Chưa được giao đất đã "vội" mở bán
Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị Thương mại thuộc huyện Vĩnh Tường, có quy mô diện tích lập quy hoạch 186,49 ha. Trong đó, đất thuộc phạm vi dự án gồm: 92,99 ha đất xây dựng thương mại đô thị; 32,62 ha đất xây dựng Chợ đầu mối nông sản thực phẩm; 17,41 ha đất xây dựng hệ thống kho vận; 11,15 ha đất xây dựng Chợ điện tử, vật liệu xây dựng.
Theo thông tin trên tờ Dân Việt, dự án nằm sát tuyến đường lớn nối thị trấn Thổ Tang ra ngã tư Vĩnh Tường-QL2 và nằm trên địa phận 3 xã: Tân Tiến, Lũng Hòa và Yên Lập (huyện Vĩnh Tường). Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long mới chỉ giải phóng mặt bằng, san gạt một phần nhỏ diện tích của dự án thuộc địa phận xã Tân Tiến.
Tuy nhiên, nhiều người dân đã phản ánh, chủ đầu tư đã rao bán đất tại dự án này từ cuối năm 2017 với giá từ 5 – 7 tỷ đồng/lô 100 m2 đất mặt đường lớn, tùy vị trí.
“Khi giao dịch, Công ty bất động sản Thăng Long đưa ra một bản hợp đồng gọi là Hợp đồng góp vốn chứ không phải Hợp đồng mua bán thông thường. Một số người thắc mắc vì sao thì được nhân viên công ty này giải thích, dự án chưa đủ thủ tục pháp lý nên phải làm vậy, sau khi đủ thủ tục sẽ ký lại hợp đồng mua bán như bình thường”, anh T., ở thị trấn Thổ Tang cho biết.
Minh chứng cho phản ánh của anh Tuấn, tại sàn giao dịch của Công ty bất động sản Thăng Long được xây dựng trên đất của dự án, chúng tôi được một nữ nhân viên khoảng gần 30 tuổi của công ty giới thiệu về tổng thể dự án. Đồng thời, nữ nhân viên này cho biết, dự án đang trong quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà mẫu và đã mở bán 100 lô từ cuối năm 2017.
“Từ tháng 9/2017, công ty đã mở bán một số lô ở vị trí này với giá 8 – 9 tỷ đồng/lô 100 m2 có mặt tiền rộng 5m, dài 20m. Do dự án chưa đủ thủ tục nên khách hàng khi mua sẽ ký hợp đồng góp vốn, và vào tiền 55% tổng giá trị hợp đồng. Sau khi thủ tục dự án hoàn tất sẽ ký lại hợp đồng mua bán”, nữ nhân viên nói.
Cũng theo nhân viên đơn vị này cũng giới thiệu, với các lô ở mặt đường lớn 2 làn, chủ đầu tư sẽ xây nhà hoàn thiện mặt ngoài rồi bàn giao. Còn các lô bên trong khuôn viên khu đô thị, khách mua có thể tự xây cao từ 3 – 7 tầng, giá bán sẽ thấp hơn, khoảng 4 - 5 tỷ đồng/lô 100 m2. Tuy nhiên, những lô phía bên trong dự án, công ty chưa bán.
Tiếp tục có những quan sát tại dự án, chúng tôi còn ghi nhận được công trường thi công xây móng nhà khá rầm rộ trên gần 10 lô đất mặt ven tuyến đường lớn 2 làn đoạn nối từ thị trấn Thổ Tang ra ngã tư Vĩnh Tường. Đáng chú ý, sát công trường thi công đang làm móng nhà này là một ngôi nhà 3 tầng mọc lên khang trang, đã có người ở và đang kinh doanh buôn bán.
Chính quyền buông lỏng quản lý?
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi trên tờ Petrotimes, ông Chu Quốc Hải - Phó Giám đốc Sở cho biết, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long được chính quyền địa phương giao thực hiện dự án từ cách đây vài năm. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành giải phóng mặt bằng, san gạt. Ngày 1/6/2018, mới có quyết định giao đất đợt 1 với quy mô 12ha. Trong đó, có 5,5ha để xây nhà kiên cố, diện tích còn lại dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ông Hải xác nhận, đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long chưa đóng một đồng tiền thuế đất nào cho Nhà nước, do cơ quan chức năng đang tiến hành quá trình xác định nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước khi thực hiện dự án.
"Họ mới bỏ tiền giải phóng mặt bằng, nhưng số tiền đã bỏ ra cụ thể là bao nhiêu thì chúng tôi không nắm được, việc này phải làm việc với UBND huyện Vĩnh Tường mới rõ" - ông Hải nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc doanh nghiệp bán đất khi chưa có quyết định giao đất theo hình thức "lách luật" ký hợp đồng góp vốn, nghiêm trọng hơn, doanh nghiệp đã xây nhà, bàn giao cho khách hàng đến hoàn thiện, sinh sống, kinh doanh công khai, thì ông Hải nói: "Như vậy là doanh nghiệp đã làm sai. Chúng tôi không biết, bây giờ nhà báo nói tôi mới biết, sẽ cho anh em đi kiểm tra xem thế nào".
Theo ông Hải, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long phải thực hiện đủ các nghĩa vụ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng. Khi nào xây dựng cơ sở hạ tầng và được các cơ quan chức năng nghiệm thu thì mới kiểm tra các điều kiện chuyển nhượng, lúc đó mới chuyển nhượng cho các chủ sử dụng đất.
Ông Hải thừa nhận, trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường là giám sát diện tích đất được giao và trách nhiệm chính thuộc chính quyền địa phương. Nếu có phản ánh về sai phạm thì phải xem xét. Về việc doanh nghiệp bán nhà cho người dân dưới hình thức góp vốn là sai. Về nguyên tắc, chưa giao đất thì chưa được phép.
Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường này cũng "lựa lời nói đỡ" cho doanh nghiệp: "Có thể doanh nghiệp nghĩ rằng, đất này đã được chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp cũng bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng nên sớm muộn cũng được Nhà nước giao nên tranh thủ triển khai sớm".
Khi PV đặt câu hỏi: Có hay không việc buông lỏng quản lý đất đai? Ông Hải lảng tránh bằng việc trả lời về thời điểm sau khi doanh nghiệp được giao đất (trong khi các ngôi nhà đã xây dựng trước thời điểm tháng 6/2018). Đồng thời "đổ lỗi", UBND huyện Vĩnh Tường không báo cáo về việc này.
"Đối với những dự án có quy mô sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên hoặc từ 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên, UBND tỉnh phải lập hồ sơ gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trong trường hợp đã được Thủ tướng chấp thuận nhưng chưa được cấp tỉnh giao đất mà chủ đầu tư đã thi công xây dựng, phân lô bán nền là làm sai các quy định của nhà nước", Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty luật Minh Bạch. |