Vậy là đã gần 4 năm tôi rời mái nhà Vingroup. Vậy nhưng, cứ đến ngày 8/8 hàng năm, trong tôi lại trào dâng nỗi nhớ Tập đoàn, nhớ bạn bè đồng nghiệp nơi đây.
Ngày 8/8 với người Vingroup (và cả những người đã trưởng thành rồi ra đi từ nơi này) là một ngày thực sự thiêng liêng và được mong chờ. Hai mươi bốn năm về trước, đó là một “ngày chủ nhật đặc biệt”. Ngày mà những người sáng lập Tập đoàn tìm thấy một “chân trời mới”, một cơ hội khởi nghiệp tại đất nước bên bờ Biển Đen (Ucraina). Và để từ đó, họ đi suốt một hành trình dài. Một hành trình đầy mồ hôi, thậm chí là nước mắt nhưng rất đỗi tự hào. Một hành trình tìm kiếm và khẳng định giá trị, bản lĩnh Việt Nam…
Để rồi, sau hai tư năm, từ bốn người đầu tiên, giờ đây Vingroup đã thành một “quân đoàn” hùng mạnh lên đến hơn 4 vạn người. Hai tư năm, từ chật vật khởi nghiệp, vay mượn vài nghìn đô la để mở một nhà hàng nhỏ, Vingroup của năm 2017 đã có đủ sức mạnh và tiềm lực để xây dựng cả những thành phố, để thực hiện những thương vụ tỷ đô.
Hai tư năm, giờ đây, ta cũng không thể gọi Vingroup là một doanh nghiệp trẻ được nữa bởi trên đầu của những “thanh niên khởi nghiệp” ngày xưa, mái tóc đã điểm bạc và có người đã sắp thành ông, thành bà. Nhưng, hai tư năm là một thời gian vừa đủ dài để Vingroup khẳng định tầm vóc và sự phát triển bền vững của một tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, có tầm ảnh hưởng quốc tế mà không khiến ai phải mảy may nghi ngờ…
Người ta hay hỏi, thành công của Vingroup đến từ đâu? Để giải mã, để hiểu về thành công ấy không dễ, nhất là khi giá trị cốt lõi của “nhà Vin” chỉ vỏn vẹn có trong 6 chữ “Tín – Tâm – Trí – Tốc – Tinh – Nhân” mà ai muốn hiểu thế nào thì thì hiểu.
Thế nhưng, cá nhân tôi cho rằng, từ khóa tạo nên thành công của Vingroup còn ngắn gọn hơn nữa, chỉ nằm ở hai cặp từ: Tin & Yêu; Tâm &Tầm.
Có thể khẳng định, Vingroup đã xây dựng được một nền tảng văn hóa rất vững chắc. Người ta nói, “đi đến tận cùng dân tộc thì sẽ gặp nhân loại”. Vingroup đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình theo cách ấy để vừa mang đậm bản sắc Việt Nam ở sự duy tình, vừa có sự hiện đại của công nghệ quản trị quốc tế đó là tính hệ thống và kỷ luật. Chính vì vậy, dù có những giai đoạn phát triển nóng, có sự bùng nổ về nhân sự từ “trăm miền” hợp đến thì văn hóa Vingroup vẫn giữ được bản sắc riêng, không dễ bị “đồng hóa”.
Không gian văn hóa Vingroup nằm trong hai chữ Tin và Yêu. Niềm tin và Tình yêu của người Vingroup được trao truyền từ cấp lãnh đạo cao nhất xuống hệ thống và ngược lại nó được gửi gắm từ thấp lên cao. Chỉ cần nghe người Vingroup nói về lãnh đạo của mình, về tổ chức của mình, về thương hiệu/sản phẩm của mình với ánh mắt lấp lánh niềm tự hào thế nào, ta sẽ hiểu sự “đậm đặc” của văn hóa Vingroup trong tâm hồn mỗi thành viên.
Tin và Yêu, đó là lý tưởng mà người Vingroup hợp lực xây dựng lên từ khát vọng cống hiến “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”; từ cách nghĩ “Hãy trở thành người có ích”; từ tôn chỉ “Làm người được tôn trọng trong một hệ thống được tôn trọng”.
Tin!? Đó là sự tin tưởng tuyệt đối của cả hệ thống vào định hướng phát triển của người được tất cả tôn vinh là “Thuyền trưởng”. Tin, cũng là việc dám trao quyền, giao trách nhiệm cho bất cứ ai, kể cả những người rất trẻ, miễn là họ có năng lực, có tài năng và tâm huyết trong hệ thống này. Tin, còn nằm trong câu chuyện với đối tác, khách hàng (nhưng tôi sẽ kể vào một câu chuyện khác).
Yêu thì sao? Niềm yêu là văn hóa lan tỏa đầy sinh động trong Vingroup. Nó lan tỏa từ niềm hân hoan trong ngày khánh thành các công trình, dự án; qua sự sôi động trong mỗi ngày hội văn hóa thể thao; qua mỗi ứng xử công việc thường nhật cho đến sự khiêm nhường trong những sự kiện mang nghi thức lớn. Chỉ chứng kiến những nụ cười đầy xúc động, những giọt nước mắt hân hoan của CBNV Vingroup sau mỗi bại – thành, ta mới hiểu tình yêu của họ đối Vingroup lớn đến nhường nào.
