Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần vẫn đi theo xu hướng tích cực, hàng loạt cổ phiếu trụ cột vẫn nhận được dòng tiền tốt và đồng loạt tăng giá, từ đó kéo các chỉ số thị trường tăng mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index tăng 17,19 điểm (2,16%) lên 813,73 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng, 140 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index cũng tăng 1,71 điểm (1,58%) lên 110,02 điểm. Toàn sàn có 89 mã tăng, 70 mã giảm và 83 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (1,03%) lên 52,91 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên ngày 8/5 có sự đồng thuận đi lên, trong đó, TCB được kéo lên mức giá trần, VPB tăng 6,5% lên 22.800 đồng/cp, SHB tăng 5,6% lên 17.000 đồng/cp, VCB tăng 5,5% lên 73,500 đồng/cp…
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột như PLX, VJC, MSN… cũng tăng giá mạnh. PLX tăng 4,2%, VJC tăng 4,2%, MSN tăng 3,7%. Các cổ phiếu chứng khoán bao gồm SSI, VCI, HCM cũng giao dịch tích cực sau thông tin Bộ Tài chính ban hành Thông tư 37/2020 quy định mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, từ 7/5 đến hết 31/12/2020, có 20/22 khoản phí, lệ phí được giảm 50% so với quy định tại biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư số 272 năm 2016.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc xanh cũng áp đảo đáng kể trong phiên hôm nay. Các cổ phiếu bất động sản lớn như VHM, VIC, VRE hay NVL đều tăng giá tốt, trong đó, VHM tăng đến 4,9% lên 70.900 đồng/cp, VIC tăng 1,6% lên 97.500 đồng/cp, VRE tăng 2% lên 25.300 đồng/cp, NVL tăng 1,5% lên 53.900 đồng/cp.
Các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ như NTB, PPI, BII, VNI, KHA, HIZ hay VRC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, DTA tăng 6,5%, VPH tăng 6,4%, FDC tăng 4,7%, NTC tăng 3,3%, NLG tăng 3,1%.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu bất động sản vẫn không đi theo xu hướng thị trường chung. CIG giảm sàn, CLG giảm 4,5%, ITC giảm 4,4%, LGL giảm 3,9%.
Thanh khoản thị trường chung duy trì ở mức rất cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 470 triệu cổ phiếu, trị giá 8.027 tỷ đồng. Trong đó, ITA là cổ phiếu bất động sản duy nhất lọt vào top khối lượng khớp lệnh của thị trường với 11,7 triệu cổ phiếu.
Một điểm tích cực nữa của thị trường trong phiên cuối tuần đó là khối ngoại chấm dứt chuỗi bán ròng 26 phiên liên tiếp trên HoSE với việc mua ròng trở lại 73 tỷ đồng. VHM là cổ phiếu bất động sản hiếm hoi lọt top mua ròng của khối ngoại với 48,9 tỷ đồng. Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản như VIC hay KDH đều bị bán ròng mạnh với giá trị lần lượt 103 tỷ đồng và 38,3 tỷ đồng.
Thêm vào đó, tự doanh của các công ty chứng khoán có phiên giao dịch đột biến khi mua ròng đến hơn 1.083 tỷ đồng, trong đó, họ tập trung mua ròng các cổ phiếu như VNM (120 tỷ đồng), VIC (90 tỷ đồng), HPG (88,4 tỷ đồng), VPB (76 tỷ đồng), FPT (62 tỷ đồng).
Theo chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5 có phiên giao dịch kỷ lục vào cuối tuần với thanh khoản lớn nhất hơn 276 nghìn hợp đồng và biên độ dao động cũng lớn nhất trong lịch sử là 69,4 điểm; qua đó đảo chiều basis từ dương sang âm 16,15 điểm, cho thấy bên mua đã chốt lời mạnh và rút khỏi thị trường.
Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (11/5 - 15/5), VN-Index có thể sẽ giằng co và đi ngang với biên độ khá rộng trong khoảng 780 - 860 điểm (fibonacci retracement 38,2% - 61,8%). Nhà đầu tư nếu đang nắm giữ cổ phiếu hạn chế mua đuổi trong giai đoạn này mà chỉ nên canh những phiên tăng điểm để giảm tỷ trọng cổ phiếu. Đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn chỉ nên tham gia trở lại nếu thị trường có nhịp chỉnh về quanh ngưỡng hỗ trợ 780 điểm (fibonacci retracement 38,2%) để bắt đáy một phần.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,5%. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,8% và 1,2%. Hang Seng của Hong Kong tăng 1%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 0,5% và 0,4%. Tại Đông Nam Á, Straits Times của Singapore tăng 0,01%, SET 50 của Thái Lan tăng 0,7% và KLCI của Malaysia tăng 0,4% trong khi Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,2%.