Aa

VNĐ được dự báo mất giá không quá 3% trong năm 2019

Thứ Bảy, 01/12/2018 - 14:00

Những ngày cuối năm, giá USD trong các ngân hàng thương mại giảm mạnh giúp tỷ giá có một năm tiếp tục trong mức kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Dự báo áp lực lên tỉ giá sẽ giảm bớt trong năm 2019.

Ngày làm việc cuối của năm 2018, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.825 đồng/USD. Tính ra, tỷ giá trung tâm đã tăng 1,87% so với cuối năm ngoái.

Giá USD ở các ngân hàng thương mại kết thúc năm 2018 phổ biến quanh mức 23.155 đồng/USD mua vào, 23.245 đồng/USD bán ra. Giá USD ở ngân hàng đã tăng thêm 500 đồng/USD so với cuối năm trước, tương đương mức tăng 2,19%.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam Phạm Hồng Hải nhìn nhận, năm 2018, điểm khác biệt cơ bản đối với VNĐ là trong khi các đồng tiền châu Á khác đã giảm giá trung bình 5-7% như đồng won của Hàn Quốc giảm 5,07%, đồng peso của Philippines giảm 4,99%, rupi của Indonesia giảm 6,62% và rupi của Ấn Độ giảm 9,58% hay đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm 6,43%... Trong khi đó, VNĐ giảm khoảng 2,7% tỷ giá thị trường và 1,48% tỷ giá trung tâm.

Dù có xu hướng giảm giá từ quý III-2018, VNĐ tiếp tục ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực do các yếu tố nội tại của nền kinh tế vẫn tốt. Với tính chất mùa vụ cuối năm, khi cầu USD để thanh toán thường tăng có khả năng xu hướng giảm giá của VNĐ sẽ tiếp tục. Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã tích cực chủ động sử dụng một số công cụ và chính sách để ổn định thị trường ngoại hối nhằm ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Do đó, khó có khả năng sẽ có những biến động lớn về VNĐ.

Ông Phạm Hồng Hải cho rằng Fed nhiều khả năng sẽ ngưng chu kỳ tăng lãi suất sau khi tăng 2 lần nữa trong năm 2019 nên đồng USD có thể không còn duy trì được xu hướng tăng giá so với các đồng tiền khác trong năm sau. Do đó, áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ cũng sẽ giảm, trừ trường hợp đồng nhân dân tệ mất giá mạnh.

Tỷ giá được dự báo sẽ bớt áp lực trong năm 2019. Ảnh: Linh Anh

Tỷ giá được dự báo sẽ bớt áp lực trong năm 2019. Ảnh: Linh Anh

Trong báo cáo Tổng quan về thị trường tài chính tiền tệ năm 2018 của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, cho thấy tỷ giá thị trường tự do đã tăng thêm khoảng 3,5% so với hồi đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ giá trong nước tăng do chỉ số đồng USD tăng khoảng 5% so với đầu năm và tăng tới 9% so với mức đáy hồi tháng 2-2018. Đồng thời, dù tỷ giá chịu áp lực từ phía lạm phát song lại được hỗ trợ tích cực từ phía cân đối cung cầu ngoại tệ.

Về diễn biến tỷ giá 2019, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cho rằng, áp lực lên tỷ giá sẽ được giảm thiểu so các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn. Cụ thể, khả năng đồng USD sẽ không tăng nhiều, thậm chí có thể suy yếu hơn. Lạm phát trong nước tiếp tục có thể kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hoá thế giới tăng không nhiều.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) phân tích, áp lực lên tỷ giá trong năm được dự báo bắt nguồn từ xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp diễn; diễn biến khó lường của đồng nhân dân tệ... Ở chiều ngược lại, áp lực này sẽ được giải toả khi tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc đều chậm lại do ảnh hưởg của biện pháp thuế quan. Làn sóng chuyển dịch một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại.

"Theo số liệu ghi nhận trong các năm qua, VNĐ đang có sức chống chọi khá tốt với những biến động khó lường của đồng nhân dân tệ, đặc biệt khi so sánh với các nước trong khu vực" - nhóm nghiên cứu của VCBS nhận định.

Ở góc độ nội tại, nguồn cung ngoại tệ mới vẫn khá lớn từ các thương vụ bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài đến từ cả khối doanh nghiệp tư nhân và nhà nước, vốn giải ngân FDI tăng khá... Do đó, áp lực tỷ giá dù vẫn hiện hữu nhưng với định hướng duy trì mức giảm giá của VNĐ trong khoảng hợp lý so với các nước trong khu vực và bảo đảm một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định nhằm thu hút vốn ngoại, VCBS kỳ vọng tỷ giá trung tâm VNĐ sẽ giảm giá không quá 3%.

Và để thực hiện mục tiêu này, Ngân hàng Nhà nước cần sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt, kết hợp hài hoà các công cụ và hạn chế mệnh lệnh hành chính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top