Ngay sau khi có thông tin này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phản ứng kịp thời bằng cách phát đi một thông báo giải thích cụ thể, phân tích cặn kẽ nguyên nhân dẫn đến kết luận trên của phía Mỹ. Điều đó cho thấy cơ quan quản lý tiền tệ nhận thức rất rõ tầm quan trọng của công tác truyền thông đối với việc định hướng dư luận xã hội.
Theo NHNN, tại báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong chín quốc gia nằm trong danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Báo cáo tháng 5/2019 đồng thời cho biết một quốc gia vào danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ báo cáo tiếp theo. Đó là lý do giải thích tại sao Việt Nam nằm trong danh sách giám sát của báo cáo tháng 1/2020 mặc dù hiện tại chúng ta chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương. Thặng dư cán cân vãng lai của ta chỉ còn 1,7% GDP (tiêu chí ít nhất là 2% GDP) và can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại hối chỉ có 0,8% GDP (tiêu chí là 2% GDP). Một trong những điểm sáng là Việt Nam đã không can thiệp vào thị trường ngoại hối một chiều. NHNN đã can thiệp hai chiều: có thời điểm mua ròng và có thời điểm bán ròng.
Đại diện NHNN trong một lần trao đổi với người viết bài này vào đầu tháng 1/2020 nhấn mạnh cơ quan quản lý đã làm việc tích cực với phía Mỹ để làm rõ những vấn đề mà Mỹ đặt ra. Tuy nhiên thặng dư thương mại song phương của ta với Mỹ 47 tỷ đô la thì không chỉ thuộc phạm vi quản lý điều hành của NHNN.
Việc điều chỉnh thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp hai chiều trên thị trường ngoại tệ là nỗ lực đáng ghi nhận của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Giải quyết vấn đề thặng dư thương mại song phương đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành. Nếu bị quy kết là “thao túng tiền tệ” nền kinh tế Việt Nam có thể bị tác động không nhỏ. Chúng ta đã nhận thức được nguy cơ này. Còn lại là phối hợp hành động nhanh, triệt để, dứt khoát và hợp lý.
Theo báo cáo của Chính phủ trong kỳ họp giao ban gần nhất, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam đến hết năm 2019 đã đạt 266 tỷ đô la Mỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 500 tỷ đô la Mỹ. Với kim ngạch thương mại như vậy, giá trị nhập khẩu trong một tuần, một tháng đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Dự trữ ngoại hối vì thế cũng phải cao hơn. Khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về dự trữ ngoại hối của một quốc gia phải đảm bảo tối thiểu ba tháng nhập khẩu giờ đây đã không còn ở mức thấp như trước. Do đó chúng ta phải làm sao để vừa phát triển quỹ dự trữ ngoại hối, vừa ổn định tỷ giá một cách hợp lý, linh hoạt nhằm tạo tiền đề cho kinh tế vĩ mô bền vững, tăng trưởng chất lượng.
Cho đến nay vẫn có những ý kiến nhận định nên điều hành tỷ giá theo hướng hỗ trợ xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, NHNN đã nhất quán không sử dụng tỷ giá để cạnh tranh thương mại. Năm vừa qua trong khi một số đồng tiền khu vực và quốc tế mất giá mạnh, giá trị đồng nội tệ của chúng ta tương đối ổn định, phản ánh đúng cung cầu thị trường. Thậm chí có thời điểm tiền đồng còn lên giá so với đô la Mỹ.
Năm 2019 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên mức 80 tỷ đô la Mỹ. Theo NHNN, trong những tuần đầu tiên của năm 2020, cơ quan quản lý vẫn đang mua bán ngoại tệ nhộn nhịp. Việc nền kinh tế hội nhập sâu đã tạo điều kiện cho dòng vốn quốc tế chảy vào Việt Nam mạnh hơn cả từ vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Việc quản lý, điều hành một thị trường ngoại hối lớn nhanh cả về lượng và chất, nói như một quan chức cấp cao NHNN, là phải nhanh mắt nhanh tay. Nhanh mắt quan sát, nắm bắt tình hình, nhanh tay chọn đúng thời điểm can thiệp bán ra, mua vào. Lĩnh vực tiền tệ, một cách khách quan, đã có một năm thành công nhìn từ góc độ điều hành trên nhiều phương diện.