Aa

Vốn dồi dào, nhưng "khe cửa" cho vay bất động sản vẫn hẹp

Thứ Hai, 16/10/2023 - 10:30

Nguồn vốn đang trong trạng thái dồi dào, nhưng các ngân hàng vẫn khó đẩy mạnh cho vay.

Một mặt do không thể hạ chuẩn tín dụng; mặt khác, từ tháng 10/2023, các ngân hàng vẫn tiếp tục phải thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được phép cho vay trung và dài hạn. Điều này cho thấy việc rót vốn cho các khoản vay dài hạn đang tiếp tục phải khép chặt hơn và khe cửa cho cho vay bất động sản vốn đang khó sẽ còn khó hơn.

Sốt ruột tìm kiếm khách hàng

Khái niệm về tổng dư nợ cho vay trung và dài hạn

Thông tư 08 là văn bản sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN. Hiện tại ngoài các nội dung sửa đổi, các nội dung khác của Thông tư 22 vẫn còn hiệu lực, trong đó có khái niệm tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn. Đó là dư nợ của các khoản cho vay có thời hạn còn lại trên 1 năm và dư nợ gốc bị quá hạn của khoản cho vay, ủy thác cho vay, số dư mua, đầu tư giấy tờ có giá, số dư ủy thác mua, đầu tư giấy tờ có giá theo quy định pháp luật.

Diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy các ngân hàng vẫn đang đối diện với tình trạng khó tìm đầu ra cho dòng vốn. Một trong những biểu hiện cho thấy, các ngân hàng vẫn sẵn sàng mua tín phiếu với lãi suất rất thấp để “tạm cất tiền”, trong những ngày gần đây.

Trong phiên đấu thầu ngày 12/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục phát hành tín phiếu hút vào gần 20 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở. Trước đó trong các ngày từ 9 đến 12/10, NHNN cũng đều đặn hút tiền từ thị trường mở thông qua bán tín phiếu với tổng giá trị trong những ngày lên tới gần 55 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý là lãi suất tín phiếu trong tuần thứ hai của tháng 10 đã quay đầu giảm so với tuần đầu tháng 10. Cụ thể trong tuần đầu tháng 10, lãi suất tín phiếu một của một số phiên đấu thầu đạt mức 1,28 - 1,3%, nhưng sang tuần thứ hai thì mặt bằng lãi suất giảm xuống chỉ còn bình quân khoảng từ 0,8 - 1%.

Cùng với lãi suất tín phiếu, lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cũng đang giảm thấp. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 0,37%, cũng có xu hướng giảm so với đầu tháng 10 (lãi suất qua đêm hôm 5/10 ở mức 1,32%). Ở các kỳ hạn khác, lãi suất kỳ hạn 1 tháng hiện đang ở mức khoảng 1,58%, kỳ hạn 3 tháng là 3,48%. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất huy động ngoài dân cư thậm chí còn đang mức cao hơn so với mức lãi suất trên, cụ thể lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng ngoài thị trường dân cư hiện đang phổ biến ở mức khoảng 3 - 4,4%; kỳ hạn 3 tháng khoảng 3,3 - 4,7%....

Trong bối cảnh hiện tại, NHNN và các ngân hàng thương mại vẫn khá sốt ruột trong việc đẩy mạnh tín dụng để khơi thông dòng vốn. NHNN cho biết hiện đang tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng các hình thức cấp tín dụng trên cơ sở ứng dụng công nghệ số. Ngành Ngân hàng cũng đang rà soát để giảm các thủ tục không cần thiết nhằm tạo thuận lợi hơn cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thế khó với bất động sản

Mặc dù dòng tiền dồi dào và ngành ngân hàng cũng khá nóng lòng tìm kiếm khách hàng, nhưng mặt khác, quan điểm của NHNN vẫn tỏ ra khá “cứng rắn” trong việc đảm bảo các yêu cầu về an toàn tín dụng. Mới đây, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, cho biết phía ngân hàng vẫn tiếp tục tháo gỡ các điều kiện thủ tục tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, việc này cũng có hai mặt. Một mặt khác nếu như ngân hàng không bảo đảm các yêu cầu tối thiểu trong điều kiện tín dụng có thể dẫn đến không an toàn lành mạnh các tổ chức tín dụng và an toàn tài chính quốc gia. “Vì thế, quan điểm NHNN là bảo đảm hài hòa an toàn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng” - ông Tú nói.

Hiện tại không những phải đảm bảo các yêu cầu tín dụng như trước đây, việc cho vay thậm chí đang bị bó hẹp hơn với các khoản vay dài hạn bởi kể từ tháng 10/2023, các ngân hàng buộc phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn từ 34% xuống 30%.

Đây là nội dung thực hiện theo lộ trình đã được quy định Thông tư số 08/2020/TT-NHNN. Theo nội dung tại Thông tư 08, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình giảm dần từ 40% thời điểm năm 2020 dần xuống mốc 30%. Lộ trình giảm dần theo từng năm và mốc thời gian rơi vào tháng 10 hàng năm trong suốt giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023.

Ông Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - tài chính cho biết, với việc thực hiện quy định tại Thông tư 08, trước đây 100 đồng vốn huy động ngắn hạn sẽ được cho vay 34 đồng trung và dài hạn, nhưng giờ sẽ chỉ được cho vay 30 đồng. Với quy mô huy động toàn nền kinh tế hàng triệu tỷ đồng thì con số 4% bị giảm đi như trên cũng là số tiền khá lớn.

Với tính chất này, các ngân hàng sẽ đối diện với những khó khăn trong việc giải ngân vốn cho các dự án trung và dài hạn. Theo đó, kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ dễ thở hơn nhờ dòng năng lượng mới từ ngân hàng có thể chưa thể thành hiện thực, do vốn cho vay bất động sản phần lớn là vốn trung và dài hạn. Trong đó, việc cho vay ở cả góc độ dự án và góc độ cho vay người mua nhà đều phải đối diện với những hạn chế này do chính các ngân hàng cũng đang bị trói chân bởi việc phải thực hiện lộ trình tại Thông tư 08.

Trước áp lực đang gia tăng như trên, vừa qua một số doanh nghiệp bất động sản có kiến nghị đề xuất hoãn áp dụng Thông tư 08 để giảm bớt khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên gia độc lập, ông Hiếu cho biết, việc vẫn thực hiện Thông tư 08 theo lộ trình là cần thiết, vì vốn huy động ngắn hạn nếu sử dụng tỷ lệ lớn cho vay trung và dài hạn sẽ là yếu tố rất rủi ro cho hoạt động ngân hàng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top