Aa

Việt Nam đang vượt lên trong “cuộc đua xanh”

Thứ Sáu, 13/09/2019 - 06:30

So với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong "cuộc đua xanh”.

Tháng 9/2015, tại Hội nghị của Liên hợp Quốc, với sự có mặt của những người đứng đầu 193 quốc gia thành viên, chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững với sứ mệnh của một “chương trình nghị sự chuyển đổi thế giới” đã được thông qua.

17 mục tiêu phát triển bền vững bảo đảm hài hoà các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường, giữ vai trò định hình, định hướng cho sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu được xác lập. Với chương trình nghị sự này, cả thế giới đang cùng trên một con đường phát triển hướng tới mục tiêu: Hiệu quả hơn, nhân văn hơn và thân thiện với môi trường hơn theo phương châm “vì con người và không làm đau trái đất” “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “ không để lại gánh nặng cho con cháu”...

Phát triển bền vững là hệ giá trị của thế giới hiện đại, là nền tảng tương tác giữa các quốc gia, là nhịp cầu kết nối con người với con người và là giấy thông hành để doanh nghiệp vào thị trường thế giới. Để lại “dấu chân xanh” trên bản đồ kinh tế toàn cầu là chuẩn mực của của 1 doanh nghiệp nhân văn. Các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP/ EVFTA… cũng đã được thiết kế trên các nền tảng này.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trên hành trình phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành chương trình quốc gia về phát triển bền vững, thành lập hội đồng quốc về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các mục tiêu phát triển bền vững đã được lồng ghép, tích hợp trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Xét về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, thì Việt Nam xếp hạng không cao trong các bảng tổng sắp toàn cầu. Năm 2018 theo World Bank thì Việt Nam xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh; còn theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Việt Nam xếp thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh. Nhưng cũng trong năm 2018, Việt Nam đã xếp hạng 54/162 quốc gia lọt vào top 30% quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững và chỉ thua Thái lan trong ASEAN. Như vậy, so với các nước có cùng trình độ phát triển, thì Việt Nam đang vượt lên trong cuộc “đua xanh”.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Trên hành trình phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước kiến tạo giữ vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp là động lực trung tâm, cả cộng đồng chung tay và toàn dân vào cuộc.

Năm nay chúng ta tổ chức hội nghị quốc gia về phát triển bền vững với mục tiêu hướng tới một chương trình hành động cho một thập niên phát triển bền vững hơn ở Việt Nam, góp phần thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Tham dự hội nghị lần này, lần đầu tiên có đầy đủ đại diện của các vị lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các Ban Bộ, ngành của Trung ương, chính quyền các địa phương, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp (với trên 800 đại biểu có mặt), thể hiện sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để thúc đẩy phát triển bền vững ở nước ta.

Không dừng lại những đánh giá và kiến nghị chung, hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về các mô hình và sáng kiến phát triển bền vững sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới đó là: Kinh tế tuần hoàn; Nâng cao chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất lao động xã hội; Thúc đẩy đối tác công tư; Phát triển doanh nghiệp xã hội; Nâng cao chất lượng quản trị và áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp (CSI)... Chúng tôi đề nghị sau hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị hoặc Quyết định về việc tiếp tục triển khai chương trình hành động quốc gia về phát triển bền vững hơn cho thập niên sắp tới.

Sau đây là nội dung một số ý kiến và kiến nghị đề xuất cụ thể:

Chuyển từ mô hình phát triển truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả 2 mục tiêu vừa ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra, nhằm tiến tới mục tiêu: Xả thải bằng 0, không đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế.

5 sáng kiến cụ thể để thực hiện kinh tế tuần hoàn được báo cáo tại hội nghị là: Liên minh tái chế bao bì Việt Nam; Sáng kiến không xả thải vào thiên nhiên; Dự án phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng; Chương trình thử nghiệm sử dụng rác thải nhựa để tái chế làm đường giao thông; Sáng kiến xây dựng thị trường nguyên vật liệu thứ cấp ở Việt Nam…

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, chúng tôi đề nghị: Đưa chủ trường thúc đẩy kinh tế toàn hoàn vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và đề nghị Quốc hội ban hành “Luật về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn”, Quốc hội và Chính phủ có chính sách để khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Xác định rõ trong việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm. VCCI sẵn sàng hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Về năng cao chất lượng nguồn vốn nhân lực và năng suất, chúng tôi hoan nghênh Ngân hàng thế giới đã phối hợp với Bộ lao động thương binh xã hội và các cơ quan hữu quan xây dựng báo cáo về tương lai việc làm ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách cần thiết.

Nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm thoả đáng, bền vững chính là yêu cầu xuyên suốt quan trọng hàng đầu của việc cải thiện năng suất lao động ở Việt Nam.

