Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực

Thứ Tư, 17/07/2024 - 06:11

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (tổ chức vào tháng 1/2021) đã quyết định mục tiêu phát triển trung và dài hạn của đất nước từ nay đến năm 2045. Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và năm 2045 là nước tiên tiến thu nhập cao. Nhiều quốc gia xung quanh cũng có khát vọng phát triển và có mục tiêu tương tự như nước ta. Chẳng hạn Thái Lan có Kế hoạch Quốc gia 20 năm (2018 - 2037), Indonesia có Tầm nhìn 2045 đều có mục tiêu trở thành nước tiên tiến có thu nhập cao vào năm 2037 hoặc 2045. Việt Nam cần đánh giá hiện trạng và đưa ra các chiến lược, chính sách nhằm đạt được mục tiêu 2045.

I. KINH TẾ VIỆT NAM TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

1.1. Đánh giá tổng quát

Nhờ chính sách đổi mới, sau vài năm dò dẫm và thử nghiệm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức khá cao từ những năm đầu thập niên 1990. Trong giai đoạn khoảng 30 năm tính đến năm 2019 là năm trước khi có tác động của đại dịch Covd-19, tăng trưởng bình quân năm của Việt Nam là 6,5%. Thời gian có đại dịch tốc độ giảm xuống dưới 3% (2,9% năm 2020 và 2,6% năm 2021) nhưng kinh tế hồi phục nhanh năm 2022 (tăng 8,1%) và giữ tốc độ 5% trong năm 2023. Vấn đề ở đây là làm sao để kinh tế phát triển khoảng 7%/năm trong thời gian 20 năm tới để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.

Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực- Ảnh 1.

GS. Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản).

Hình 1 biểu hiện 3 mức thu nhập trong quá trình phát triển (thu nhập trung bình thấp, trung bình cao và thu nhập cao) của một nước, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới (thu nhập bình quân đầu người, GNI, năm 2022). Hình 1 cũng vẽ ra diễn tiến thành quả phát triển của Việt Nam và một số nước Á châu. Việt Nam đã vượt Ấn Độ từ cuối thập niên 1990, gần đây vượt Philippines và sắp đuổi kịp Indonesia. Việt Nam đã đạt mức phát triển trung bình thấp vào năm 2008 và đang đến gần mức phát triển trung bình cao. Có thể nói, chỉ cần vài năm nữa, chẳng hạn năm 2027, là Việt Nam đạt mức phát triển trung bình cao. Vấn đề ở đây là Việt Nam có thể chuyển từ thu nhập trung bình cao lên thu nhập cao vào năm 2045 hay không; điều kiện để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững trong hai thập niên tới là gì?

Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực- Ảnh 2.

Thành quả phát triển của Việt Nam trong thời gian qua đạt được do có tiến triển trong tích lũy tư bản (tăng lượng tư bản cố định trên mỗi lao động) và sự chuyển dịch các yếu tố sản xuất (như lao động) từ khu vực năng suất thấp sang khu vực năng suất cao. Tích lũy tư bản được đẩy mạnh do những cải cách thể chế có hiệu quả khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài (FDI). Do đó, tỷ lệ của đầu tư trên GDP tăng nhanh, từ khoảng trên dưới 15% trong giai đoạn 1986 - 1992 tăng lên khoảng 26% trong thập niên 1990 và tiếp tục tăng lên trên 30% từ đầu thập niên 2000. Trong quá trình đó vị trí của khu vực có vốn nhà nước giảm nhanh, ngược lại vai trò của khu vực tư nhân và FDI ngày càng quan trọng. Đến thập niên 2010 thì khu vực nhà nước chỉ còn 30% tổng vốn đầu tư trong khi khu vực tư nhân và FDI lần lượt là 50% và 20%.

Tích lũy tư bản chủ yếu thực hiện trong công nghiệp và dịch vụ. Do đó, lao động dịch chuyển từ nông nghiệp sang hai khu vực đó và cơ cấu GDP cũng thay đổi tương ứng. Trong tổng lao động có việc làm, tỷ trọng của nông lâm ngư nghiệp giảm từ 73% năm 1990 xuống 49,5% năm 2010 và 34,5% năm 2019. Trong thời gian đó, tỷ trọng của công nghiệp và xây dựng tăng từ 11,2% lên 20,9% rồi 29,1%.

Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã cho thấy thành quả phát triển tương đối tốt từ thập niên 1990, nhưng khác với nhiều nền kinh tế đã phát triển thành công ở Đông Á, Việt Nam chưa kinh qua một thời kỳ phát triển cao độ, được định nghĩa là thời kỳ phát triển trung bình mỗi năm khoảng 10% và kéo dài trên 10 năm. Nguyên nhân là vì khu vực công nghiệp chế tạo (manufacturing) chưa đủ mạnh để làm đầu tàu chuyển dịch mạnh mẽ cả nền kinh tế. Giáo sư Ohno Kenichi và cộng sự cũng có nhận xét là “Việt Nam chưa trải qua một giai đoạn tăng năng suất rất nhanh để có thể làm cho nền kinh tế cất cánh lên mức thu nhập cao. Trung bình mỗi năm năng suất lao động tăng 4,65% từ 1991 đến 2019. Trong vòng một phần tư thế kỷ vừa qua, bất cứ nền kinh tế mà công nghiệp hóa tiến triển mạnh mẽ đều đạt được mức tăng năng suất lao động cao hơn mức đó... Như vậy, thành quả năng suất trong quá khứ của Việt Nam là tốt nhưng chưa đặc biệt”.

1.2. Những đặc tính của công nghiệp hóa Việt Nam giai đoạn hiện nay

Công nghiệp, ở đây là công nghiệp chế biến, chế tạo (manufacturing), là khu vực quan trọng và năng động nhất của hầu hết mọi nền kinh tế trong quá trình phát triển từ giai đoạn thu nhập thấp đến thu nhập cao. So với nông nghiệp và dịch vụ, công nghiệp năng động hơn và dễ làm tăng năng suất lao động hơn. Năng suất tăng nhanh trong công nghiệp có thể được thực hiện bằng cách tăng lượng tư bản trên mỗi lao động, bằng du nhập công nghệ và mở rộng sản xuất để tận dụng tính quy mô kinh tế.

Tích lũy tư bản bắt đầu trong công nghiệp có thể làm cho khu vực này chuyển dịch lên cao và theo hướng đa dạng hóa. Quá trình này lại thúc đẩy tích lũy tư bản hơn nữa. Tiến bộ công nghệ thường diễn ra trong khu vực công nghiệp và trở thành một trong những nguồn cội của tăng năng suất.

Nói khác đi, công nghiệp là đầu tàu của phát triển trong giai đoạn nền kinh tế của nước đi sau đuổi theo các nước đi trước. Vai trò quan trọng của công nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế được nhấn mạnh nhiều trong các nghiên cứu. Chẳng hạn ADB (2020, p.94) đã chỉ ra, một phần rất quan trọng trong sự thành công của các nước Đông Á là chuyển dịch cơ cấu nhanh chóng từ nông sang công, nhất là sang các ngành chế tạo.

Tuy nhiên, nhìn trường hợp Việt Nam, khu vực công nghiệp cho đến nay chưa đóng được vai trò năng động. Sau đây là những đặc tính của công nghiệp hóa Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, công nghiệp hóa còn ở mức thấp. Sau đổi mới, công nghiệp hóa tiến triển một bước, khu vực chế biến chế tạo ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong GDP và lao động có việc làm. Tuy nhiên, so với kinh nghiệm các nước Đông Á, khu vực công nghiệp của Việt Nam chưa cho thấy một sự phát triển mạnh mẽ. Trong trường hợp những nước đã thành công trong quá trình phát triển, khu vực công nghiệp thường chiếm trên 30% GDP vào nửa đầu của giai đoạn dân số vàng (tức là giai đoạn trong đó tỷ trọng của lao động trong tổng dân số tiếp tục tăng - giai đoạn này kéo dài khoảng 50 năm) và có khuynh hướng giảm trong nửa sau. Trong trường hợp của Việt Nam, giai đoạn dân số vàng sắp chấm dứt, nhưng tỷ lệ của khu vực công nghiệp trong GDP vẫn nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ của các nước Á châu trong cùng giai đoạn (chi tiết xem thêm Tran Van Tho 2024).

Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực- Ảnh 3.

