Aa

Vinaconex được giao làm KCN hơn 6.300 tỷ đồng, “soi” lại mảng bất động sản xem có gì?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 07/03/2024 - 06:22

Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã: VCG) mới được chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Đông Anh (Hà Nội) với tổng vốn 6.338,478 tỷ đồng. Với định hướng mở rộng lĩnh vực bất động sản, dự án này liệu có giúp doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đông Anh, TP. Hà Nội. Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) là chủ đầu tư dự án.

Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội với tổng vốn đầu tư là 6.338,478 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư 1.267,696 tỷ đồng.

Quy mô sử dụng đất của dự án là 299,45ha gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là 179,1ha và giai đoạn 2 là 120,35ha; trong đó, không tính phần diện tích đất các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện hữu đã thuê đất của Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị N6 và quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Đông Anh vào phần diện tích được phép cho thuê lại đất của nhà đầu tư.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư.

Đây là dự án bất động sản khu công nghiệp lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của Vinaconex.

Ngoài dự án này, Vinaconex đang quản lý Khu công nghiệp công nghệ cao 2 Hòa Lạc với quy mô khoảng 277ha. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinaconex, dự án đạt tỷ lệ lấp đầy 33%. Vinaconex hiện đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại khu vực này vào cuối năm 2024; qua đó, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ lấp đầy tại đây.

Vinaconex được giao làm KCN hơn 6.300 tỷ đồng, “soi” lại mảng bất động sản xem có gì?- Ảnh 1.

Khu công nghiệp công nghệ cao 2 Hòa Lạc. (Ảnh: Reatimes)

Đối với dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội với quy mô 72,5ha, Vinaconex dự kiến sẽ triển khai trong quý 4/2024 và đưa vào khai thác giai đoạn 2025 - 2026. 

Được biết, Vinaconex hiện đang đẩy mạnh triển khai loạt dự án bất động sản khu công nghiệp lẫn dân dụng và nghỉ dưỡng với tham vọng có thể đem lại biên lợi nhuận gộp cao vượt trội.

Hé lộ sức khỏe mảng bất động sản của Vinaconex

Theo báo cáo tài chính mới công bố, năm 2023, doanh thu thuần Vinaconex đạt gần 12,705 tỷ đồng, tăng 50%; trong khi lãi ròng gần 378 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa năm trước. Đây cũng là năm Vinaconex có lợi nhuận ròng thấp nhất kể từ khi niêm yết trên HOSE vào cuối 2020.

Vinaconex có chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 7.167 tỷ đồng, giảm 3%, tập trung chủ yếu ở dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá Cát Bà (Cát Bà Amatina) với hơn 5.277 tỷ đồng.

Vinaconex được giao làm KCN hơn 6.300 tỷ đồng, “soi” lại mảng bất động sản xem có gì?- Ảnh 2.

Nguồn: VCG

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cát Bà Amatina được Vinaconex lên ý tưởng triển khai từ năm 2005, khi doanh nghiệp đang ở thời kỳ hoàng kim và cũng là lúc thị trường bất động sản đang ở giai đoạn đầu "cơn sốt". Thời điểm đó, Vinaconex đã thành lập Ban quản lý dự án Khu đô thị Cái Giá - Cát Bà và công bố số vốn đầu tư vào dự án này lên đến gần 11.000 tỷ đồng (tương đương gần 750 triệu USD theo tỷ giá thời điểm bấy giờ). Đến năm 2008, "đại gia" ngành xây dựng quyết định góp vốn cùng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank và Công ty CP Chứng khoán Agribank thành lập Vinaconex ICT để phát triển Cát Bà Amatina.

Tuy nhiên, kể từ năm 2011, do đầu tư thiếu tập trung, sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, cộng thêm việc thị trường bất động sản đóng băng, hoạt động kinh doanh của Vinaconex ITC đã bị ảnh hưởng, khiến Cát Bà Amatina cũng "điêu đứng".

Tháng 10/2023, HĐQT Vinaconex ICT đã thông qua việc chấm dứt và thanh lý trước thời hạn hợp đồng hợp tác đầu tư Phân khu CT02 và Hạ tầng kết nối phân khu CT02 của dự án này.

Theo đó, Vinaconex ITC sẽ được nhận lại toàn bộ các tài sản đã thế chấp cho tổ chức tín dụng phát sinh từ thỏa thuận hợp đồng hợp tác đầu tư. Đồng thời, Vinaconex ITC phải hoàn trả lại cho Vinaconex số tiền 2.200 tỷ đồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày 30/9/2023. Đây là khoản tiền góp vốn của Vinaconex để Vinaconex ITC triển khai dự án trước đây. Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản còn ảm đạm, tương lai của dự án Cát Bà Amatina vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Tuy nhiên, cả quá trình lịch sử phát triển mảng bất động sản, Vinaconex đã đạt đến đỉnh cao, ghi dấu ấn với nhiều dự án trên thị trường bất động sản Việt Nam. Điển hình như Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị có quy mô 30ha, khi xuất hiện trên thị trường vào năm 1999 đã gây ấn tượng vì quy hoạch hiện đại, đồng bộ vào hạng nhất lúc bấy giờ; tiếp đến là năm 2008 với đô thị Kim Văn Kim Lũ…

Mặc dù vậy, sau những năm tháng suy giảm vì dịch bệnh, doanh thu mảng bất động sản của doanh nghiệp này cũng đang sụt giảm. Trong báo cáo mới phát hành, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng mảng bất động sản của Vinaconex hầu như sẽ không có nguồn thu nhập trong năm 2024 do việc phát triển các dự án tiềm năng còn chậm, do đó không kỳ vọng sẽ có thu nhập đáng kể./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top