Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động bảo đảm ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.
Trước đó, như đã thông tin, Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia mới đây đã lên tiếng về việc cấm xuất khẩu cát vô thời hạn. Động thái này xuất phát từ những lo ngại về môi trường. Bởi Bộ này đánh giá, việc nạo vét cát dọc theo bờ biển Campuchia đã càn quét sạch các bãi biển, tàn phá rừng ngập mặn và phá hủy các ngôi làng ven sông. Không chỉ vậy, việc dầu từ sà lan hút cát và máy đào nạo vét rỏ rỉ ra nguồn nước đã tiêu diệt số lượng lớn các loài thủy sinh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của những người dân làng chài.
Đối với Việt Nam, những năm gần đây nhu cầu sử dụng cát đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ, nếu trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, thì đến năm 2020 nhu cầu này sẽ tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn.
Chính vì vậy, thời gian gần đây nhiều công ty đã có công văn gửi về Bộ Xây dựng đề nghị được hướng dẫn nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam. Bộ Xây dựng sau đó cũng đã công văn đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về đề xuất nhập khẩu cát xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay.
Trước Campuchia, Malaysia đã bắt đầu lệnh cấm xuất khẩu cát từ năm 1997 cũng vì lo ngại về môi trường.