Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 24/3 đi theo chiều hướng tiêu cực khi các chỉ số lao dốc ngay từ đầu phiên trước áp lực bán mạnh ở nhiều cổ phiếu trụ cột. Có lúc, VN-Index giảm hơn 28 điểm nhưng sau đó dần hồi phục nhẹ khi tình trạng nghẽn lệnh diễn ra khá sớm ở phiên chiều.
Nhóm cổ phiếu dầu khí và chứng khoán biến động tiêu cực nhất, trong đó, PVD giảm 5,4%, VCI giảm 5,1%, SSI giảm 4,9%, HCM giảm 4,6%... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có đóng góp lớn trong việc “dìm” chỉ số khi TPB giảm 4,8%, SHB giảm 4,3%, HDB giảm 3,8%, CTG giảm 3,7%, BID giảm 3,5%.
Còn đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, VIC là mã vốn hóa lớn hiếm hoi tăng giá và góp công rất lớn trong việc thu hẹp đôi chút đà giảm của VN-Index. VIC đi ngược lại xu thế giảm chung khi tăng 1,3% lên 107.900 đồng/cp. Trong khi đó, VHM giảm 1,5% xuống 97.200 đồng/cp, VRE giảm 2,2% xuống 33.400 đồng/cp, BCM giảm đến 4,2% xuống 55.000 đồng/cp, NVL giảm nhẹ 0,3% xuống 79.800 đồng/cp và THD giảm 0,8% xuống 197.300 đồng/cp.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, FLC là mã thanh khoản cao hiếm hoi duy trì được sự tích cực. Chốt phiên, FLC tăng 6,6% lên 9.790 đồng/cp. Bên cạnh đó, PWA tăng 5,7% lên 14.800 đồng/cp, CEO tăng 3,3% lên 12.700 đồng/cp, IDJ tăng 3% lên 16.900 đồng/cp.
Chiều ngược lại, cũng như nhiều nhóm cổ phiếu khác, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ đều chìm trong sắc đỏ. DRH giảm đến 6,4% xuống 12.450 đồng/cp, ASM giảm 5,9% xuống 15.200 đồng/cp, HDG giảm 5,4% xuống 43.500 đồng/cp, KBC giảm 4,2% xuống 38.800 đồng/cp, NTL giảm 4,2% xuống 27.300 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 21,64 điểm (-1,83%) xuống còn 1.161,81 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 408 mã giảm và 26 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,65 điểm (-1,34%) xuống 268,69 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 147 mã giảm và 50 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,64 điểm (-0,79%) xuống 80,5 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết ở mức rất cao, xấp xỉ so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.447 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 928 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 3.095 tỷ đồng. FLC và HQC vẫn nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, trong đó FLC khớp lệnh được 42,6 triệu cổ phiếu còn HQC là 20,2 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại biến động vẫn theo chiều hướng tiêu cực và tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư khi bán ròng phiên thứ 24 liên tiếp, ở mức 361 tỷ đồng. KBC đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại phiên 24/3 với giá trị ở mức 160 tỷ đồng và đa phần được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Ngoài ra, VHM cũng là một cổ phiếu bất động sản khác nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 48 tỷ đồng. Trong khi đó, CII, VRE và KDH nằm trong top mua ròng mạnh của khối ngoại. CII được mua ròng 23 tỷ đồng. VRE và KDH được mua ròng lần lượt 8,9 tỷ đồng và 8,4 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh đã khiến cho tâm lý nhà đầu tư Việt Nam trở nên tiêu cực, dẫn đến lực bán mạnh trong phiên 24/3. Rất may là VN-Index vẫn kết phiên được trên ngưỡng hỗ trợ 1.155 điểm (MA50) khi lực cầu bắt đáy xuất hiện tại đây.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 các kỳ hạn cũng kết phiên cao hơn chỉ số cơ sở VN30 từ 5 - 9 điểm cho thấy các nhà giao dịch nghiêng về khả năng thị trường sẽ hồi phục trong phiên tới. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc nên khả năng tăng trong phiên tới được đánh giá cao hơn với kháng cự gần nhất quanh 1.180 điểm (MA20).
Nhà đầu tư trung hạn đã mua vào trước Tết có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 9/3, 10/3, 18/3 khi thị trường test ngưỡng hỗ trợ MA20 nếu chưa chốt lời trong phiên 18/3 và 22/3 thì có thể chờ đợi những nhịp thị trường test ngưỡng 1.200 điểm để chốt lời. Những nhà đầu tư mua vào trong phiên 23/3 khi thị trường điều chỉnh về hỗ trợ MA20 và trong phiên 24/3 khi thị trường chỉnh về MA50 tiếp tục quan sát và có thể canh mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 1.155 điểm (MA50)./.