Chiến lược của các doanh nghiệp này là tìm điểm đến an toàn và tối ưu hoá sản xuất, giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng trước biến động bên ngoài. Sự phục hồi nhanh và dấu ấn tăng trưởng 6 tháng đầu năm giúp Việt Nam là điểm sáng, vì vậy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lạc quan khi đầu tư vào đây.
"Ngay sau khi Việt Nam mở cửa vào tháng 3/2022, chúng tôi đã đánh giá và thấy có một làn sóng khảo sát đến từ châu Âu sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều. Từ giờ cho tới cuối năm, với sự kiện kinh tế xanh và triển lãm xanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tổ chức cùng với các Đại sứ quán châu Âu tại Việt Nam, nhu cầu về đầu tư của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam sẽ còn tăng trưởng rất nhiều trong thời gian tới", ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Vietnam) tin tưởng.
Ông Thomas Bo Pedersen - Tổng Giám đốc Công ty Mascot Việt Nam và Lào nhận định: "Việt Nam từng bước đã cải thiện môi trường kinh doanh của mình và ngày một tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế ở những quốc gia hoặc ở những điểm đến đầu tư khác. Việt Nam hiện tại đang có một môi trường kinh doanh hiện đại và vận hành tốt, tạo điều kiện dễ dàng cho các nhà đầu tư nước ngoài".
Bà Yun Liu - Kinh tế gia phụ trách các thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC đánh giá: "Bất chấp sự sụt giảm toàn cầu về vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đầu tư vào Việt Nam vẫn được duy trì rất tốt, là một trong những nước nhận FDI hàng đầu ở Đông Nam Á và cả ở châu Á nói chung. Tôi nghĩ rằng nó thực sự phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn. Tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều tiềm năng trong giai đoạn này. Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài".
Trong báo cáo mới được công bố tổng hợp từ ý kiến của 1.200 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam cho thấy 60% doanh nghiệp tin rằng kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong 3 tháng tới./.