Thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu 2021 theo cách hết sức tích cực. Trái ngược với những lo ngại về sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán đã bật tăng ngay từ khi mở cửa phiên với việc nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá.
Đà tăng của các chỉ số có phần không được dứt khoát khi nhà đầu tư vẫn tỏ ra khá thận trọng, và dường như chỉ đang thăm dò để đưa ra những quyết định tiếp theo. Tuy nhiên, dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc, giúp đà tăng lan rộng hơn đến nhiều nhóm ngành cổ phiếu, từ đó giúp kéo bật các chỉ số đi lên. VN-Index và HNX-Index đều đóng cửa ở mức cao nhất phiên.
Tâm điểm của thị trường phiên 17/2 là nhóm cổ phiếu dầu khí và ngân hàng khi đây là 2 nhóm tạo động lực và hút dòng tiền tốt. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng gây chú ý khi đây được cho là nhóm nhạy cảm với biến động của thị trường chung.
Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup không nằm ngoài xu hướng này, trong đó, VRE được kéo lên mức giá trần 33.750 đồng/cp, VHM tăng đến 4,3% lên 101.000 đồng/cp, còn VIC tăng 1,7% lên 108.000 đồng/cp.
Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác như BCM, NVL... cũng tăng giá mạnh. Chốt phiên, BCM tăng 2,6% lên 58.500 đồng/cp; NVL tăng 2,5% lên 81.000 đồng/cp. THD tăng 0,9% lên 167.000 đồng/cp.
Tại nhóm bất động sản có vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu thanh khoản cao như BII, LDG, DXG, HDC, NTL, KBC, HPX, ITA, DRH, ASM hay HQC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, NDN tăng 6,5% lên 22.800 đồng/cp; CII tăng 5,9% lên 22.600 đồng/cp; CEO tăng 5,4% lên 9.800 đồng/cp; SCR tăng 5,3% lên 8.600 đồng/cp; KDH tăng 5% lên 33.500 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch đầu năm Tân Sửu 2021, VN-Index tăng 40,85 điểm (3,66%) lên 1.155,78 điểm. Toàn sàn có 425 mã tăng, 43 mã giảm và 28 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,67 điểm (2,52%) lên 230,57 điểm. Toàn sàn có 183 mã tăng, 30 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,93 điểm (2,61%) lên 75,74 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niên yết tăng nhẹ so với phiên trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 15.415 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 655 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.356 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị khớp lệnh toàn thị trường với 18,9 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tích cực khi mua ròng hơn 700 tỷ đồng trên toàn thị trường phiên 17/2. Trước đó, dòng vốn này đã bán ròng 2 phiên liên tiếp trước kỳ nghỉ Tết.
VRE, KBC, VIC và NLG là các cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách 10 mã được mua ròng mạnh. Trong đó, VRE được mua ròng 92 tỷ đồng, KBC đứng sau với 54 tỷ đồng. VIC và NLG được mua ròng lần lượt 35 tỷ đồng và 22 tỷ đồng. Chiều ngược lại, AGG và CRE là 2 mã bất động sản lọt vào top 10 bán ròng của khối ngoại nhưng giá trị chỉ lần lượt đạt 9 tỷ đồng và 7,7 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm mạnh trong phiên thứ hai liên tiếp với thanh khoản khớp lệnh tuy có tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trước xu hướng tăng hiện tại do những phiên sụt giảm mạnh trước đó.
Sóng tăng 5 được kỳ vọng sẽ đi tiếp quãng đường sau khi sóng điều chỉnh 4 kết thúc trong phiên 29/1 với đáy quanh ngưỡng 1.000 điểm. Theo đó, xu hướng trung hạn là tích cực với target của sóng tăng 5 quanh ngưỡng 1.250 điểm.
Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn trong trong phiên tiếp theo là rất khó đoán với việc thanh khoản hiện tại là khá thấp so với mặt bằng 20 phiên gần nhất, cũng như phiên tới là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30 tháng 2/2021 nên những biến động mạnh khó lường có thể xảy ra. Những nhà đầu tư ngắn hạn tham gia bắt đáy và chốt lời trước Tết nên đứng ngoài và quan sát thị trường trong phiên tới. Đối với tầm nhìn trung hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng sóng 5 với target quanh ngưỡng 1.250 điểm trong thời gian tới. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.120 điểm (MA20) và ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.170 điểm (đỉnh của đợt phục hồi kỹ thuật trước đó).