Bùng nổ phiên đầu tuần
Tiếp đà tăng điểm cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên tăng điểm mạnh mẽ đầu tuần và đóng cửa cao nhất phiên nhờ sự phân hóa từ các mã trụ lớn như VIC, GAS, SAB… Qua đó giúp thị trường có sức lan tỏa và gây hiệu ứng tốt trên diện rộng.
Kết thúc phiên giao dịch Vn-index đóng cửa tăng 22,13 điểm (2,12%) lên 1.066.98 điểm; Hnx-index tăng 0,51 điểm (0,42%) lên 123,28 điểm còm Upcom-index giảm nhẹ 0,29 điểm (0,52%) xuống 55,79 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp, đạt gần 200 triệu cổ phiếu với giá trị giao dịch hơn 5000 tỷ, trong đó giao dịch thỏa thuận đã chiếm gần 47 triệu cổ phiếu, đạt hơn 1000 tỷ đồng.
Nhìn vào điểm số ắt hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ khá hưng phấn và lạc quan nghĩ về viễn cảnh Vn-index đã tạo đáy thành công để hướng về chinh phục vùng đỉnh trước. Tuy nhiên, nếu xét về thanh khoản và giá trị giao dịch – vấn đề được nhắc đến rất nhiều lần trong chuỗi bài trước lại cho chúng ta một góc nhìn khác.
Những phiên tăng điểm mạnh đi kèm thanh khoản thấp sẽ phù hợp với nhịp hồi kỹ thuật hơn là một nhịp tăng mới của thị trường. Kịch bản lạc quan nhất là kỳ vọng thị trường tạo đáy đôi quanh vùng 1000 điểm và hướng lên kiểm định lại vùng kháng cự quanh 1100 điểm.
Chiến thuật phù hợp cho nhà đầu tư thời điểm này vẫn là quan sát và chờ đợi dòng tiền quay trở lại, nếu có “lướt sóng” thì nên chọn những mã đang có vị thế tốt trong tài khoản của mình.
Động thái mua bán của khối ngoại cũng đáng phải quan tâm, trong bối cảnh Vn-index bùng nổ tăng hơn 22 điểm thì khối ngoại “tranh thủ” bán ròng hơn 110 tỷ tập trung chủ yếu vào SSI, VIC, HPG bên sàn HOSE còn sàn HNX là VGC.
Nhóm bất động sản “khởi nghĩa”!
Đóng góp quan trọng vào sự bùng nổ của thị trường phiên hôm nay là bộ đôi VRE được kéo thẳng lên mức trần 48.850 đồng với 2,38 triệu đơn vị được khớp mà còn dư mua giá trần và VIC dù không có sắc tím, nhưng cũng bứt phá lên mức cao nhất ngày 132.000 đồng khi đóng cửa (tăng 6,45%) với 2,37 triệu đơn vị được khớp.
Sau tiếng súng phát động của VIC và VRE, những cái tên lớn trong ngành bất động sản cũng góp phần không nhỏ vào cuộc “khởi nghĩa” phiên hôm nay phải kể đến như DXG (tăng 4,5%), DRH (tăng 2,2%) hay như top dưới có LHG (tăng 3,2%) và HDC (tăng 1,3%)
Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng cũng hòa chung nhịp tăng như CTD (tăng 2,3%) hay IJC (tăng 2,8%). Trong khi NLG, QCG, HAG, FLC, HSG… đến giờ đóng cửa vẫn bao trùm bởi sắc đỏ.
Ngoài ra, sau thông tin đăng ký mua thêm 2.865.100 cổ phiếu của cổ đông lớn The Nawaplastic Industries từ ngày 14/5/2018 đến ngày 12/6/2018 cũng đã giúp BMP đã tăng trần lên 56.100 đồng/ cổ phiếu. Đây dường như là sự khẳng định thâu tóm BMP của ông chủ người Thái Lan cũng như “đỡ giá” giúp BMP lấy lại tý chút "phong độ" khi rơi từ vùng 90 về 50 trong vòng 2 tháng vừa qua.
"Với diễn biến thị trường nhìn chung vẫn đang giằng co với biến độ lớn trên ngưỡng tâm lý 1,000 điểm. Khả năng tăng hoặc giảm điểm đều có cơ hội tương đương xét về mô hình. Hoạt động trading nhanh vẫn có nhiều lợi thế trước khi chỉ số có có thêm tín hiệu xác nhận xu thế” - công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BSC nhận định./.