Aa

Doanh thu tài chính đột biến - "cứu cánh" ngắn hạn cho doanh nghiệp bất động sản

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 29/02/2024 - 06:03

Trong khi doanh thu thuần giảm mạnh thì doanh thu hoạt động tài chính đột biến trong quý IV/2023 đã trở thành "cứu cánh" cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, về lâu dài, hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn là mục tiêu doanh nghiệp cần hướng đến.

Lãi tăng nhờ doanh thu tài chính

Bối cảnh nguồn cung yếu, giao dịch chưa sôi động, chưa bán được nhiều hàng, cùng với áp lực chi phí tài chính tăng cao, không huy động được vốn từ trái phiếu, không đủ tiêu chuẩn vay vốn tín dụng… khiến sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp địa ốc trở nên yếu ớt.

Tuy nhiên, ghi nhận từ báo cáo tài chính quý IV/2023 và cả năm 2023 cho thấy, bức tranh tài chính của nhóm doanh nghiệp bất động sản này vẫn có điểm đáng chú ý. Nổi bật là, doanh thu tài chính được xem là "cứu cánh", giúp bức tranh kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bớt xấu và có thể duy trì đà phục hồi trong năm 2024.

Quý IV/2023, CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2,270 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó, khoản doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh lên gần 229 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ, chủ yếu do được chia cổ tức tới 195 tỷ đồng. Cùng với việc giá vốn được cải thiện nên lãi gộp trong kỳ của doanh nghiệp này đạt hơn 97 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Bên cạnh đó, Ricons phải nhờ tới lợi nhuận khác 23 tỷ đồng là khoản hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình thì doanh nghiệp này mới thoát lỗ và báo lãi ròng gần 6 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ.

Khép lại năm 2023, Ricons đạt doanh thu thuần gần 7,575 tỷ đồng và lãi ròng 79 tỷ đồng, lần lượt giảm 33% và 13% so với năm 2022. So với kế hoạch cả năm, Ricons vượt 26% chỉ tiêu doanh thu và 58% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Doanh thu tài chính đột biến -

Doanh thu hoạt động tài chính của Ricons. Nguồn: Ricons.

Tương tự, với việc ghi nhận nhiều khoản doanh thu tài chính đột biến trong năm 2023, CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (mã: TIP) không những tăng trưởng về lợi nhuận so với năm trước mà còn vượt kế hoạch đề ra.

Trong quý IV, cả doanh thu thuần lẫn doanh thu tài chính của TIP đều tăng trưởng. Trong khi doanh thu thuần tăng nhẹ 2% lên gần 48 tỷ đồng, thì doanh thu tài chính gấp 7,5 lần cùng kỳ, lên hơn 92 tỷ đồng.

TIP cho biết doanh thu tài chính tăng đột biến nhờ lợi nhuận nhận được từ thương vụ hợp tác với CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã: PAP) gần 53 tỷ đồng; lãi chuyển khoản đầu tư tại CTCP Cà phê Olympic từ công ty liên kết sang đầu tư khác gần 3 tỷ đồng và cổ tức từ CTCP Thương mại và Xây dựng Phước Tân (công ty liên kết).

Với doanh thu tài chính tăng mạnh, TIP lãi ròng gần 103 tỷ đồng trong quý IV/2023, gấp 2,4 lần cùng kỳ. Nhờ đó, lũy kế năm 2023, lãi ròng của Công ty tăng 95% so với năm trước, đạt gần 196 tỷ đồng, dù doanh thu thuần giảm 29% còn 158 tỷ đồng. Đây là mức lãi ròng cao nhất của TIP kể từ khi niêm yết.

Quý IV/2023, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR) cũng ghi nhận khoản doanh thu tài chính đột biến, góp phần đem lại mức lãi ròng gần 283 tỷ đồng, không còn lỗ như cùng kỳ. 

Cụ thể, PDR ghi nhận gần 422 tỷ đồng doanh thu tài chính trong quý IV (cùng kỳ chỉ hơn 16 tỷ đồng). Sự đột biến đến từ 415 tỷ đồng Công ty nhận được từ chuyển nhượng cổ phần công ty con.

Trước đó, vào tháng 11/2023, HĐQT PDR thông qua chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (KCN Phát Đạt), tương đương 99.8% vốn điều lệ. Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Phát Đạt Holdings. Giá chuyển nhượng không thấp hơn 130% mệnh giá, tương đương giá trị tối thiểu của thương vụ hơn 1,297 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính đột biến -

Nguồn: PDR.

Với Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã: BCM), kết thúc năm tài chính 2023, công ty này ghi nhận doanh thu thuần đạt trên 8.070 tỷ đồng và lãi ròng 2.441 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 43,6% so với năm trước đó.

Riêng trong quý cuối năm, Becamex IDC đạt gần 5.060 tỷ đồng doanh thu thuần và trên 2.051 tỷ đồng lãi ròng, cao gấp 6 lần doanh thu và gấp 36 lần về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lợi nhuận đột biến này có thể được ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng dự án cho nhóm CapitaLand đã hoàn tất trong tháng cuối năm.

