Aa

TTCK hồi phục, cổ phiếu họ Vingroup dẫn dắt VN-Index trong phiên giao dịch cuối năm

Thứ Tư, 10/02/2021 - 06:10

Thị trường chứng khoán tiếp tục có biến động mạnh nhưng theo chiều hướng tích cực ở phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng hồi phục tốt trở lại sau một phiên lao dốc.

Tương tự như đợt sụt giảm mạnh trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 9/2 nhanh chóng hồi phục sau khi bị bán tháo hôm 8/2.

Thị trường khởi động phiên cuối cùng của năm Canh Tý với sự thận trọng nhất định. Tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi những lo ngại về sự điều chỉnh mạnh ở phiên trước, cùng với hiệu ứng kỳ nghỉ Tết đến gần đã khiến thanh khoản thị trường giảm đáng kể.

Sau quãng thời gian giằng co ở đầu phiên, thị trường bất ngờ nhận được lực cầu mạnh, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn được kéo bật lên trên mốc tham chiếu. Càng về cuối phiên, lực cầu tiếp tục dâng cao hơn và đà tăng của các cổ phiếu lớn cũng được nới rộng, từ đó củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup có một phiên giao dịch tích cực sau khi bị bán mạnh hôm trước. Trong đó, VIC tăng đến 5,1% lên 106.200 đồng/cp và là nhân tố chủ chốt trong việc kéo VN-Index bứt phá. VHM cũng tăng 2,2% lên 96.800 đồng/cp, còn VRE tăng 2,1% lên 31.550 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 9/2/2021
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu họ Vingroup, các cổ phiếu vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản gồm BCM, NVL hay THD cũng đều giữ được sự tích cực, trong đó, BCM tăng 2% lên 57.000 đồng/cp, NVL tăng 1,7% lên 79.000 đồng/cp còn THD tăng 0,9% lên 165.500 đồng/cp.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, rất nhiều mã cũng bứt phá theo đà của thị trường chung, trong đó, DXG, ITA, CCL, HAR và HQC đều được kéo lên mức giá trần. FLC cũng tăng đến 4,8% lên 6.390 đồng/cp, SCR tăng 4,7% lên 8.170 đồng/cp, CEO tăng 4,5% lên 9.300 đồng/cp, IDC tăng 4,4% lên 40.200 đồng/cp.

Chiều ngược lại, dù thị trường đi lên mạnh nhưng vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu thế này, trong đó các mã đáng chú ý có BII giảm 7,7% xuống 6.000 đồng/cp, FIT giảm 4,8% xuống 10.800 đồng/cp, ASM giảm 4,4% xuống 14.250 đồng/cp, TIP giảm 2,7% xuống 49.600 đồng/cp…

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 9/2/2021
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Quay trở lại với diễn biến thị trường chung, bên cạnh các cổ phiếu họ Vingroup, các mã trụ cột như VPB, FPT, BVH, CTG, ACB, SSI, MBB, MSN hay SAB đều đồng loạt bứt phá giúp các chỉ số hồi phục mạnh mẽ trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Canh Tý 2020, VN-Index tăng 31,75 điểm (2,93%) lên 1.114,93 điểm. Toàn sàn có 396 mã tăng, 57 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX-Index tăng 4,14 điểm (1,88%) lên 224,9 điểm. Toàn sàn có 151 mã tăng, 37 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,16 điểm (1,6%) lên 73,81 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm mạnh so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 14.426 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 605 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.162 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong top 10 về khối lượng khớp lệnh phiên 9/2 không có sự góp mặt của cổ phiếu bất động sản nào. Đây là điều hiếm khi xảy ra khi rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này thường xuyên ghi nhận khối lượng khớp lệnh rất lớn.

Khối ngoại diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi tiếp tục bán ròng 520 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại gồm VRE, NLG và HDG. Trong khi đó, KBC và PDR là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 93 tỷ đồng và 17 tỷ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thị trường dự báo sẽ có diễn biến khởi sắc trong những phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. VN-Index nhiều khả năng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự gần 1.140 - 1.150 điểm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, tuần giao dịch đầu tiên của thị trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có thể xuất hiện các nhịp biến động mạnh do ảnh hưởng từ ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 2 và hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market Index.

Về chiến lược đầu tư, BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục ở mức 50% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn. Do biến động khó lường về mặt thông tin và thị trường tài chính toàn cầu trong kỳ nghỉ lễ dài ngày nên các nhà đầu tư nên duy trì vị thế tiền mặt hợp lý để tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường và cũng là để chuẩn bị cho hoạt động giải ngân tăng tỷ trọng sau kỳ nghỉ Tết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top