Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - mã: ACB) vừa công bố cáo báo kết quả phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới).
Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ tăng lên mức 44.667 tỷ đồng. Ngày kết thúc đợt phát hành là 3/6. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/6, sau khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán.
Như vậy, sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MBBank.
Tuy nhiên, ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn thành kế hoạch tăng vốn.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 15%, cổ đông ACB cũng được nhận cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% vào ngày 13/6. Tổng số tiền để ACB trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt cho cổ đông trong năm nay là 9.710 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2024, tín dụng ngân hàng ACB tăng 3,7% so với cuối năm 2023, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng toàn ngành và tăng trưởng tích cực hơn so với các tháng trước đó.
Về lợi nhuận trước thuế, ACB đạt khoảng 4.900 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2023, lợi nhuận 3 tháng đầu năm giảm nhẹ. Theo Tổng Giám đốc ACB Từ Tiến Phát, nguyên nhân là do tăng trưởng tín dụng cao nên trích lập dự phòng chung cao hơn cùng kỳ. Nhưng trong quý I/2024, ACB có khoản thu nhập bất thường khoảng 360 tỷ đồng từ việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Do đó, lợi nhuận ACB quý I/2024 vẫn đạt ở mức khả quan.
Ông Phát cũng cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của ACB hiện dưới 2% trên tổng dư nợ và không có nợ xấu. Cho vay mua nhà của ACB cũng chỉ ở mức dưới 22% trên tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chỉ ở mức khoảng 1%. Vì vậy, cấu trúc nợ cho vay của ngân hàng vẫn ở mức đảm bảo./.