Aa

Vinacomin xây trụ sở "khủng": Cẩu tháp đe dọa tính mạng người đi đường

Thứ Năm, 29/09/2016 - 01:54

Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang xây trụ sở 35 tầng tại (lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội). Thế nhưng trong quá trình thi công cầu tháp lại được treo “lơ lửng” trên đầu người dân đi đường.

Nơm nớp lo sợ!

Trong thời gian qua, dù đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến cẩu tháp tại các công trình xây dựng, nhưng nhiều công trình nằm trong khu dân cư, đường giao thông lại liên tục để tay cần cẩu và phần bê tông đối trọng lơ lửng trên đầu người dân.

Khoảng gần 16h chiều ngày 27/9, phóng viên ghi nhận trên đường Dương Đình Nghệ (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cẩu tháp tại công trình xây dựng trụ sở của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội do Công ty Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Delta thi công đua ra bên ngoài đường, đe dọa tính mạng người dân đi qua.

Cầu thấp được treo lơ lửng, đe doạ tính mạng người đi đường.

Cầu thấp được treo lơ lửng, đe doạ tính mạng người đi đường.

Trong khi đó, theo quy định, trước khi cẩu tháp được đưa vào hoạt động, các đơn vị phải có biện pháp đảm bảo an toàn, vẽ sơ đồ bố trí lắp đặt, xây dựng biện pháp an toàn trong thi công để trình Sở Xây dựng; sau khi lắp đặt phải kiểm định an toàn và khai báo với Sở LĐ-TB&XH.

Trao đổi với báo chí, ông Bạch Quốc Việt (Trưởng phòng An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết: “Cẩu tháp chỉ được phép hoạt động trong hàng rào công trình, nếu vượt ra ngoài là vi phạm do không đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư và đường giao thông. Sở Xây dựng phê duyệt cần cẩu hoạt động từ 22h đến 6h để giảm thiểu tai nạn và phải có người cảnh giới. Nhưng trên thực tế, nếu thực hiện đúng theo quy định thì có tới 50% công trình phải dừng hoạt động”.

Cũng theo ông Việt, nếu không muốn cẩu tháp vươn ra bên ngoài thì phải chuyển cẩu tháp vào giữa công trình nhưng điều này làm tăng chi phí hoặc thay đổi cẩu có độ dài ngắn khác nhau.

“Chủ yếu những chiếc cần cẩu này có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc,… hầu hết các công trình này đều đi thuê cẩu và người điều khiển. Từ đầu năm đến nay, sau khi kiểm tra khoảng 30 công trình sử dụng cẩu tháp trên địa bàn Hà Nội có gần 10 công trình bị đình chỉ liên quan đến người lái cẩu tháp”, ông Việt nói.

"Lộ diện" trụ sở "khủng" đang được Tập đoàn Vinacomin xây dựng 

Thông tin trên trang web của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, năm 2002, xuất phát từ nguyện vọng của tập thể công nhân cán bộ Tập đoàn, đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu phát triển ngày càng lớn mạnh của Vinacomin, Hội đồng quản trị Tổng Công ty than Việt Nam (nay là Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN) đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở mới.

Trang web của Vinacomin miêu tả: “Thế là sau bao năm mong đợi, Vinacomin đã chính thức có ‘đất cắm dùi’. Đối với một Tập đoàn kinh tế lớn, nhiều đơn vị thành viên khắp mọi miền đất nước, quan hệ rộng với bạn hàng, đối tác quốc tế... thì việc có một trung tâm điều hành sản xuất đúng tầm thế này là chậm trễ. Song đây chính là tin vui với toàn thể CBCNV Tập đoàn những ngày đầu năm mới này. Trên tinh thần tiết kiệm, không phô trương hình thức, Tập đoàn đã tổ chức gọn nhẹ nghi thức ‘lấy ngày’ đẹp để động thổ xây dựng. Công trình được xây dựng tại lô đất 22E3 thuộc Khu đô thị Cầu Giấy - Hà Nội với diện tích đất là 9442 m2”.

