Trên thế giới, trái phiếu xanh đang được coi là phương tiện hữu hiệu huy động vốn từ khu vực tư nhân cho các dự án có lợi ích về môi trường và xã hội.
Việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng toàn cầu với sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... và được xem là một kênh huy động vốn quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho tăng trưởng bền vững.
Tại Việt Nam, nhu cầu vốn cho phát triển các dự án xanh, đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, việc đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh là tất yếu. Ngày 12/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế IFC tổ chức họi nghị hướng dẫn phát hành loại trái phiếu này.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội hay trái phiếu bền vững là những khái niệm tương đối mới ở Việt Nam. Tương tự như việc phát hành trái phiếu thông thường, doanh nghiệp cần tôn trọng các chuẩn mực và quy trình phát hành.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là số tiền huy động được từ trái phiếu, doanh nghiệp phải dùng một tỷ lệ nhất định để dành cho các dự án đóng góp vào các mục tiêu phát triển kinh tế, khí hậu và phát triển bền vững.
Theo báo cáo gần đây của Tổ chức tài chính quốc tế IFC, giá trị phát hành trái phiếu xanh năm 2019 ở các thị trường đang phát triển đạt 52 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước. Đặc biệt, trái phiếu xanh ngày càng thu hút các nhà đầu tư, tổ chức, các quỹ hưu trí, công ty quản lý tài sản...
Trước đây, thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành Tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.
Theo Quyết định, việc xây dựng, hoàn thiện khung chính sách tài chính, nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh, bao gồm: Thiết lập khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh...
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách về phát triển thị trường trái phiếu xanh.
Theo thông tin từ Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), hiện Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có kế hoạch phát hành trái phiếu xanh trong năm 2021.
Về phía các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với các nhà tài trợ làm việc với một số doanh nghiệp để xem xét khả năng phát hành trái phiếu xanh trong thời gian tới. Đồng thời, tìm kiếm nguồn tài trợ quốc tế để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tư vấn, phát hành trái phiếu xanh.
Theo các chuyên gia, trái phiếu xanh cũng là một công cụ nợ để huy động vốn như các loại trái phiếu khác, tuy nhiên, số tiền thu về từ phát hành trái phiếu xanh phải được dùng để thực hiện cho các dự án xanh. Đây sẽ là kênh hút vốn quan trọng đối với các nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt… diễn biến phức tạp gần đây, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai.