Trong những năm qua, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển sôi động với nhiều sản phẩm đẳng cấp như: villa, condotel, shophouse, homestay, farmstay…, không chỉ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí ngày càng cao của du khách mà còn tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư thứ cấp và người dân, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành du lịch, bất động sản và phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách, pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ đã và đang gây lúng túng cho công tác quản lý Nhà nước ở các địa phương và là “điểm nghẽn” cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Đơn cử như vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho các biệt thự nghỉ dưỡng, condotel được xây dựng trên “đất ở không hình thành đơn vị ở”.
Sự thiếu nhất quán từ cơ chế thu hút đầu tư đến thực thi chính sách đã gây ra nhiều hệ lụy cho thị trường, chủ đầu tư và nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án. Đồng thời cũng bộc lộ một thực tế, rằng "chiếc áo choàng" pháp lý đang "chật hẹp" so với sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.
Chính vì thế, theo các chuyên gia, khơi thông các điểm nghẽn pháp lý cho phân khúc này là động lực lớn nhất để ngành du lịch Việt Nam có thể phục hồi và phát triển tương xứng với tiềm năng và đón những cơ hội bứt phá sau tác động của đại dịch.
Đây cũng là chủ đề của tọa đàm “Điểm nghẽn pháp lý và giải pháp khơi thông nguồn lực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam” do Tạp chí điện tử bất động sản Việt Nam và Viện nghiên cứu bất động sản VN tổ chức mới đây.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng bàn luận và đưa ra những góc nhìn nhằm nhận diện những điểm nghẽn pháp lý, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp để gỡ khó cho doanh nghiệp, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, tạo dựng một khung khổ pháp lý đầy đủ, ổn định cho loại hình bất động sản du lịch là yêu cầu cấp thiết cần đặt ra lúc này. Tuy nhiên, điều trước mắt cần làm là gỡ rối cho các dự án có “đất ở không hình thành đơn vị ở” đang “mắc kẹt” tại Khánh Hòa liên quan đến vấn đề cấp sổ đỏ lâu dài cho các sản phẩm bất động sản du lịch xây trên đất ở không hình thành đơn vị ở.
Trên cơ sở những ý kiến, nhận định của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Tọa đàm, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam sẽ chắt lọc, tổng hợp ý kiến báo cáo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam để có kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch, góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản một cách có hiệu quả ở nước ta.