Aa

Vietnam Report: Xu hướng thị trường bất động sản vẫn chưa rõ ràng

Thứ Hai, 22/03/2021 - 10:54

Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt được dịch bệnh trong năm 2021, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ khởi sắc và phục hồi tốt; thậm chí có thể còn trở thành động lực thúc đẩy toàn nền kinh tế.

Theo kết quả khảo sát mà Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa tiến hành mới đây, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đều kỳ vọng, nửa đầu năm và cả năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục hồi phục và tăng trưởng, thậm chí là bùng nổ ở một vài phân khúc và ở một số khu vực nhất định.

Tuy nhiên, xu hướng của thị trường bất động sản năm 2021 vẫn chưa được xác định rõ ràng và tùy thuộc vào nhiều giả thiết cùng những biến động thực tế của thị trường.

Dự án HanHomes Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội).
(Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Cụ thể như, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt được dịch bệnh, thị trường bất động sản chắc chắn sẽ khởi sắc và phục hồi tốt; thậm chí, có thể còn trở thành động lực thúc đẩy toàn nền kinh tế.

Xác định sẽ có còn nhiều khó khăn đối với thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng Giám đốc Vietnam Report chỉ ra rằng hạn chế và cũng khó khăn lớn nhất là diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19.

Kế đó là việc vẫn chưa có văn bản nào về chính sách đối với các loại hình bất động sản mới như Condotel (căn hộ khách sạn), Officetel (căn hộ văn phòng kết hợp khách sạn), Shophouse (nhà phố thương mại)... dẫn đến vẫn còn có sự khác nhau giữa địa phương này và địa phương khác.

Quy trình cấp phép, thẩm định phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án còn lâu, phức tạp và nhiều công đoạn.

Hạn chế về tín dụng khi không sửa đổi thông tư, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; thuế và các chính sách thuế giao dịch liên kết vẫn còn nhiều phức tạp, làm cho các nhà đầu tư bất động sản chưa thực sự yên tâm.

Trước tình hình này, theo ông Vinh, có 6 yếu tố giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhất là trong năm 2021, đó là kịp thời đưa ra các kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh; xây dựng được uy tín, thương hiệu trên thị trường; chuẩn bị tiềm lực tài chính lành mạnh; chủ động rà soát, cắt giảm và sử dụng chi phí hiệu quả; tập trung phát triển thị trường mới và tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và bán hàng...

Theo đó, vai trò của việc xây dựng được uy tín, thương hiệu thị trường là quan trọng nhất trong việc giúp doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

Bởi lẽ, trong quá trình sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí), Vietnam Report đã đánh giá uy tín của các doanh nghiệp trong ngành bất động sản thông qua sự hiện diện trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến hết tháng 1/2021.

Đã có gần 54,4% số doanh nghiệp được nghiên cứu có tần suất xuất hiện trên truyền thông trung bình 1 lần/ tuần; trong đó, Vinhomes là doanh nghiệp có số lượng Coding unit (đơn vị thông tin được mã hóa) cao nhất.

Báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra 5 yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản trong năm 2021.

Đó chính là gỡ bỏ nút thắt trong chính sách bất động sản; khả năng kiểm soát dịch bệnh; sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch COVID-19; dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và lãi suất giảm.

Xu hướng thị trường bất động sản vẫn chưa rõ ràng
(Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Ông Vinh phân tích năm 2020 thị trường bất động sản bị chững lại.

Một là do thủ tục pháp lý, khi có rất nhiều luật chồng chéo, cao điểm nhất là giai đoạn 2019 - 2020. Các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan lập pháp cũng nắm được vấn đề này, bước đầu đã có những thông tư, nghị định, hướng dẫn giải đáp những thắc mắc, vướng mắc đọng lại từ giai đoạn 2019 - 2020.

Vì thế, năm 2021 sẽ có những thuận lợi hơn về mặt thủ tục pháp lý đối với thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, yếu tố thúc đẩy lớn nhất là chính sách giải ngân vốn đầu tư công. Đây được coi là động lực khi mọi thứ bị trì hoãn, việc quyết tâm giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và 2021.

Về khả năng kiểm soát dịch bệnh. Khi COVID-19 xuất hiện, làm giảm sức mua của cả nền kinh tế 2020 nói chung. Không chỉ du lịch, nông sản, thương mại mà kể cả trong ngành bất động sản, sức mua của thị trường hiện cũng giảm sút nhiều.

Ngoại trừ những địa phương có diễn biến đặc biệt như TP.HCM dù giá nhà và giá đất tăng nhưng sức mua vẫn tốt, thì ở một số địa phương, bao gồm cả Hà Nội, không phải giá nào cũng bán được.

Thứ ba, sức chịu đựng và khả năng phục hồi kinh tế. Xét về quy luật chung, thị trường có những lúc lên - xuống theo sóng hình sin, mà năm 2020 đã xuống mức rất thấp.

Nghiên cứu của Vietnam Report chỉ ra rằng nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, GDP của Việt Nam trong năm 2020 tăng 2,91%, thấp nhất trong 10 năm vừa qua.

Trong vùng châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là một trong ba quốc gia có tăng trưởng dương, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, và New Zealand.

Dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2021 và mức độ tăng trưởng GDP mà Chính phủ mong muốn khoảng 6%. Đây là mức độ tăng trưởng thách thức với nền kinh tế Việt Nam nhưng mang tính khả thi.

Với tiền đề nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, thị trường bất động sản cũng sẽ tiếp tục phục hồi khi có những thuận lợi và thời cơ chín muồi.

Riêng về dòng vốn ODA chảy vào Việt Nam. Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sự cam kết mạnh mẽ về Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam và quan trọng hơn là Việt Nam vẫn đảm bảo yêu cầu của dòng vốn đến khi nằm trong vùng tăng trưởng, kinh tế chính trị, xã hội ổn định và đất nước, con người muốn vươn lên là ba yếu tố thu hút dòng vốn đến Việt Nam.

Do đó, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam.

Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam.

Bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tăng nhiệt.

Cuối cùng, theo ông Vinh là yếu tố lãi suất giảm. Khi thị trường vàng có nhiều rủi ro, thị trường ngoại tệ quản lý chặt, không mang lại lãi suất, xu thế tất yếu là dòng tiền sẽ đổ vào thị trường chứng khoán một cách mạnh mẽ.

Nhiều nhà đầu tư vay tiền để đầu tư vào chứng khoán. Chứng khoán nếu tiếp tục tăng mạnh như hiện nay có thể sẽ dẫn đến tình trạng bong bóng.

Thế nhưng nếu tất cả các thủ tục của bất động sản được tháo gỡ, thị trường trở lại mức bình thường và có những điều chỉnh để tạo ra sự phát triển cân bằng hơn cho toàn bộ nền kinh tế.

Khi đó, so với kênh đầu tư chứng khoán thì đầu tư bất động sản mang tính ổn định hơn, mặc dù phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng bị tác động rất mạnh bởi dịch bệnh.

Về chính sách của Chính phủ, lãi suất hạ thấp trong thời gian vừa qua hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bất động sản cả về hai phía gồm những nhà kinh doanh, xây dựng bất động sản khi họ được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình bất động sản.

"Người mua bất động sản cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn. Chính sách lãi suất thấp đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Chính sách này nên được duy trì, tuy nhiên cần phải có sự cân bằng với kiểm soát lạm phát," ông Vinh lưu ý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top