Công nghiệp hóa còn ở mức thấp là nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp. (Ảnh minh họa: Hoàng Triều)

Công nghiệp hóa còn ở mức thấp là nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp. Theo Ohno et al. (2022), Trung Quốc và Việt Nam có cùng năng suất lao động vào năm 1990 nhưng năng suất của Trung Quốc cho đến năm 2017 hằng năm tăng 9% trong khi Việt Nam chỉ tăng 4,7% từ 1991 đến 2019. Sự chênh lệch trong năng suất lao động có thể được cắt nghĩa bằng sự khác biệt liên quan phát triển khu vực công nghiệp. Trên thực tế, tỷ lệ của công nghiệp trong GDP của Trung Quốc là cao nhất trong những nền kinh tế ở Đông Á (ADB 2020, p.96).

Thứ hai, Việt Nam tham gia ngày càng mạnh vào chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCs) nhưng vẫn còn ở vị trí là công xưởng lắp ráp đơn giản. Từ khi có đổi mới, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào FDI trong quá trình công nghiệp hóa. Những năm gần đây FDI chiếm khoảng 50% sản lượng công nghiệp và khoảng 70% xuất khẩu. Do đó, hàng công nghiệp Việt Nam ngày càng gắn chặt vào GSCs. Tuy nhiên, chất lượng của việc Việt Nam tham gia vào GSCs còn ở mức thấp.

Hình 2 cho thấy tổng giá trị của xuất khẩu hàng công nghiệp gồm ba phần: Giá trị gia tăng trong nước trở thành đầu vào của nước nhập khẩu (A), giá trị gia tăng trong nước (B) tức hàm lượng nội địa (không kể A), sản phẩm trung gian nhập khẩu - giá trị gia tăng nhập từ nước ngoài (C). Trường hợp của Việt Nam vào năm 2020 được so sánh với 4 nước Á châu khác. Điểm đáng chú ý tại Việt Nam là C rất lớn và A rất nhỏ. Những dữ liệu này khẳng định đặc tính hiện nay của công nghiệp hóa Việt Nam là đầu vào tùy thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Như vậy, tỷ trọng thấp của công nghiệp trong GDP và tính chất gia công lắp ráp là hai đặc tính của công nghiệp hóa Việt Nam hiện nay. Hai đặc tính này là nguyên nhân làm hạn chế tăng trưởng của năng suất lao động và gợi ý cho các biện pháp làm tăng năng suất lao động trong tương lai.

Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực- Ảnh 4.


1.3. Cơ cấu doanh nghiệp hiện nay là nguyên nhân làm cho năng suất lao động thấp

Tùy theo hình thái sở hữu, kinh tế Việt Nam được phân chia thành ba khu vực: Nhà nước, ngoài nhà nước và FDI. Năm 2019, khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 83,5% tổng lao động có việc làm nhưng chỉ chiếm 42,7% GDP. Hai con số này cho thấy năng suất lao động rất thấp của khu vực ngoài nhà nước. Theo tính toán của Ohno và cộng sự (2021), từ năm 1991 đến 2019, năng suất lao động của khu vực ngoài nhà nước tăng rất ít và thấp hơn nhiều so với khu vực nhà nước và FDI. Năm 2019, theo giá năm 2010, năng suất bình quân của khu vực ngoài nhà nước chỉ có 42 triệu VND, so với 181 triệu VND của FDI và 224 triệu VND của khu vực nhà nước. Tại sao khu vực ngoài nhà nước có năng suất thấp như vậy?

Khu vực ngoài nhà nước gồm lĩnh vực nông nghiệp với năng suất thấp và gồm những đơn vị sản xuất, kinh doanh tư nhân trong những ngành ngoài nông nghiệp. Như sẽ thấy dưới đây, hầu hết những đơn vị sản xuất trong nhóm tư nhân là manh mún, phi chính thức, và quy mô hoạt động siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Theo tính toán của tác giả, vào năm 2019, khu vực phi chính thức ngoài nông nghiệp chiếm 28% tổng lao động và 19% GDP. Số liệu của ILO (ILOSTAT) còn cho thấy khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng cao hơn con số đó vì phạm vi định nghĩa khái niệm phi chính thức của ILO rộng hơn (Tran Van Tho 2024).

