Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước, đầu quý 3/2021, sàn giao dịch nợ xấu sẽ ra đời.
Đây là thông tin tốt cho các ngân hàng thương mại khi mà trong thời gian qua nhiều nhà băng liên tục rao bán những khoản nợ nghìn tỷ đồng là những tài sản thế chấp từ bất động sản, nhà xưởng, máy móc, xe ôtô, thiết bị, nguyên vật liệu đến tàu biển, cổ phiếu, cả vườn cây ăn trái… để thu hồi, xử lý nợ. Nhưng, khoản nợ nào cũng phải trầy trật vì không dễ tìm nhà đầu tư, có những khoản nợ phải giảm giá đến 40% vẫn chưa thể tìm được người mua.
Cũng theo ông Thắng, từ năm 2013 đến 31/5/2021, VAMC đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 392.084 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua nợ là 359.477 tỷ đồng. VAMC cũng thực hiện mua nợ theo giá trị thị trường trên cơ sở thoả thuận và giá trị khoản nợ xấu được định giá lại, lũy kế từ năm 2017 đến hết 31/5, VAMC đã mua 336 khoản nợ của 192 khách hàng với 11.541 tỷ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng.
Về kết quả xử lý nợ, lũy kế từ khi thành lập đến hết 31/5, VAMC đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng xử lý nợ với kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 176.976 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu ra đời (tháng 6/2017), kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/5.
Cũng sau khi có Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC, đến nay 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ cho VAMC.
Đánh giá về thị trường mua bán nợ, xử lý nợ xấu trong thời gian qua, đại diện VAMC cho biết, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam hiện còn khá sơ khai, khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường mua bán nợ chưa đồng bộ, hạ tầng thị trường mới bước đầu hình thành và phương thức mua, bán nợ xấu còn hạn chế./.