Người ta nói rằng làm ở Vingroup vất vả “kinh hoàng” nhưng hạnh phúc cũng là tột bực. Chỉ Tin và Yêu như trong một gia đình thì mới đủ động lực và “dũng cảm” để tham gia vào “cuộc chiến” này!
Trong câu chuyện về Tâm và Tầm, chỉ xin phép kể một đôi câu chuyện.
Vài người hỏi tôi, có thật Vingroup chi mỗi năm dăm ba trăm tỉ làm từ thiện hay không? Tôi bảo rằng đúng mà hình như không đúng. Đúng bởi số tiền đó là xác tín. Nhưng không đúng bởi “Vin” là công ty đại chúng, chi số tiền ấy không dễ; hình như số tiền ấy phần nhiều là sự thiện nguyện của gia đình các lãnh đạo Tập đoàn; CBNV của “Vin” có trách nhiệm làm cầu nối.
Cũng có người hỏi, làm gì có chuyện Vingroup đưa hàng loạt những lĩnh vực kinh doanh như khối giáo dục, y tế sang “phi lợi nhuận” mà không toan tính gì? Trong hiểu biết và tâm cảm của mình, tôi nghĩ “Vin” có toan tính. Một toan tính “siêu lợi nhuận” khi họ dùng triết lý “Cho đi để nhận lại”. Họ cho đi bằng cái “Tâm” và cái “Lãi” họ nhận về là niềm yêu tin của cộng đồng mà trước hết là chính cộng đồng khách hàng ngày càng mở rộng. Vingroup đã và đang tạo ra một “big data” những “tín đồ” khách hàng (cả trực tiếp và tiềm năng) bằng chính “sự cho đi”, bằng cái Tâm và cái Tầm của họ.
Từng tham gia vào các dự án mang tính thiện nguyện của Vingroup, tôi càng hiểu câu nói của một vị chuyên gia rằng: “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là làm ra của cải cho xã hội, là tuân thủ pháp luật và đóng thuế đầy đủ. Còn nếu bắt trách nhiệm xã hội của họ phải thêm phần từ thiện thì nhiều khi là sự xúc phạm.” Vâng đúng! Sẽ là sự đòi hỏi xúc phạm khi đó là tấm lòng, là mong muốn được sẻ chia, là sự tự nguyện… Và với Vingroup, bên cạnh ý nghĩa đó, tôi còn nghĩ, đó là cách họ đang gieo hạt cho những “mùa vàng”…
Thêm chút chuyện bên lề, dư luận bàn và lo ngại hơi nhiều về chuyện nước mình có những “siêu tập đoàn” hay những tỷ phú về bất động sản. Vingroup nằm trong cả 2 “lo ngại” này. Nhưng Vingroup là “siêu tập đoàn” (kinh tế tư nhân) thì sao? Điều ấy có cần không khi chúng ta đang khuyến khích một chính phủ kiến tạo và đối xử công bằng giữa các chủ thể phát triển? Chúng ta có cần không những thương hiệu quốc gia có đủ sức cạnh tranh trước hết trên “sân nhà” và có đủ “trưởng lực” cả khi “đá” trên “sân khách”? Chúng ta cổ vũ cho start up, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng xin cũng đừng quên sự cần thiết của những “đội trưởng”, những “huấn luyện viên”? Và tỷ phú khởi đầu từ bất động sản thì sao nếu họ làm giàu chính đáng và biết cách đưa câu chuyện doanh thương của mình phù hợp với quy luật phát triển?!
Trở lại câu chuyện của Tôi và Vingroup. Dù sau gần 10 năm gắn bó, đã “dứt áo” để trở lại với cái Nghiệp mà mình yêu thích là làm Báo, tôi vẫn muốn nói lời tri ân chân thành nhất đến Vingroup. Đó là một “trường đại học lớn”, nơi tôi có quyền tự hào về một “thời thanh niên sôi nổi”, nơi tôi tích lũy được hành trang là khát vọng cống hiến và sẻ chia.
Trong những ngày này, Vingroup đang triển khai một cuộc “cách mạng quản trị” với 5 chữ “hóa" gồm “Hạt nhân hóa”, "Chuẩn hóa", "Đơn giản hóa", “Tự động hóa” và “Chia sẻ hóa” nhằm thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi “không lạ” với sự quyết liệt này bởi từng nghe Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng tâm sự rằng anh rất thích tác phẩm “Hai vạn dặm dưới biển” của nhà văn Jules Verne, với câu nói “Linh hoạt trong môi trường linh hoạt” và có quan điểm “Luôn phải chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi”. Vậy nhưng, tôi cũng tin, dù ở đâu và làm gì Vingroup vẫn giữ sứ mệnh bất biến là khẳng định giá trị Việt, bản lĩnh Việt và “Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt!”