Những doanh nghiệp ngoài nhà nước thuộc khu vực sản xuất kinh doanh chính thức chủ yếu gồm công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Công ty TNHH hầu hết là siêu nhỏ và nhỏ. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, trung bình từ 2016 đến 2019, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thuê số lao động lần lượt là 1,7 triệu, 2,7 triệu và 1,4 triệu. Tất cả ba loại hình doanh nghiệp này thuê 5,8 triệu, chiếm 10,6% tổng lao động. Như vậy, khu vực phi chính quy ngoài nông nghiệp cùng với doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tổng cộng chiếm khoảng 38,7% trong tổng lao động năm 2019.

Do đó có thể thấy, kinh tế Việt Nam tồn tại một khu vực phi chính thức rất lớn cùng với một số lớn những công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Do quy mô rất nhỏ của các công ty, tư bản tích lũy của họ quá ít và hậu quả là họ không thể trang bị máy móc hiện đại có công nghệ mới. Theo Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2021, vào năm 2019, tư bản trang bị cho mỗi lao động trong doanh nghiệp lớn là 470 triệu VND trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ chỉ có 137 triệu và doanh nghiệp nhỏ là 220 triệu VND.

Do mức tích lũy tư bản quá nhỏ, năng suất của doanh nghiệp nhỏ thường rất thấp. Trong tổng số lao động, phi chính thức chiếm 28%, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chiếm 10,6% và nông lâm ngư nghiệp chiếm 34,5% là những bộ phận hợp thành chính của khu vực ngoài nhà nước. Năng suất trong nông lâm ngư nghiệp rất thấp (năm 2019 khu vực này chiếm 35% tổng lao động nhưng chỉ sản xuất 14% GDP). Ba bộ phận hợp thành có năng suất đều thấp mà chiếm tới 73,1% tổng lao động trở thành tuyệt đại bộ phận trong khu vực ngoài nhà nước. Do đó, năng suất của toàn khu vực ngoài nhà nước vừa rất thấp vừa chậm được cải thiện. Điểm này cho thấy thêm một nguyên nhân làm cho năng suất của toàn xã hội thấp.

Công nghiệp hóa còn ở mức thấp, tham gia vào GSCs cũng mới ở các công đoạn giá trị gia tăng thấp và đặc tính trong cơ cấu doanh nghiệp gợi mở phương hướng chính sách để tăng năng suất nhằm thực hiện tăng trưởng nhanh.

Uy tín ngày càng tăng trên thế giới và quan hệ ngoại giao đa phương làm cho Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần chuẩn bị các tiền đề về hạ tầng, về năng lực doanh nghiệp, nguồn nhân lực, và nỗ lực tiếp thị các doanh nghiệp đa quốc gia.
GS. Trần Văn Thọ

II. CHÍNH SÁCH ĐỂ VIỆT NAM TĂNG NĂNG SUẤT VÀ ĐẠT MỤC TIÊU 2045 

Từ kết quả phân tích ở trên, có thể đưa ra các khuyến nghị chính sách để Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình và tăng trưởng liên tục để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Trong 5 chính sách được đề khởi, chính sách đầu tiên là cơ bản nhất, liên quan đến công nghiệp hóa; bốn chính sách còn lại có mục đích làm cho chính sách thứ nhất thực hiện được.

2.1. Giai đoạn mới của công nghiệp hóa: Mở rộng, thâm hóa và chuyển dịch lên cao

Như đã nói, công nghiệp hóa của Việt Nam còn ở mức thấp và còn tập trung trong những công đoạn có giá trị gia tăng thấp. Việt Nam cần thâm hóa và chuyển dịch lên cao cơ cấu công nghiệp. Thêm vào đó, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp để doanh nghiệp trong nước, kể cả SMEs, có thể tận dụng cơ hội của thị trường và công nghệ để đầu tư sản xuất hàng công nghiệp. Ngoài ra, cần nhấn mạnh một chiến lược FDI mới có hai yếu tố quan trọng:

Một là, cấp phép những dự án FDI mới trên cơ sở xem xét từng trường hợp, trong đó khuyến khích những dự án nhằm thay thế nhập khẩu những sản phẩm trung gian có công nghệ cao. Hai là, chính sách FDI mới nên khuyến khích doanh nghiệp trong nước tham gia vào hoạt động của FDI. Đặc biệt hiện nay liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu mặc dù vấn đề này đã được các nhà phân tích đề cập từ lâu (chẳng hạn Trần Văn Thọ 2016, p.96).

