Aa

“Vỡ trận” thiết chế công đoàn - Không thể lấy nhiệt tình thay chuyên môn

Thứ Ba, 13/10/2020 - 13:45

Trong những bài trước, chúng tôi đã phân tích sâu về những bất cập, hậu quả khi tổ chức công đoàn làm chủ đầu tư và kiêm luôn việc quản lý, vận hành các thiết chế công đoàn. Vậy, tháo gỡ vướng mắc này như thế nào?

Lời tòa soạn:

Thực hiện Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, thời gian qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và nhiều địa phương trên cả nước đã triển khai xây dựng thiết chế công đoàn để hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động. Đây là một đề án nhân văn, nhận được rất nhiều kỳ vọng của hàng triệu công nhân trên cả nước.

Theo một con số thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ khi triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến nay, đã có khoảng 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đồng ý bố trí đất, mỗi khu đất có diện tích từ 1 - 5ha, đủ điều kiện, tiêu chí để xây dựng thiết chế công đoàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tiến độ xây dựng thiết chế công đoàn ở một số địa phương đang chậm hơn rất nhiều so với kế hoạch đặt ra. Hình ảnh về một khu nhà ở hiện đại, khang trang với đầy đủ tiện ích vẫn chỉ nằm trên bản vẽ, và hiện trạng lúc này chỉ là những bãi đất trống mênh mông cỏ mọc, những hạng mục thi công dang dở "cửa đóng then cài" xuống cấp trầm trọng. Con đường hiện thực hoá giấc mơ an cư cho người lao động là một hành trình dài chưa thấy ngày về đích ở phía trước...

Trên tinh thần nghiên cứu, Reatimes đã khảo sát hiện trạng các dự án tại một số địa phương, ghi nhận ý kiến các chuyên gia về vấn đề này và đăng tải trong tuyến bài: Nguy cơ "vỡ trận" thiết chế công đoàn.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Xây nhà từ… nóc

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ), mỗi khu thiết chế công đoàn phải có diện tích đất xây dựng (tối thiểu) từ 3 - 5ha, trong đó được đầu tư các khối chung cư nhà ở công nhân 5 tầng (khoảng 1.000 căn hộ); có các công trình công cộng như nhà văn hóa đa năng với sức chứa ít nhất 500 người, quảng trường trung tâm sức chứa 5.000 người, nhà điều hành của công đoàn khu công nghiệp và tư vấn pháp lý; khu vực thể dục thể thao, siêu thị công đoàn, nhà trẻ, hiệu thuốc, hệ thống dịch vụ phục vụ đời sống văn hóa xã hội của công nhân; vườn hoa, cây xanh và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác. Mục tiêu đề ra đến năm 2018 hoàn thành 10 thiết chế công đoàn; từ năm 2018 - 2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng 40 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và đến năm 2030 phấn đấu tất cả các KCN, KCX trên cả nước đều có thiết chế của công đoàn.

Mục tiêu rất cụ thể và hấp dẫn là vậy, thế nhưng bây giờ đã gần hết năm 2020 vẫn chưa có bất cứ một khu thiết chế công đoàn hoàn chỉnh nào được đưa vào sử dụng. Hiếm hoi có nơi hoàn thành được những công trình thành phần, như thiết chế công đoàn ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng hoàn chỉnh Nhà đa năng, Trường mầm non, sân, đường, điện, hệ thống cấp thoát nước và cây xanh…, thì lại cửa đóng then cài hoặc bỏ hoang. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết đã có 41 địa phương trong cả nước bố trí đất để xây dựng thiết chế công đoàn.

Đất không thiếu, tiền lại càng không thiếu, bởi sau khi kiểm toán thì toàn bộ quỹ công đoàn trên cả nước còn kết dư tới 29.000 tỷ đồng năm này qua năm khác không biết sử dụng vào việc gì và chỉ để gửi tiết kiệm ngắn hạn lấy lãi…, trong khi công nhân tại các KCN, KCX lại rất khó khăn về nhà ở. Nguyên nhân ách tắc ở đây như các bài trước chúng tôi đã đề cập là ở mặt pháp lý. Theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam và trong các dự án đã được phê duyệt, chủ đầu tư đều được giao cho LĐLĐ tỉnh, thành phố; trong khi LĐLĐ lại là cơ quan thuộc tổ chức chính trị - xã hội, nên theo quy định pháp luật thì không thuộc đối tượng được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư với mục đích xây dựng khu thương mại, nhà ở bán và cho thuê.

Một vấn đề pháp lý rất rõ ràng và cụ thể như thế nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam lại không nhìn ra, không tính đến, cho thấy Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” được xây dựng vội vàng, chưa tính toán thấu đáo nên thiếu cơ sở để thực hiện.

