Aa

Vì sao phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?

Chủ Nhật, 29/12/2024 - 10:50

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải mới đây đã ký Quyết định số 1646/QĐ-BGTVT phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo như quyết định được ban hành, đối với các công trình cung cấp dịch vụ hàng không, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định bố trí lại mặt bằng cụm 12 công trình sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay khu vực phía Đông Bắc của Cảng, diện tích mỗi công trình khoảng 3,8ha đến 4,5ha.

Đối với quy hoạch các hạng mục công trình khu bay và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, quy hoạch mới sẽ bổ sung đường lăn song song cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, bảo đảm khả năng kết nối và khai thác hiệu quả với khu vực sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay ở phía Đông Bắc Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Các nội dung còn lại được giữ nguyên theo quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được phê duyệt trước đó.

Vì sao phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?- Ảnh 1.

Sân bay Long Thành đang dần thành hình hài. Ảnh: Internet

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/6/2011, hệ thống cơ sở bảo dưỡng và sửa chữa tàu bay (hangar bảo trì tàu bay) trong Giai đoạn 1 của Dự án đầu tư xây dựng Cảng được quy hoạch đồng bộ, bao gồm hai tổ hợp hangar, được bố trí sử dụng chung sân đỗ tàu bay phía trước.

Đến ngày 11/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành Giai đoạn 1. Theo đó, Giai đoạn 1 được xác định đầu tư xây dựng bốn hangar nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Căn cứ kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành Giai đoạn 1, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thông qua Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO), đã được lựa chọn làm nhà đầu tư cho 2/4 dự án thành phần liên quan đến xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay thuộc Giai đoạn 1.

Vì sao phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam?- Ảnh 2.

Phối cảnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành. Ảnh minh họa

Thời điểm hiện tại, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã lập Đề án và báo cáo các cấp có thẩm quyền, đề nghị giao Tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không cho Vietnam Airlines tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm tổ hợp hangar bảo trì tàu bay.

Do đó, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá cần nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành (khu vực hangar bảo trì tàu bay) trong phạm vi xây dựng Giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Đối với 2 hangar thuộc lô đất số KV-06, KV-07 theo phương án Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 270/QĐ-BGTVT ngày 4/3/2022 sẽ được nghiên cứu đầu tư khi có nhu cầu; đồng thời bổ sung 8 hangar bảo trì tàu bay để dự phòng cho phát sinh nhu cầu của các hãng hàng không về bảo trì tàu bay tại hangar trong quá trình khai thác giai đoạn 1.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top