Sự liên kết yếu này phản ánh trong sự yếu kém của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo lên tới 11 vạn, trong đó có 35.000 SMEs, nhưng vào cuối năm 2018, số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ không tới 5.000 (Bộ Công Thương 2022). Tóm lại, còn rất nhiều dư địa để doanh nghiệp trong nước đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tham gia mạnh vào GSCs của công ty nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

2.2. Cải cách cơ cấu doanh nghiệp: Thu hẹp khu vực phi chính thức và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)

Theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp hộ gia đình (household) là đơn vị kinh doanh có ít hơn 10 lao động, chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh bằng tài sản riêng của mình. Vào cuối năm 2019, Việt Nam có gần 5,4 triệu cơ sở sản xuất hộ gia đình ngoài nông nghiệp, thu hút gần 9,1 triệu lao động. Tính riêng trong khu vực công nghiệp thì các con số đó là 841.689 đơn vị sản xuất và 1,7 triệu lao động. Trung bình mỗi đơn vị sản xuất cá thể ngoài nông nghiệp này chỉ thuê 1,7 lao động, trong đó riêng ngành công nghiệp thì 2 lao động.

Quy mô nhỏ như vậy không cho phép doanh nghiệp cá thể sử dụng công nghệ và đầu tư vào những lĩnh vực có năng suất cao hơn. Những đơn vị cá thể có tính cách gia đình này còn gặp phải các rào cản về hành chính và bất lợi trong việc tiếp cận với vốn và đất đai để đầu tư. Họ cũng không phải là đối tượng của các chính sách dành cho SMEs. Để tăng năng suất cho toàn nền kinh tế, cần chuyển một phần những đơn vị sản xuất cá thể thành những công ty chính thức.

Nhưng có ít nhất hai vấn đề gây khó khăn cho việc chuyển đổi đó. Thứ nhất, thủ tục chuyển đổi rất phức tạp và hầu hết các đơn vị sản xuất cá thể không đủ nguồn lực để chuẩn bị cho việc xin chuyển đổi. Thủ tục phức tạp còn có khuynh hướng tăng vì sự thiếu năng lực xử lý của các quan chức địa phương. Thứ hai, nhiều đơn vị sản xuất cá thể lo ngại khả năng sẽ phải đóng thuế nhiều hơn khi trở thành doanh nghiệp chính thức vì thể thức kế toán hiện đại và rành mạch sẽ được áp dụng.

Để giải quyết những vấn đề trên cần các chính sách sau: Một là, đơn giản hóa thủ tục hành chính và hướng dẫn quan chức địa phương triệt để thi hành chính sách chuyển đổi đơn vị sản xuất cá thể sang doanh nghiệp chính thức. Hai là, thuyết phục các đơn vị sản xuất cá thể về những lợi ích khi trở thành doanh nghiệp có tổ chức, và những lợi ích có được sẽ lớn hơn khoản thuế có thể sẽ phải đóng thêm. Ba là, các chính sách hỗ trợ SMEs như sẽ nói dưới đây nếu thực thi hiệu quả sẽ gây ấn tượng tốt đối với doanh nghiệp cá thể và khuyến khích họ chuyển sang SMEs.

Với các chính sách thúc đẩy sự chuyển dịch các đơn vị sản xuất phi chính thức sang doanh nghiệp có tổ chức, một quá trình “phá hủy một cách sáng tạo” sẽ bắt đầu. Một bộ phận các đơn vị cá thể sẽ thuê thêm lao động, vay thêm vốn để mở rộng sản xuất nhờ tiếp cận được với vốn và các chính sách hỗ trợ. Một bộ phận khác sáp nhập với các doanh nghiệp cá thể khác và trở thành SMEs. Cuối cùng, một bộ phận khác sẽ tự giải tán và những lao động liên quan sẽ tìm việc làm mới, nhất là việc làm tại các công ty mới xuất hiện trong quá trình phân hóa.

Theo Sách trắng Doanh nghiệp 2021, vào cuối năm 2019, tất cả SMEs (có từ 10 lao động trở lên nhưng ít hơn 200 lao động) thu hút 4 triệu việc làm. Nếu khoảng nửa số đơn vị sản xuất cá thể (đang thu hút 9 triệu lao động) được chuyển sang doanh nghiệp chính thức thì số lượng SMEs sẽ tăng nhanh. Như vậy, sẽ có tới 8,5 triệu lao động làm việc trong SMEs, chiếm khoảng 24% lao động ngoài nông nghiệp năm 2019. Do đó, chính sách có hiệu quả đối với SMEs sẽ đưa lại thay đổi lớn cho kinh tế Việt Nam.

Cải cách thị trường vốn như sẽ bàn dưới đây sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của SMEs. Ngoài ra, cần thêm một số chính sách liên quan trực tiếp đến SMEs, cụ thể như sau:

Thứ nhất, các cơ quan của chính quyền trung ương và địa phương phụ trách SMEs nên có chính sách năng động hơn, cụ thể hơn để hỗ trợ, hướng dẫn SMEs trong việc tiếp cận với vốn, công nghệ và thuê đất để đầu tư cũng như giúp họ liên kết với doanh nghiệp FDI. Thứ hai, cơ quan phụ trách SMEs ở trung ương nên có một bộ phận nghiên cứu về thị trường trong nước, thị trường và công nghệ thế giới, và những vấn đề liên quan SMEs. Kết quả các nghiên cứu này nên in thành sách hay bản báo cáo định kỳ, hằng năm chẳng hạn. Có thể gọi đó là Sách trắng về SMEs, rất hữu ích, giúp SMEs theo kịp với những thay đổi trong thị trường và công nghệ và được cập nhật về thay đổi trong các chính sách liên quan SMEs.

Những doanh nghiệp nhắm đến việc sản xuất sản phẩm có giá trị tăng thêm cao, năng suất lao động cao phải đầu tư lớn, thường dùng công nghệ có hàm lượng tư bản cao. Họ phải là những doanh nghiệp đủ lớn, không thể là những doanh nghiệp siêu nhỏ hay những đơn vị sản xuất cá thể. Với sự “phá hủy sáng tạo” nói trên, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn dù vẫn là SMEs. Với sự lớn mạnh này cùng với hỗ trợ từ chính sách, số lượng SMEs có thể tham gia vào GSCs của doanh nghiệp FDI sẽ ngày càng tăng. Nói khác đi, SMEs Việt Nam sẽ ngày càng tham gia vào các ngành công nghiệp hỗ trợ. Kết quả là SMEs sẽ đóng góp vào việc mở rộng và thâm hóa khu vực công nghiệp, và tăng năng suất cho toàn nền kinh tế.

2.3. Cải cách thị trường vốn và vấn đề tiếp cận vốn của SMEs

Tại các nước đang phát triển, việc tiếp cận với ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác thường là vấn đề khó khăn cho các SMEs vì sự phi đối xứng thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp đi vay nên ngân hàng thường đòi hỏi thế chấp cao. Đối với SMEs, khó tiếp cận với vốn đầu tư thường trở thành trở lực cho tăng trưởng.

Thị trường vốn ở Việt Nam phát triển từng bước từ thập niên 1990 nhưng còn nhiều dư địa để cải cách hơn nữa. Đặc biệt SMEs vẫn ở trong trạng thái bất lợi như nhiều điều tra nghiên cứu đã phản ảnh. Điều tra mới nhất được thực hiện bởi Ngân hàng Nhà nước vào năm 2022 cũng cho thấy SMEs trực diện với các vấn đề sau: Thứ nhất, ngân hàng thương mại có khuynh hướng chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp nhà nước và FDI, và “ghẻ lạnh” đối với SMEs. Thứ hai, thủ tục xin vay tiền rất nhiêu khê đến nỗi nhiều SMEs bỏ cuộc. Thứ ba, trường hợp vay được thì SMEs lại phải chịu lãi suất cao hơn so với lãi suất áp dụng cho doanh nghiệp lớn (xem Cấn Văn Lực ed. 2022).