Phần lớn diện tích dự án thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) bị bỏ hoang. (Ảnh: Hữu Trà)

Điều này còn thể hiện ở việc cho đến nay vẫn chưa có cơ chế vận hành, quy chế cụ thể cho từng loại hình công trình, từ tiêu chuẩn được thuê, mua đến vận hành, duy tu, bảo trì… Chính vì vậy mà nhà đa năng ở Quảng Nam mới “làm xong rồi bỏ đó”, vì theo một cán bộ quản lý ở đây là do “lỡ cỡ cơ chế quản lý”. Do đó, việc các thiết chế công đoàn bị ách tắc trong khâu xây dựng nghĩ cho cùng lại là điều “mừng”, vì nếu có xây dựng xong thì cũng khó có thể đi vào hoạt động do chưa có cơ chế quản lý, và như vậy sẽ gây ra sự lãng phí vô cùng lớn.

Mục đích của các thiết chế công đoàn là phục vụ, cải thiện đời sống đoàn viên, công nhân lao động ở các KCN, KCX; do đó sau khi hoàn thành nó phải được vận hành, đưa vào sử dụng. Mà muốn đưa vào sử dụng, vận hành một cách trơn chu, hiệu quả thì phải có cơ chế quản lý, điều hành rõ ràng, khoa học, hợp lý, chuyên nghiệp và quy chế hoạt động chi tiết, cụ thể.

Đằng này, đầu tư đã không đúng pháp luật, cơ chế lại chưa rõ ràng, quy chế hoạt động cũng chưa có, tức là thiếu cơ sở nền tảng cho cả việc triển khai và hoạt động. Ấy vậy mà Tổng LĐLĐ vẫn ồ ạt triển khai trên phạm vi cả nước dẫn đến ách tắc cả trong khâu đầu tư xây dựng lẫn việc vận hành, đưa vào sử dụng, gây nên sự lãng phí lớn về đất đai, nguồn lực, khiến người ta nghĩ đến cách làm theo phong trào, lấy thành tích và thực chất chẳng khác gì… xây nhà từ nóc.

Không thể lấy nhiệt tình thay chuyên môn

Theo chúng tôi, hiện chủ yếu có ba vấn đề đang đặt ra đối với các thiết chế công đoàn. Đó là tính hợp pháp của chủ đầu tư; trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì công trình và hiệu quả hoạt động của các thiết chế.

Thứ nhất, về chủ đầu tư, hiện nay Tổng LĐLĐ Việt Nam vẫn giao LĐLĐ tỉnh, thành phố trực tiếp làm chủ đầu tư các thiết chế công đoàn trên địa bàn địa phương. Tuy nhiên, điều này là trái với các quy định của pháp luật như trên đã phân tích.

Để giải quyết vướng mắc này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn trực thuộc để tiếp tục xây dựng các thiết chế công đoàn. Điều này nếu được phép sẽ giải quyết được vướng mắc về mặt pháp lý, nhưng lại chưa chuẩn về chức năng. Bởi Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội có chức năng bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động, bây giờ lại đi “ôm” cả việc phát triển, quản lý và kinh doanh bất động sản, là chức năng của doanh nghiệp. Mặt khác, điều này sẽ dẫn đến cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi, là mảnh đất cho tham nhũng nảy sinh; đồng thời cũng đi ngược lại xu hướng tách chức năng kinh doanh ra khỏi bộ, ngành. Và một câu hỏi đặt ra, không hiểu sao Tổng LĐLĐ Việt Nam cứ thích “ôm” lấy cái công việc không thuộc chức năng, cũng không phải là sở trường, thậm chí còn tréo ngoe với chuyên môn của mình như thế?

"Luật Kinh doanh bất động sản quy định rõ ràng, đơn vị có năng lực phát triển nhà ở mới được triển khai xây dựng chứ không phải đơn vị nào có tiền là có thể làm. Ở đây cần có sự chuyên môn hóa, anh có thể giỏi làm kẹo nhưng chưa chắc có thể làm cái bánh xà phòng. Đó là hai câu chuyện khác nhau".

TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Thứ hai, về trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì công trình…, theo thông tin chúng tôi được biết thì công tác quản lý sau đầu tư hầu như được giao cho Công đoàn KCN, KCX, từ quản lý, sử dụng nói chung đến các công việc hết sức cụ thể như tổ chức hoạt động (đối với công trình công cộng), ký hợp đồng cho thuê tài sản (đối với nhà cho thuê, nhà trẻ, quầy thuốc, phòng khám, siêu thị…); riêng với nhà bán cho đoàn viên, công nhân lao động thì thành lập Ban tự quản gồm đại diện công đoàn KCN, KCX, chính quyền địa phương, tổ dân cư để quản lý… Đây là điều không khả thi và không hiệu quả, thậm chí sẽ gây ra hậu quả tệ hại.