Theo thông tin được công bố trước đó, Becamex IDC đã chuyển nhượng toàn bộ dự án Khu đô thị mới có quy mô 18,9ha thuộc Khu liên hợp công nghiệp dịch vụ - đô thị Bình Dương cho Công ty TNHH Sycamore (thuộc CapitaLand) với giá trị chuyển nhượng 5.085 tỷ đồng.

Thương vụ này có thể giúp Becamex IDC ghi nhận doanh thu 242 triệu USD (khoảng trên 6.000 tỷ đồng) và lợi nhuận 2.000 tỷ đồng ngay trong năm 2023 - thông tin được ban lãnh đạo công ty chia sẻ với cổ đông.

Ngoài ra, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (mã: CC1) khi công bố BCTC hợp nhất quý IV/2023, cũng cho biết, năm 2023, doanh thu hoạt động tài chính đem về 789,6 tỷ đồng, tăng 143,49% so với năm trước (324 tỷ đồng).

Trong đó, lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư đem về hơn 673 tỷ đồng, chiếm phần lớn doanh thu; Lãi tiền gửi, tiền cho vay đem về 98,7 tỷ đồng; Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại và lãi bán hàng trả chạm, chiết khấu thanh toán đem về 573 triệu đồng và 17,4 tỷ đồng.

Tập trung với hoạt động kinh doanh cốt lõi

Doanh thu từ hoạt động tài chính được xem là cứu cánh cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại để có doanh thu, nguồn vốn tiếp tục các hoạt động kinh doanh chính. Tuy nhiên về lâu dài đây không phải là phương án hoạt động kinh doanh bền vững. Nguồn thu từ bàn giao dự án, sản phẩm bất động sản vẫn là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhất của doanh nghiệp. Họ cần tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, tạo ra giá trị với việc tái cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của thị trường.

Theo chia sẽ của một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, không ít doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn hiện nay có nhu cầu chuyển nhượng các dự án hoặc hợp tác phát triển dự án. Tuy nhiên, về lâu dài, người bán dự án thì nhiều, người mua dự án chẳng được bao nhiêu. Việc tìm kiếm đối tác của các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn khi hầu hết các doanh nghiệp đều vướng mắc chung ở dòng tiền.

Đầu năm 2024, thị trường bất động sản đã đón tin vui việc thể chế dần hoàn thiện khi Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua sau khi 2 bộ luật quan trọng được ban hành năm 2023 là: Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Điều này mang lại kỳ vọng, những "khoảng trống" pháp lý sớm được khỏa lấp, dòng tiền vào thị trường bất động sản sớm trở lại và gieo niềm tin về một chu kỳ mới tích cực hơn. Doanh nghiệp bất động sản cũng hứng khởi hơn trong các hoạt động kinh doanh sắp tới.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Việt Nam cho hay: "Quỹ đất ở các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội dường như đã cạn. Song vừa qua, Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh xung quanh TP.HCM và Hà Nội. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai. Đặc biệt là vào năm 2024, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận và dư địa mở rộng cho tăng trưởng kinh doanh bất động sản. Một bộ phận nhà đầu tư khác, vẫn chờ chính sách pháp lý thông thoáng, nhằm thúc đẩy phát triển và cung cấp các sản phẩm bất động sản phục vụ nhu cầu xã hội".

Doanh thu tài chính đột biến -

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội.

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho biết, từ nửa cuối năm 2023, thị trường ghi nhận thanh khoản được cải thiện ở một số dự án căn hộ hội tụ tổng hòa nhiều yếu tố tốt như chủ đầu tư uy tín, sản phẩm tương ứng với hạng chất lượng có diện tích hợp lý, chất lượng bàn giao kỳ vọng tốt, vị trí tốt, pháp lý đảm bảo, tiện ích đầy đủ, thuận tiện, chính sách bán hàng thu hút bao gồm kéo dài tiến độ thanh toán, hỗ trợ lãi suất… nhưng số lượng dự án căn hộ này không nhiều.

Đồng thời, xuyên suốt năm qua, các doanh nghiệp bất động sản đã và đang phải cấu trúc quyết liệt danh mục dự án, cải thiện giải quyết khó khăn về dòng tiền, giảm tải áp lực thanh lọc thị trường rất lớn hiện nay. Việc cấu trúc này thường cũng không thể nhanh mà vẫn cần thời gian để thực hiện.

"Bước vào năm 2024, thị trường còn nhiều thách thức cần phải tiếp tục giải quyết trước khi có sự phục hồi rõ nét. Chính phủ/Nhà nước đã và đang làm rất nhiều các biện pháp cần thiết thúc đẩy thị trường. Chủ đầu tư lúc này cũng phải như vậy, làm nhiều biện pháp cải thiện sự phụ thuộc dòng tiền từ ngân hàng bằng việc huy động từ các kênh khác như hợp tác đầu tư, cấu trúc danh mục đầu tư, giãn tiến độ thanh toán để giảm áp lực dòng tiền của người mua nhằm thúc đẩy quyết định đầu tư, làm tốt hơn nữa trong tất cả các khâu. Từ đó, bức tranh tài chính tiếp tục có nhiều triển vọng hơn trong năm nay", bà Hằng nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top