Aa

VN-Index giảm kỷ lục trong phiên hoảng loạn, cổ phiếu BĐS nằm sàn la liệt

Thứ Sáu, 29/01/2021 - 06:10

Nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu trước "bóng ma" Covid-19 quay trở lại. Cổ phiếu bất động sản đua nhau giảm sàn cùng với xu thế của thị trường chung.

Tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch ngày 28/1 ở trong trạng thái rất bi quan khi Việt Nam phát hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Ngay từ đầu phiên giao dịch, áp lực bán tháo đã xảy ra và các chỉ số đồng loạt lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu.

Lực cầu thăm dò có đôi lúc giúp các chỉ số thu hẹp một phần đà giảm, tuy nhiên, càng về cuối phiên, lực bán trở nên quá mạnh nên các chỉ số đều tiếp tục đà lao dốc. Trong nhóm VN30 chỉ có duy nhất EIB tăng giá vào phút chót, trong khi đó, nhóm này ghi nhận đến 28 mã giảm sàn trong tình trạng trắng bên mua, NVL dù không giảm sàn nhưng cũng mất đến 6,7% xuống 75.800 đồng/cp.

Diễn biến chính của thị trường chứng khoán phiên 28/1 chỉ gói gọn trong 2 chữ “hoảng loạn”. Tình trạng dư bán giá sàn hàng triệu đến chục triệu cổ phiếu xuất hiện trên hàng loạt cổ phiếu trụ cột như HPG, ACB, MBB, VRE, TCB, SSI, GVR…

Diễn biến nhóm cổ phiếu VN30 phiên 28/1.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 73,23 điểm (-6,67%) xuống còn 1.023,94 điểm, đây là mức giảm kỷ lục về mặt tuyệt đối của chỉ số này trong lịch sử. Toàn sàn chỉ có vỏn vẹn 20 mã tăng và 12 mã đứng giá trong khi có đến 478 mã giảm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm đến 17,74 điểm (-8,03%) xuống 203,05 điểm. UPCoM-Index giảm 5,41 điểm (-7,27%) xuống 69,05 điểm.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index.

Ở nhóm bất động sản, tình trạng cổ phiếu “nằm sàn” la liệt cũng diễn ra. Những mã thanh khoản cao như FLC, HQC, TCH, DXG, ITA, LDG, SCR, CEO, NLG, HDG… đều ở trong trạng thái giảm kịch sàn nghĩa là không có dư mua (trắng bên mua). Bên cạnh đó, VCR cũng giảm đến 13,6% xuống 17.800 đồng/cp, NBB giảm 6,6% xuống 23.300 đồng/cp. THD cũng giảm 8,8% xuống 145.000 đồng/cp.

Ở chiều ngược lại, DIH và LEC là 2 mã bất động sản hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh. DIH tăng 4,6% còn LEC tăng 3,2%, dù vậy cả 2 cổ phiếu này đều có thanh khoản rất thấp nên biến động nhiều khi không đi theo quy luật của thị trường chung.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng nhẹ so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.233 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 900 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.939 tỷ đồng. Phiên 28/1 chỉ có duy nhất FLC là cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 28,4 triệu cổ phiếu.

Điểm tích cực hiếm hoi của thị trường chứng khoán phiên 28/1 là viêc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 575 tỷ đồng. Trong đó, VHM, VIC và VRE là các cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh. VHM được mua ròng 51 tỷ đồng. VIC và VRE được mua ròng lần lượt 27 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Trong khi đó, TCH là mã bất động sản duy nhất bị khối ngoại bán ròng mạnh với 7 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS) thêm 1 phiêm giảm sâu là kịch bản không khó đoán khi tâm lý lo lắng về Covid đang bao trùm, mức giảm phiên hôm nay mạnh nhất từ trước tới nay. Về dao động, thị trường trong nước đang biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế, tuần trước VN-Index đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo tuần thì hôm nay là phiên giảm mạnh nhất theo ngày. Về kỹ thuật, phiên giảm mạnh hôm nay như cú “đạp bồi” xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy trong hơn 1 tuần vừa qua. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.

Còn theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường rơi vào trạng thái hoảng loạn trước những thông tin tiêu cực và áp lực giải chấp vẫn đang hiện hữu. Với tình trạng dư bán sàn nhiều vào cuối phiên, động thái giải chấp sẽ tiếp tục vào phiên giao dịch tiếp theo. Do vậy áp lực giảm điểm vẫn còn nhưng dòng tiền có thể sẽ có động thái tích cực “bắt đáy” khi VN-Index tiếp tục giảm sâu. Nhà đầu tư tạm thời nên tránh bán tháo ở vùng giá thấp trong phiên giao dịch tiếp theo nếu trạng thái danh mục chưa quá rủi ro, đồng thời có thể xem xét “bắt đáy” tại một số cổ phiếu Bluechip hoặc cổ phiếu có cơ bản tốt và đã lùi về vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top