Cán bộ công đoàn KCN, KCX đại đa số là không chuyên trách. Theo Luật Công đoàn thì doanh nghiệp có 1.000 công nhân mới có 1 cán bộ công đoàn chuyên trách và sau đó cứ thêm mỗi 1.500 lao động mới có thể thêm 1 cán bộ công đoàn chuyên trách. Còn đoàn viên, công nhân lao động làm việc theo kế hoạch và giờ giấc do chủ doanh nghiệp quy định, vậy lấy đâu ra nhân lực và thời gian để quản lý cả một khu phức hợp như vậy. Đó là mới chỉ nói đến việc quản lý chung chung, còn công việc vận hành cụ thể sẽ thế nào? Rồi khi xảy ra sự cố, hỏng hóc hay phải thực hiện sửa chữa, bảo trì… thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và thực hiện? Mà những công việc này nếu không được thực hiện thường xuyên, kịp thời thì công trình sẽ rất nhanh xuống cấp, hư hại, ảnh hưởng đến đời sống cư dân; lúc đó công việc bảo trì, sửa chữa lại càng phức tạp gấp bội phần… Còn nếu tổ chức Công đoàn lại đẻ ra bộ máy để làm các công việc trên thì vừa không đúng chức năng, trái pháp luật, vừa không hiệu quả, gây lãng phí và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đoàn viên, công nhân lao động ở các khu thiết chế công đoàn.

Thứ ba, điều mấu chốt là hiệu quả hoạt động của các thiết chế cũng cần phải được đặt lên hàng đầu. Nhà ở công nhân, nhà trẻ là hai công trình có tính thiết yếu, tuy nhiên cũng cần có cơ chế quản lý, tổ chức, vận hành khoa học, chuyên nghiệp mới có thể đem lại hiệu quả như trên đã phân tích. Còn các thiết chế khác như nhà đa năng, siêu thị, quầy thuốc, phòng khám, tư vấn pháp luật… lại cần có sự tính toán khoa học, hợp lý mới có thể phát huy tác dụng thiết thực, tránh rơi vào tình trạng không có thì thiếu, có thì thừa, không sử dụng đến hoặc sử dụng không hết công suất dẫn đến lãng phí. Thực trạng cửa đóng then cài của nhà đa năng và nhà trẻ ở thiết chế công đoàn KCN Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam là lời cảnh báo và bài học nhãn tiền mà Tổng LĐLĐ không thể bỏ qua.

Trường mầm non, nhà đa năng tại khu thiết chế công đoàn Quảng Nam cửa đóng then cài, nằm chờ xuống cấp. (Ảnh: Hữu Trà)

Nên nhớ, thiết chế công đoàn ở các KCN, KCX là một khu phức hợp trong một môi trường đặc thù. Điều đó đòi hỏi công tác quy hoạch, khai thác, quản lý… phải thật sự khoa học, hợp lý và đặc biệt phải có tính chuyên nghiệp mới có thể phát huy tác dụng, đạt được hiệu quả và phục vụ thiết thực đời sống đoàn viên, công nhân lao động.

Vì vậy, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của đoàn viên và cán bộ công đoàn là cần thiết, nhưng chỉ trong các hoạt động xã hội, có tính phong trào, chứ hoàn toàn không thể thay thế được chuyên môn, tính chuyên nghiệp cao trong công tác kinh doanh, quản lý, vận hành chung cư và các bất động sản khác ở khu thiết chế công đoàn. Bằng không, sự nhiệt tình ấy không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ra hậu họa khôn lường, thậm chí khó có thể khắc phục.

Vậy đâu là giải pháp?

Kết hợp ưu thế của ba “nhà”

Một lần nữa phải khẳng định, chủ trương xây dựng các thiết chế công đoàn tại các KCN, KCX là hết sức nhân văn, đúng đắn và rất cần thiết. Đây là công trình mang tính xã hội, tuy nhiên nó lại có tính chất kinh tế, kinh doanh nên phải vận hành theo quy luật kinh tế; và chỉ khi đạt được hiệu quả kinh tế mới có thể đạt được hiệu quả xã hội. Vì vậy, nó phải được tổ chức, quản lý, vận hành một cách khoa học, hợp quy luật chứ không phải chỉ bằng quyết tâm và sự nhiệt tình.

"Việc tạo ra những thiết chế công đoàn đó là chủ trương tốt, nhưng Công đoàn làm gì trong câu chuyện này là việc cần phải xác định lại, chứ không phải đứng ra làm chủ đầu tư. Đừng giao trái khoáy nhiệm vụ. Không có sở trường mà vẫn muốn làm thì sẽ rất lãng phí nguồn lực, không hiệu quả".

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Do đó theo chúng tôi, thay vì cố tìm cách hợp thức hóa công tác đầu tư để thúc đẩy tiến độ xây dựng các thiết chế như đang làm, điều cần thiết lúc này là Tổng LĐLĐ Việt Nam hãy nên ngồi lại xem xét, đánh giá toàn bộ công tác triển khai Đề án từ đầu đến giờ để phân tích đúng sai và tìm hướng đi đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó cần đặc biệt chú ý đến phương thức thực hiện. Hầu hết các chuyên gia và dư luận đều cho rằng, cần chuyên nghiệp hóa việc xây dựng và quản lý, vận hành nhà ở công nhân nói chung và thiết chế công đoàn nói riêng, chứ tổ chức Công đoàn không nên đứng ra làm chủ đầu tư, lại càng không nên trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành các công trình này.

 Khu thiết chế công đoàn Hà Nam cũng trong tình cảnh tương tự như tại Quảng Nam. (Ảnh: Ngọc Tiến)

Theo chúng tôi, phương án tối ưu cho việc thực hiện Đề án xây dựng thiết chế công đoàn là kết hợp thế mạnh và sở trường của ba “nhà”, đó là Tổ chức Công đoàn, địa phương và doanh nghiệp. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam huy động và hỗ trợ vốn, địa phương hỗ trợ về quỹ đất, doanh nghiệp đứng ra xây dựng, khai thác và vận hành.

Khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ đứng ra huy động, cung ứng một phần vốn, hoặc cũng có thể đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi. Địa phương bố trí quỹ đất sạch theo tiêu chuẩn để xây dựng thiết chế công đoàn. Sau đó Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức đấu thầu hoặc liên kết với doanh nghiệp phát triển bất động sản để đứng ra đầu tư, xây dựng và quản lý, kinh doanh các bất động sản; trong đó có thể giao một phần công trình công cộng hoặc nhà phục vụ hoạt động công đoàn cho tổ chức Công đoàn KCN, KCX quản lý, vận hành.

"Tôi cũng cho rằng, kế hoạch xây dựng thiết chế công đoàn hiện tại không phải là đứng trước nguy cơ vỡ trận nữa mà thực tế đã vỡ trận rồi. Để xây dựng được các khu nhà ở công nhân với hạ tầng đồng bộ, kết nối với các khu công nghiệp đòi hỏi rất nhiều vấn đề mà chúng tôi cho rằng, nó vượt tầm khả năng của Liên đoàn Lao động".

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế

Như vậy, tổ chức Công đoàn không cần đứng ra làm chủ đầu tư nhưng vẫn có thể hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động thông qua hỗ trợ về vốn. Công đoàn cũng không phải làm công việc quản lý, vận hành, bảo trì công trình vốn rất phức tạp, đòi hỏi tính chuyên nghiệp nhưng vẫn có thể tham gia mức độ nhất định trong việc xây dựng quy chế và xét duyệt tiêu chuẩn mua nhà, sử dụng các tiện ích… Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tháo gỡ hai nút mắc lớn nhất trong công tác phát triển bất động sản hiện nay là vốn và đất đai, đồng thời có trách nhiệm nghiên cứu, lập quy hoạch một cách khoa học, hợp lý để sử dụng quỹ đất một cách tiết kiệm, hiệu quả nhất, chứ không phải áp đặt một mô hình chung cho tất cả các thiết chế để rồi dẫn đến không sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất gây lãng phí. 

Còn đoàn viên, công nhân lao động được hưởng lợi bởi thiết chế công đoàn được hỗ trợ về vốn và quỹ đất sẽ giảm đáng kể giá thành, nên họ có thể được thuê, mua nhà với giá rẻ, hạ tầng đồng bộ, lại gắn với nơi sản xuất nên tiện cho việc đi lại. Đồng thời, việc giao cho doanh nghiệp có chuyên môn xây dựng, kinh doanh, quản lý, vận hành cũng bảo đảm duy trì chất lượng công trình và dịch vụ phục vụ cư dân - công nhân lao động, tạo ra tính ổn định, an toàn và bảo đảm đời sống công nhân lao động một cách tốt nhất.

Một phương án nhất cử ba bốn lợi như thế, thiết nghĩ Tổng LĐLĐ cũng nên xem xét, thay vì cứ khư khư ôm lấy việc “bao sân” toàn bộ thiết chế công đoàn, vừa không hiệu quả, gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến quyền lợi đoàn viên, công nhân lao động, lại bị đặt dấu hỏi về động cơ của việc ôm lấy công việc không phải là chuyên môn của mình./.

Bùi Văn Doanh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top