biển, dự án đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group… Điều đó mang ý nghĩa vô cùng lớn, khẳng định Sầm Sơn đang dần trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí tổng hợp, hiện đại mang tầm quốc gia và quốc tế của tỉnh Thanh Hóa.
Du lịch phát triển kéo theo sự trỗi dậy của bất động sản nghỉ dưỡng và hàng loạt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Sự đổ bộ của các ông lớn trong ngành bất động sản khiến Sầm Sơn đang trở nên đẹp, đáng sống với du khách trong và ngoài nước.
Ông Lê Văn Tú khẳng định, đây là cơ hội để Sầm Sơn khẳng định giá trị đích thực của mình trong sự phát triển du lịch nói chung, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng: “Với định hướng phát triển du lịch - dịch vụ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Thành phố luôn tâm niệm người dân là lực lượng tiên phong, đi đầu trong việc chung tay, góp sức cùng chính quyền, xây dựng nền du lịch, thương mại, dịch vụ văn minh, thân thiện và hiếu khách nhằm đưa du lịch biển là một trong những thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.
Từ những kết quả đã đạt được, chính quyền thành phố định hướng đưa du lịch tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm. Do đó, hệ thống chính quyền các cấp của thành phố luôn trăn trở, tìm cách đưa ra những cách làm sáng tạo, những giải pháp hợp lý như nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo điều kiện để doanh nghiệp đến đầu tư, cải tạo không gian ven biển, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án nhằm xây dựng Sầm Sơn thành điểm đến hiện đại, hấp dẫn, thân thiện.
Để làm được điều đó, quan điểm của thành phố là làm sao để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dịch vụ du lịch; đa dạng hóa sản phẩm để thu hút du khách và kéo dài thời gian hoạt động du lịch; nâng cao chất lượng tuyên truyền, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tranh thủ các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường; tăng cường công tác phòng chống dịch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn khi tắm biển”.
Bên cạnh những thế mạnh thì quá trình phát triển khai thác du lịch tại Sầm Sơn cũng còn tồn tại nhiều bất cập như: Nhiều dự án du lịch được xây dựng nhưng còn manh mún, chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng phát triển du dịch chưa được đầu tư bài bản. Còn không ít dự án du lịch treo với quy mô hàng trăm héc-ta chưa được xây dựng gây thất thoát rất lớn về tài nguyên, tạo bức xúc trong dư luận.
Trong vài năm trở lại đây nguồn cung đất liền thửa với diện tích lớn tại biển Sầm Sơn và các khu du lịch ven biển tại Thanh Hóa đang khan hiếm khiến giá trị bất động sản tăng cao là trở ngại của không ít nhà đầu tư. Việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp sang đất du lịch - dịch vụ - thương mại rất khó khăn.
Ngoài ra, còn một trở ngại lớn khác đối với thành phố là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản về du lịch- dịch vụ còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Du lịch biển Thanh Hóa chỉ hoạt động được ít tháng mùa hè, những tháng còn lại phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong khi đó phí bảo trì cao cũng là một điểm hạn chế khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn./.