So với cách đây 10 năm, Thanh Hóa hiện nay đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong cách thức thu hút đầu tư như tập trung hút các dự án quy mô lớn, có tính kết nối sâu rộng, mang giá trị tương hỗ sâu sắc để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện theo chiều sâu của tỉnh.
Chỉ trong gần một thập kỷ, các chủ đầu tư giàu tiềm lực đã đến với xứ Thanh để chung tay phát triển các chuỗi dự án bài bản, tạo nên những quần thể đô thị, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí tầm vóc quốc tế, góp phần mang đến diện mạo mới cho vùng đất giàu tiềm năng này.
Trong đó, sức ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến Tập đoàn FLC với dự án FLC Sầm Sơn, tập đoàn Vingroup, chuỗi dự án của Sun Group, Flamingo... Đây là những nhà phát triển bất động sản cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam. Những ông lớn này đã góp phần làm đẹp xứ Thanh, nâng tầm điểm đến, mang tới diện mạo mới cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nghỉ dưỡng và bất động sản.
Khởi công từ gần 10 năm trước, đến nay chuỗi dự án FLC Sầm Sơn vẫn được xem là dấu mốc quan trọng, là cái gốc cho thu hút đầu tư, là điểm đầu cho sự phát triển không chỉ của riêng thành phố biển Sầm Sơn mà của cả tỉnh Thanh Hóa.
Kể từ khi FLC về Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, du lịch địa phương vượt lên nhanh chóng, đồng thời kéo theo sự phát triển của thị trường bất động sản, mở đường cho các cuộc “đổ bộ” của hàng loạt nhà đầu tư lớn khác như: Vingroup với Khu đô thị Vinhomes Star City rộng 130ha ở phường Đông Hải, trung tâm thương mại cao 36 tầng tại phường Điện Biên, những dự án này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo TP. Thanh Hóa. Tiếp theo là Eurowindow với dự án Khu đô thị Eurowindow ParkCity, hay Sungroup với dự án khu vui chơi giải trí tầm cỡ với quy mô hàng nghìn hecta tại Sầm Sơn...
Bên cạnh những "cánh chim đầu đàn" trên, nhiều doanh nghiệp bất động sản khác như Sao Mai, Xuân Mai, Flamingo, TNG, T&T… hay các doanh nghiệp địa phương cũng không bỏ lỡ cơ hội trong làn sóng đầu tư vào lĩnh vực đầy tiềm năng này. Có thể kể đến một số dự án như Khu đô thị Bình Minh; Dự án Khu đô thị Đông Hải; Khu đô thị phía Nam TP. Thanh Hóa…
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 30/8/2023, tỉnh Thanh Hóa có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 359 xã và 700 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã và 365 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Đây là một kết quả vô cùng quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã quyết tâm thực hiện, hoàn thành trong thời gian qua. Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã góp phần không nhỏ làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, đô thị văn minh, làm chuyển biến rõ nét cũng như nâng tầm giá trị bất động sản trong khu vực.
Phải nhắc lại rằng, thị trường bất động sản Thanh Hóa từ những năm 2015 trở về trước không để lại dấu ấn nào đáng kể, giá bất động sản thấp, các giao dịch chủ yếu là đất mặt bằng đô thị, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa thấp, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông yếu, chưa có tính đồng bộ…
Đến nay, kể từ khi Thanh Hóa "dọn tổ đón các đại bàng" về đầu tư, hạ tầng đô thị của địa phương thay đổi nhanh chóng kéo theo thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, thị trường bất động sản Thanh Hóa luôn ở trong tình trạng "đất sốt sình sịch" từ thành thị cho đến các vùng nông thôn ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn… khiến biên độ giá bất động sản tăng nhanh chóng.
Cá biệt đất ở khu vực ven biển như Sầm Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn và khu vực miền núi Như Thanh, Thọ Xuân… giá đất tăng từ 30-70% trong vòng 1 đến 2 tháng. Đặc biệt, nhiều cuộc đấu giá đất chỉ 30 đến 50 lô đất nhưng số lượng hồ sơ tham gia đấu giá lên đến hàng nghìn bộ, giá đất sau khi đấu tăng gấp 3 - 5 lần…
Nhiều chuyên gia và nhà môi giới bất động sản cho rằng, thực tế trên là điều tất yếu xuất phát từ các yếu tố như nhiều dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng khu du lịch, đô thị và đầu tư công được triển khai rầm rộ trải khắp các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, là sự đổ bộ của các ông lớn bất động sản đã nâng tầm vị thế của thị trường bất động sản ở địa phương này.
Như vậy, kể từ tháng 5/2014 khi Tập đoàn FLC khởi động dự án FLC Samson Beach & Golf Resort (FLC Sầm Sơn), quần thể nghỉ dưỡng đầu tiên của FLC và cũng là quần thể du lịch 5 sao đầu tiên tại Thanh Hóa, chỉ sau gần 1 năm xây dựng, FLC Sầm Sơn đã chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động. Vào thời điểm khai trương, quần thể cùng lúc được Guinness Việt Nam công nhận hai kỷ lục: “Resort có nhiều bể bơi nhất Việt Nam” và “Resort có bể bơi nước mặn lớn nhất Việt Nam”.
Đến nay, sau 10 năm kể từ khi viên gạch đầu tiên của FLC “hạ thổ” xuống vùng đất biển Sầm Sơn, hàng loạt dự án lớn khác đã tiếp nối làm thay đổi diện mạo đô thị xứ Thanh. Từ một vùng đất còn hoang sơ, diện mạo đô thị tại Thanh Hóa đang dần khởi sắc, hệ thống hạ tầng đô thị được cải thiện rõ rệt, nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp và được đầu tư xây dựng mới; nhiều đô thị mới, quy mô lớn ra đời, với những công trình kiến trúc hiện đại, nhiều tuyến đường giao thông lớn được xây dựng, mạng lưới đô thị được kết nối đồng bộ giữa các vùng, các huyện thị trong tỉnh.
Minh chứng rõ rệt, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa ngày một gia tăng. Năm 2015 là năm tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”, trong năm này Thanh Hoa thu hút 5.530.000 lượt khách. Năm 2016, chỉ tiêu này tiếp tục thêm 13,5%, tương đương với 6.277.000 lượt khách, tổng thu 6.298 tỷ đồng từ du lịch.
Đến nay, lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch đến Thanh Hóa đạt 11.615.600 lượt, tổng thu du lịch đạt 22.477 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cả về số lượt và gấp 4 lần doanh thu so với cách đây gần 10 năm.
Kinh tế Thanh Hóa ghi nhận các kết quả đáng khích lệ khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm đạt 9,69%, xếp thứ 5 cả nước. Quy mô kinh tế (GRDP) năm 2023 ước đạt trên 279.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh là 51,7 triệu đồng/người/năm. Trong đó, TP. Thanh Hóa là địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt 80,85 triệu đồng/người/năm...
Nhiều chuyên gia cho rằng, sự chuyển mình tích cực của bất động sản xứ Thanh nhờ những dự án xứng tầm đã đưa địa phương này lên một tầm cao mới. Với sự đổ bộ của những dự án bất động sản cao cấp, thương hiệu bất động sản Thanh Hóa được đánh giá sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ, đưa xứ Thanh trở thành ngôi sao mới trên bản đồ địa ốc cả nước./.