Aa

Ứng phó rủi ro tỷ giá năm 2020

Chủ Nhật, 29/12/2019 - 10:30

Tỷ giá năm 2020 sẽ đối mặt với không ít sức ép khi mà xuất khẩu được dự báo sẽ khó khăn hơn và cán cân thương mại có thể đảo chiều sang thâm hụt, trong khi USD tiếp tục mạnh lên.

Trước viễn cảnh này, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần áp dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong năm 2020.

Ổn định năm 2019

Suốt từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường tài chính toàn cầu liên tục biến động mạnh theo sự nóng - lạnh của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đồng USD cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi bật tăng mạnh lên mức cao nhất 2 năm vào ngày 30/9 vừa qua, để rồi sau đó lại quay đầu giảm trong những tháng cuối năm nay. Tính chung trong năm 2019, USD tăng giá gần 1%.

Nhiều chuyên gia và tổ chức tài chính lớn vừa đưa dự báo tỷ giá USD/VND trong năm 2020 sẽ tăng khoảng 1 - 2%. Tuy nhiên, những yếu tố gây sức ép đối với tỷ giá trong năm tới vẫn còn rất lớn.

USD mạnh lên đã đẩy nhiều đồng tiền chủ chốt khác giảm giá mạnh, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY). CNY có thời điểm đã xuyên thủng ngưỡng 7 CNY/USD. Diễn biến trái chiều của USD và CNY đã tạo sức ép lớn đến tỷ giá trong nước do Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Thế nhưng, trái với sự biến động của thị trường thế giới, tỷ giá trong nước vẫn rất ổn định. Tính đến nay, tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng khoảng 1,5%, trong khi tỷ giá USD/VND giao dịch tại các ngân hàng thương mại thậm chí còn giảm nhẹ so với cuối năm 2018. Hiện giá mua vào USD của các nhà băng đang xoay quanh 23.100 đồng, trong khi giá bán ra từ 23.220 - 23.230 đồng/USD.

“VND là một trong số ít các đồng tiền trong khu vực duy trì sự ổn định bất chấp những bất ổn của thị trường toàn cầu”, ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của ngân hàng HSBC Việt Nam ghi nhận.

Có được thành công này còn nhờ nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế dồi dào. Theo đó, cán cân thương mại ước thặng dư tới 11 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cũng đạt tới 30,8 tỷ USD; kiều hối cũng ước đạt 16,7 tỷ USD…

Sức ép trong năm 2020

Tuy nhiên theo các chuyên gia, tỷ giá năm 2020 sẽ không ổn định như năm 2019. “Bước sang năm 2020, sức ép tỷ giá sẽ lớn hơn do cuộc chiến tranh Mỹ - Trung chưa có hồi kết, căng thẳng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, tình hình xuất khẩu của Việt Nam được dự báo khó khăn hơn…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo.

Kết quả cuộc khảo sát mới đây của Reuters với các chuyên gia ngoại hối cho thấy, USD sẽ tiếp tục tăng giá trong ít nhất là 6 tháng tới. “Các yếu tố đang giữ USD mạnh lên trong 8 tháng qua có thể sẽ tồn tại trong một thời gian và sức mạnh của USD sẽ vẫn được duy trì”, ông Jane Foley, chuyên gia cao cấp của Rabobank ở London cho biết.

Trong khi đó, xuất khẩu trong nước được dự báo sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc. Thậm chí, Chính phủ còn dự kiến sẽ nhập siêu khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020, đảo chiều mạnh so với con số xuất siêu gần 11 tỷ USD của năm 2019. Vốn FDI cũng đang có xu hướng giảm, kiều hối cũng khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu ảm đạm. Chưa hết, áp lực lạm phát cao hơn trong năm tới cũng tạo sức ép lớn đến tỷ giá. Ngoài ra, việc Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ cũng là một tín hiệu đáng lo ngại.

“Xu hướng tỷ giá tiếp tục là biến số khó lường trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp... Chưa kể, kinh tế thế giới năm 2020 có khả năng sẽ đứng trước nhiều khó khăn hơn, khiến hướng đi của tỷ giá cũng gặp nhiều thách thức”, ông Ngô Đăng Khoa nhận định.

Trong bối cảnh đó, ông Ngô Đăng Khoa cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, có khoản vay nước ngoài bằng ngoại tệ, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ tỷ giá, lãi suất, đặc biệt thông qua các sản phẩm phái sinh tiền tệ như hợp đồng giao dịch ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi lãi suất... để đảm bảo chủ động trong hoạch định dòng tiền và cân đối lợi nhuận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top