Tại Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. HCM định hướng phát triển hệ thống không gian ngầm đa chức năng.
Hiện nay, trong bối cảnh khu vực trung tâm TP. HCM không thể mở rộng đường được nữa và dân số ngày càng tăng, nhu cầu vận tải ngày càng lớn thì giải pháp xây đường ngầm là giải pháp tối ưu để phát triển hạ tầng giao thông.
Theo Sở GTVT, thành phố hiện quản lý hơn 9,5 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ô tô và gần 8,5 triệu xe máy. Mỗi năm, số lượng phương tiện tăng trung bình 6,5%, trong khi diện tích mặt đường chỉ tăng 0,2%. Đặc biệt, tại khu vực nội đô, diện tích đường bộ không có sự mở rộng trong suốt 5 năm qua.
Hệ thống không gian ngầm này không chỉ phục vụ giao thông mà còn hỗ trợ phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo đó, thành phố đề xuất các tuyến đường ngầm chủ yếu đi dọc sông Sài Gòn đoạn qua quận 1, 4, 7; khu vực ga Bến Thành và đường Hàm Nghi; khu vực bến Bạch Đằng và đường Tôn Đức Thắng; khu vực kết nối sân bay Tân Sơn Nhất.
TP. HCM cũng dự kiến thiết lập một mạng lưới không gian ngầm liên kết các nhà ga đường sắt đô thị với không gian thương mại ngầm và các tuyến đường tiếp cận đến các tòa nhà nằm trong khu vực.
Thông tin từ Tạp chí Điện tử VnEconomy, các phương án ngầm hóa tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn với tổng mức đầu tư khoảng 1.359-1.477 tỷ đồng nhằm phù hợp quy hoạch không gian thuộc vùng lõi 930ha của khu trung tâm thành phố…
Hệ thống đường ngầm nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Điển hình như đường hầm tại Vũ Hán, Trung Quốc dài 4.660m, đường kính ngoài 15,2m mỗi hầm. Hay đường hầm tại Kuala Lumpur, Malaysia, đường hầm giao thông và điều tiết lũ (SMART) dài 9,7km, rộng 13m…
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. TP. HCM có diện tích 2.095,39km2, là một siêu đô thị trong tương lai gần. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.