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản ta có thể đề khởi các biện pháp sau: Một là, Chính phủ nên thiết lập một ngân hàng hoặc một quỹ dành riêng cho SMEs. Quỹ hay ngân hàng này nên có nhiều chuyên viên có năng lực thẩm định các dự án đầu tư và có một bộ phận tư vấn giúp SMEs tăng tính khả thi của các dự án đầu tư. Hai là, Việt Nam nên lập một chế độ cung cấp chứng nhận cho các nhà tư vấn chuyên về SMEs để khuyến khích ra đời những chuyên gia tư vấn cho SMEs cải thiện quản lý, lập dự án đầu tư cũng như giúp họ soạn thảo đơn xin vay vốn.

2.4. Chính sách tăng cường cung cấp lao động kỹ năng cao

Để tiến hành công nghiệp hóa sâu và rộng như đã nói, cần tăng chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều điều tra về ý kiến của doanh nghiệp FDI hoặc của doanh nghiệp trong nước cho thấy Việt Nam thiếu triền miên lao động có kỹ năng.

Theo điều tra gần đây của JICA (2022) về tình hình lao động tại Việt Nam, vào năm 2020, lao động có trình độ sau trung học phổ thông chỉ có 15,2% và lao động có kỹ năng và chuyên môn chỉ chiếm 23,6%.

Thêm vào đó, như World Bank (2022) nhấn mạnh, có sự khập khiễng giữa kỹ năng của người tốt nghiệp với kỹ năng mà thị trường đòi hỏi. Trong khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm lao động có kỹ năng cần thiết thì phía cung chỉ có lao động không có kỹ năng hoặc kỹ năng không phù hợp. Vấn đề đáng nói nữa là sự thiếu hụt ngân sách cho giáo dục công và một hệ thống giáo dục bậc đại học yếu kém. Việt Nam chi tiêu cho giáo dục đại học ít hơn nhiều nước Á châu. Năm 2019, Việt Nam chỉ dùng 0,6% GDP cho giáo dục đại học và chuyên nghiệp, thấp hơn 0,86% của Malaysia. Chất lượng giáo dục tại hầu hết các trường đại học tư nhân cũng được xã hội đánh giá là kém.

Do đó, tăng cường việc cung cấp lao động có kỹ năng để đẩy mạnh và chuyển dịch công nghiệp hóa là nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam. Việt Nam cần dùng nhiều ngân sách hơn cho giáo dục đại học và huấn nghiệp song song với cải cách giáo dục để tăng chất lượng.

2.5. Tăng cường khả năng cách tân, đổi mới sáng tạo

Trong khoảng một thập niên tới, cung cấp lao động có kỹ năng và cải cách thể chế để phân bổ hiệu quả các nguồn lực là các nhân tố tăng năng suất của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo hay cách tân công nghệ (innovation) cho thập niên 2030 và xa hơn. Phát triển công nghệ và khoa học kỹ thuật cần thời gian mới có kết quả nên các nỗ lực cho nghiên cứu triển khai (R&D) và xúc tiến khoa học công nghệ cần chú trọng từ giai đoạn hiện nay.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được sự quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với tăng trưởng kinh tế nhưng nỗ lực chưa đủ. Tỷ trọng của R&D trên GDP còn thấp dù đã tăng từ 0,44% năm 2016 lên 0,53% năm 2019 (MOST 2021). Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo (NIC), một đơn vị nằm trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ra đời tháng 10/2019, để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp bằng đổi mới sáng tạo.

Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng và các chính sách đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển thành nước thu nhập cao, Việt Nam cần tăng cường chi tiêu R&D và các chi tiêu khác liên quan đổi mới sáng tạo. Tỷ trọng của R&D trên GDP hiện nay rất thấp, thấp hơn hầu hết các nước Á châu khi họ ở vào giai đoạn phát triển trung bình thấp.

Liên quan Global Innovation Index (GII), vị trí của Việt Nam khá cao và cải thiện trong những năm gần đây (WIPO 2021) nhưng những yếu tố cấu thành của GII còn nhiều dư địa để cải thiện. Vào năm 2021, nhìn chỉ tiêu tổng hợp thì Việt Nam xếp thứ 44 trong 132 nền kinh tế, nhưng xem những yếu tố cấu thành GII thì Việt Nam xếp thứ 79 trong mục vốn con người và nghiên cứu, thứ 90 trong giáo dục đại học và 79 trong hạ tầng về công nghệ thông tin và truyền thông. Cải thiện mạnh mẽ những lĩnh vực này phải được xem là tiêu điểm của các chính sách liên quan đổi mới sáng tạo.