Dự án 35 tầng dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2017.

Dự án 35 tầng dự kiến hoàn thiện vào cuối năm 2017.

Theo thiết kế, trụ sở Vinacomin là công trình xây dựng dân dụng cấp I, cao 35 tầng và 4 tầng hầm kỹ thuật, 5 tầng hầm. Chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của Tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin và cho thuê văn phòng.

Về tiến độ, dự án được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1- xin cấp phép đầu tư, giai đoạn 2 - thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; đã hoàn tất. Giai đoạn 3 - thi công xây dựng sẽ được bắt đầu ngay sau Lễ động thổ và thực hiện trong vòng 4 năm. Theo giấy phép đầu tư do Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cuối năm 2016, đầu 2017, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng niềm mong mỏi lâu nay của thợ mỏ Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam.

Website của Vinacomin dẫn lời ông Đặng Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn (nay là Tổng giám đốc), Giám đốc BQL Trụ sở Vinacomin, việc Tập đoàn động thổ xây dựng Trụ sở Vinacomin, thời điểm này, còn là thực hiện yêu cầu của thành phố Hà Nội về việc đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng thủ đô văn minh hiện đại. Ban Quản lý Dự án Nhà điều hành Vinacomin cam kết sẽ thực hiện quản lý dự án theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Tập đoàn, tuân thủ pháp luật xây dựng; đồng thời phối hợp tốt với các ban chuyên môn của Tập đoàn, các đơn vị tư vấn, giám sát, nhà thầu để triển khai xây dựng đảm bảo chất lượng tốt nhất, đúng tiến độ và an toàn.

Đang khó khăn, Vinacomin có cần thiết phải xây trụ sở?  

Theo những thông tin trên thì nhu cầu cần có trụ sở mới của Vinacomin là vô cùng cấp bách. Tuy nhiên, qua nhiều lần đến trụ sở hiện tại của Vinacomin (226 Lê Duẩn - Đống Đa - Hà Nội) để liên hệ làm việc, phóng viên nhận thấy không khí ở đây khá vắng vẻ, ít người đi lại, ra vào. Theo lời của một cán bộ thuộc Tập đoàn, số người làm việc tại trụ sở của Vinacomin này không nhiều nên chuyện vắng vẻ cũng là dễ hiểu.

Dẫu biết, chức năng và mục tiêu đầu tư công trình là nhằm đáp ứng văn phòng làm việc của Tập đoàn, văn phòng các đơn vị Vinacomin tại Hà Nội và đại diện các đơn vị khác ở các tỉnh, quảng bá thương hiệu Vinacomin là cần thiết nhưng trong thời điểm cả ngành than đang rất khó khăn, Vinacomin có lẽ nên cân nhắc đến việc điều chỉnh dự án, có nhất thiết phải xây tòa nhà cao những 35 tầng, rộng gần 10.000 m2 để làm việc hay không?

Liên quan đến vấn đề xây trụ sở mới của ngành than, báo Gia đình Việt Nam liên tiếp nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc. Trong đó không chỉ nhắc đến việc xây trụ sở mới của Tập đoàn mà ngay cả những công ty trực thuộc./.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, trong nửa đầu năm 2016, kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn này sụt giảm mạnh trên hầu hết chỉ tiêu.

Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, TKV báo lãi trước thuế 453,4 tỷ đồng, chỉ bằng 38,7% so với cùng kỳ năm 2015. Lãi ròng còn lại đạt 197,2 tỷ đồng, chỉ bằng 22,7% cùng kỳ. Đáng chú ý, mặc dù chi phí tài chính trong kỳ giảm gần 700 tỷ đồng so cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015 song chi phí lãi vay lại tăng thêm 356 tỷ đồng lên mức 2.188,3 tỷ đồng. Như vậy, bình quân trong nửa đầu năm nay, cứ mỗi ngày, TKV phải trả tới 12,1 tỷ đồng tiền lãi vay.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top