Có 2 xu hướng rất đáng chú ý để thúc đẩy quá trình này: Đó là dự thảo luật lao động đã mở rộng phạm vi điều chỉnh từ đối tượng lạo động có hợp đồng lao động trong khu vực chính thức (khoảng 20 triệu người) sang toàn bộ lực lượng động (55 triệu người trong độ tuổi lao động) ở nước ta. Đồng thời luật doanh nghiệp mở rộng phạm vi, đưa các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký vào phạm vi điều chỉnh của luật.

Đó là những bức tiến quan trọng theo hướng minh bạch hoá, chính thức hoá, bảo đảm nâng cấp và kết nối được hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác và kết nối được khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chúng ta đang rất cần sự cộng hưởng của các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, khu vực kinh tế, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mà minh bạch hoá là chuẩn mực quan trọng nhất cho sự tương tác và cộng hưởng. Sự minh bạch hoá cũng giúp bảo đảm quyền, nghĩa vụ của chủ sử dụng lao động, người lao động trong tất cả các khu vực kinh tế góp phần nâng cao năng suất lao động quốc gia. Chúng tôi hi vọng Quốc hội sẽ thông qua những điều chỉnh pháp luật quan trọng này để góp phần nâng cấp nền kinh tế Việt Nam trước yêu cầu hiện đại hoá và hội nhập.

Ảnh minh họa.

Về chất lượng của nguồn nhân lực ở Việt Nam, một thách thức quan trọng là Việt Nam chỉ có 8% lao động có trình độ đại học. 80% - 85% doanh nghiệp phàn nàn vì khó tuyển dụng lao động có kỹ năng quản trị và tay nghề kỹ thuật. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nền kinh tế chưa sẵn sàng cho nền kinh tế số mà chất lượng nguồn nhân lực là một rào cản.

Vì vậy, quốc sách về giáo dục cần được đẩy mạnh, đối tác công - tư và vai trò của tư nhân trong lĩnh vực đào tạo cần phải đóng vai trò then chốt. Về nội dung đào tạo, cần đẩy mạnh phương thức giáo dục đào tạo nghề kép “gắn xưởng với trường” và rút ngắn thời gian đào tạo đại học chuyên ngành (ví dụ chỉ cần 2 năm) để bắt kịp xu thế thay đổi của công nghệ và đáp ứng nhanh yêu cầu về nguồn cung lao động chất lượng cao, chú trọng các chương trình ưu tiên STEAM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).

Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào năng suất quốc gia, VCCI sẽ thúc đẩy triển khai mạnh mẽ phong trào này trong cộng đồng doanh nghiệp. Hơn lúc nào hết, phong trào năng suất quốc gia cần được xác định là phong trào thi đua yêu nước có sức lan toả sâu rộng nhất trong tình hình mới.

Về đối tác công tư, thay vì nói về vai trò tách bạch hay cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nói nhiều hơn đến quan hệ “đối tác công tư”. Đối tác công tư là một cơ chế mới để cộng sinh hài hoà giữa khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước. Tư nhân chung tay với nhà nước trong việc phát triển các cơ sở hạ tầng của nền kinh tế và trong mọi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ở nước ta trong những năm tới thì chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng chúng ta cần ít nhất 20 tỷ đô la mỗi năm.

Trong điều kiện mà nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, ODA không còn, thì đối tác công tư và việc huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng đối tác công tư không chỉ là sự chung tay giữa nhà nước và tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn cần được mở rộng ra các lĩnh vực cung ứng dịch vụ công và thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng đóng vai trò dẫn dắt và bảo đảm yêu cầu tự chủ của nền kinh tế. Mô hình kinh tế chia sẻ cũng cần được nghiên cứu áp dụng trong quan hệ nhà nước với tư nhân.

Để thúc đẩy PPP, chúng tôi đề nghị Quốc hội sớm ban hành luật PPP và tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia… Đó là những việc cần làm và phải được triển khai sớm. Uỷ ban Đối tác Công tư xin được kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Uỷ ban Quốc gia chương trình hành động cụ thể theo hướng này.

Bên cạnh những bài học chưa thành công về PPP, chúng ta cũng có những thực tiễn tốt về PPP trong cả nước, các mô hình “sở hữu công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, dịch vụ thuê ngoài… ở một số địa phương và bộ ngành cũng cần được tổng kết và lan toả. 

Chúng tôi cũng đề nghị sớm nghiên cứu chiến lược thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế quan trọng có chọn lựa để áp dụng phương thức đối tác công tư trong nghiên cứu phát triển, trong đầu tư để làm bệ đỡ yểm trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hướng tới yêu cầu phát triển tự chủ và bền vững của nước nhà trong bối cảnh mới.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững & Nâng cao năng lực cạnh tranh, Chủ tịch Ủy ban đối tác công tư

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top