Trong báo cáo mới nhất lựa chọn những thị trường cốt lõi kế tiếp trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 5 đến 10 năm tới của Cushman & Wakefield cho thấy Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn nằm trong danh mục đầu tư khả thi của dòng vốn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế nguồn cung các tài sản an toàn, trong khi nguồn vốn vẫn khá dồi dào cộng thêm sự dao động của giá trị tài sản, cả bên bán và bên mua BĐS đều đang điều chỉnh lại chiến lược đầu tư của mình và tìm kiếm các hướng đầu tư thay thế. Trong đó, các thị trường mới nổi chính là khu vực mang đến cho nhà đầu tư cơ hội tiếp cận những yếu tố tăng trưởng cơ bản dài hạn. Đó là những yếu tố mang đến tỷ lệ tăng trưởng khả thi nhờ các phát kiến kinh tế và cải cách bền vững.
Xu hướng chủ đạo trong nửa cuối năm 2017 là gì?
Hoạt động đầu tư ở Châu Á – Thái Bình Dương đã trở nên mạnh mẽ trong năm 2017. Dự kiến, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ đạt 611 tỷ USD trong năm nay. Trong đó, riêng quý I, tổng giá trị đầu tư đã đạt mức cao kỷ lục 136 tỷ USD. Bất chấp những diễn biến bất ngờ có thể diễn ra trong những tháng sắp tới, kỳ vọng xung lực này vẫn sẽ tiếp tục và năm 2017 sẽ là một năm bận rộn của hoạt động đầu tư.
Trong năm 2017 và sau đó, năm diễn biến quan trọng sau sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới bối cảnh đầu tư trong khu vực:
Những nỗ lực nhằm thực hiện luật đầu tư ở các quốc gia mới nổi sẽ giúp gia tăng hiệu quả và cải thiện tính minh bạch, cũng như mở rộng mạng lưới nhà đầu tư. Trong khi Tokyo và Singapore tiếp tục là tâm điểm của khu vực đối với các Quỹ tín thác đầu tư BĐS, làn sóng kế tiếp sẽ đến từ các thị trường mới nổi trong khu vực, cụ thể là Trung Quốc và Ấn Độ.
Thứ nữa là hiệu ứng Trump. Trong khi các chính sách thương mại và bảo hộ toàn cầu tiếp tục gây tranh cãi, có vẻ như khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang có triển vọng ổn định hơn. Thị trường tập trung nhiều hơn vào tính ổn định và tăng trưởng của khu vực này, đây chính là một yếu tố nổi bật để thu hút dòng vồn bằng đồng bạc xanh.
Tiếp theo sự đa dạng về dòng vốn ở Châu Á. Sự gia tăng số lượng nhà đầu tư Trung Quốc cùng dòng vốn chảy mạnh từ nước này đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư trong khu vực. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong dài hạn. Trong khi đó, sự phát triển về đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang kích thích tiềm năng của khu vực này, cụ thể là các thị trường mới nổi.
Ngoài ra, các tài sản thay thế ngày trở nên hấp dẫn - các trung tâm dữ liệu vẫn tiếp tục sinh lợi do hoạt động mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn, và nhu cầu dữ liệu đã kéo theo sự tăng trưởng của các hệ thống lưu trữ đám mây. Nhà ở cho sinh viên, viện dưỡng lão và chăm sóc sức khỏe cũng đang nổi lên như các loại hình đầu tư tài sản thay thể phổ biến.
Việt Nam là điểm đến nhiều kỳ vọng
Cũng nằm trong triển vọng trở thành một thị trường mới nổi, Việt Nam có nhiều đặc điểm tương tự các nước láng giềng nhưng có lẽ một số yếu tố vẫn còn khác biệt. Cụ thể là các yếu tố như quyền sở hữu hợp pháp dưới hình thức hợp đồng thuê đất thời hạn 50 năm do Nhà nước ban hành; hành lang pháp lý và thuế tạo thuận lợi cho việc bố trí vốn đầu tư nước ngoài; một thị trường bất động sản đang ở giai đoạn mở rộng kiểm soát mà không lo sợ thừa cung và công suất của văn phòng Hạng A đang rất phù hợp với biên độ lãi suất phi rủi ro ở các thị trường cốt lõi – tức ở mức 200 đến 300 điểm cơ bản đối với trái phiếu 5 năm.
Thêm nữa, rủi ro chính trị cũng hạn chế, tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức 2% - 3%/năm, và một đồng tiền bị mất giá trung bình hơn 2%/năm trong vòng 10 năm qua chính là những bằng chứng cho thấy sự ổn định của nền kinh tế Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ông Ben Gray, Giám đốc bộ phận Thị trường vốn - Cushman & Wakefield Việt Nam, kết luận: “Việc thông qua những sửa đổi về quy định trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến cho thị trường Việt Nam phù hợp với các quy định của Basel III, chứng kiến sự kiểm soát về vốn của các ngân hàng và chủ đầu tư BĐS. Các quy đinh này đóng vai trò là chất xúc tác, thúc đấy các chủ sở hữu BĐS tìm kiếm các đối tác, cả chủ động và bị động”.