Việt Nam trên đường phát triển phồn vinh - thịnh vượng: Tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực- Ảnh 5.

Đổi mới sáng tạo rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay. (Ảnh minh họa, nguồn: KVU)

Trong 5 chính sách phân tích ở trên, chính sách thứ hai và thứ ba là quan trọng cho khoảng 10 năm tới để chuyển dịch nguồn lực từ các lĩnh vực năng suất thấp sang lĩnh vực năng suất cao. Chính sách thứ tư là tiền đề để đẩy mạnh lực lượng lao động di chuyển từ nông sang công, đồng thời chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn. Chính sách thứ năm quan trọng để chuẩn bị cho kinh tế tăng trưởng bền vững ở giai đoạn từ thập niên 2030 khi dư địa tăng năng suất bằng chuyển dịch cơ cấu còn ít.

Vài lời kết: Thời cơ mới trong quá trình đạt mục tiêu 2045

Địa kinh tế chính trị thế giới tiếp tục biến động. Mỹ và Trung Quốc cố gắng duy trì đối thoại cấp cao để tránh xung đột quân sự nhưng trên mặt trận kinh tế tình hình vẫn quyết liệt như trước. Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã và đang có kế hoạch chuyển bớt hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN và Ấn Độ. Tình hình này làm thay đổi bản đồ công nghiệp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các nước lớn đang nỗ lực tăng cường và ổn định hóa các chuỗi cung ứng, nhất là trong các ngành chiến lược như vi mạch bán dẫn. Các chiến lược reshoring (chuyển sản xuất về nước mình), nearshoring (sản xuất gần thị trường tiêu thụ), friend-shoring (sản xuất tại những nước có quan hệ ngoại giao thân thiện) được triển khai. Trong bối cảnh đó, Việt Nam được Mỹ, Nhật Bản và các công ty đa quốc gia chú trọng. Uy tín ngày càng tăng trên thế giới và quan hệ ngoại giao đa phương làm cho Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy. Trong vài năm nay, Việt Nam nâng quan hệ ngoại giao lên cấp cao nhất (đối tác chiến lược toàn diện) với Hàn Quốc, Mỹ và Nhật là ba nước chủ yếu trên thị trường thế giới và là những đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần chuẩn bị các tiền đề về hạ tầng, về năng lực doanh nghiệp, nguồn nhân lực, và nỗ lực tiếp thị các doanh nghiệp đa quốc gia. Năm chính sách đề khởi trong bài này liên quan đến việc chuẩn bị các tiền đề ấy. Nói cách khác, những chính sách đề khởi ở đây là nhằm tăng cường nội lực để tận dụng tốt ngoại lực. Cả việc củng cố nội lực và sử dụng thời cơ từ ngoại lực sẽ tăng năng suất lao động và giúp cho Việt Nam đạt mục tiêu thành nước thu nhập cao năm 2045./.


Tư liệu có trích dẫn:

ADB (Ngân hàng Phát triển châu Á, 2000), Asia’s Journey to Prosperity: Policy, Market, and Technology over 50 Years, Manila: ADB.

Bộ Công Thương (2022), Báo cáo Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương, Hà Nội.

Cấn Văn Lực (2022), Giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, Hà Nội: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, (2022), The Data Collection Survey and Situation Analysis on Industrial Human Resource Development in Vietnam, JICA and B&Company Vietnam.

MOIST (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2021), Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2020, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Ohno K., D. T. Nguyen và T. H. Pham (2021), Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập 1990-2020, Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia.

Trần Văn Thọ (2016), Cú sốc thời gian và kinh tế Việt Nam, Nhà xuất bản Tri thức.

Tran Van Tho (2024), Vietnam’s Conditions for Sustained Growth to Become a High-Income Country: How to Escape from the Middle Income Trap? Ch. 6 in Fukunari Kimura and the Vietnam 2045 Team, eds., Vietnam 2045: Development Issues and Challenges, ERIA, Jakarta.

World Bank (2022), Taking Stock: Educate to Grow, Aug. 8, Hanoi.

WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, 2021), Global Innovation Index 2021, https://www.wipo.int/global_innovation_index/en/2021/

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top