Điều này cho thấy, cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng đều tin tưởng vào tiềm năng thị trường này. Tất nhiên, dòng vốn đã chọn lọc hơn trước.
Ngân hàng vẫn chuộng cho vay bất động sản
Vài tháng gần đây, các ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay mua nhà dành cho cá nhân. Trong bối cảnh tín dụng doanh nghiệp èo uột, cho vay mua nhà với cá nhân và cho vay một số dự án bất động sản lớn đang được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. Mặt bằng lãi suất giảm cũng hỗ trợ cho tín dụng lĩnh vực này phục hồi. Hiện lãi vay mua nhà chỉ còn 6 - 9%/năm, giảm 1 - 2%/năm so với đầu năm. Đặc biệt, các ngân hàng cũng linh hoạt hơn trong chấp thuận nguồn thu trả nợ, giúp khách hàng dễ dàng vay vốn hơn.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank khẳng định, nếu quản lý tốt, bất động sản không gây rủi ro cho ngân hàng. Ngược lại, đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời cao.
“Chúng tôi đánh giá cho vay mua nhà là mảng quan trọng, bởi ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất, người ta có thể bán cổ phiếu, bán tài sản khác chứ ngôi nhà thì vẫn giữ, nên phải chú trọng vào lĩnh vực này”, ông Vinh khẳng định.
Chiến lược xoay chuyển qua tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã góp phần giúp VPBank giữ được nhịp độ tăng trưởng trong năm nay, bất chấp dịch bệnh. VPBank là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room tín dụng lên 19 - 23% năm nay, dù tín dụng toàn hệ thống nhiều khả năng chỉ tăng 9%.
Được biết, ngoài cho vay cá nhân mua nhà, sửa nhà, cho vay các dự án của một số doanh nghiệp lớn, phân khúc được nhiều ngân hàng nhắm tới hiện nay là bất động sản công nghiệp, nhằm đón trước xu thế đầu tư của doanh nghiệp FDI. Ông Lê Duy Hải, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp VietinBank cho hay, VietinBank đang chủ trương đẩy mạnh tín dụng khu công nghiệp, bởi đây là ngành dự báo là ngành được hưởng lợi trực tiếp và mạnh mẽ nhất từ các hiệp định thương mại tự do như Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã có hiệu lực, đón đầu xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tái cơ cấu, mở rộng đầu tư của các nhà sản xuất lớn trên thế giới.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng TMCP khẳng định, dù đẩy mạnh tín dụng bất động sản hơn giai đoạn trước, song ngân hàng lựa chọn dự án, nhà đầu tư kỹ càng hơn trước rất nhiều, tỷ trọng các khoản vay bất động sản hiện cũng không quá lớn (trên dưới 10% tổng dư nợ tín dụng của mỗi ngân hàng). Hơn nữa, các khoản vay bất động sản đều được áp dụng hệ số rủi ro cao theo quy định. Vì vậy, dù dư nợ bất động sản có nhích lên nhưng vẫn ở ngưỡng an toàn.
Thực tế, dù tín dụng bất động sản đã ấm lên, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng cả nước (6 tháng đầu năm tín dụng bất động sản tăng khoảng 1,5%). Hiện tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện chỉ chiếm dưới 7% tổng dư nợ nền kinh tế, song theo giới chuyên gia, nếu tính một cách đầy đủ, quy mô tín dụng bất động sản đang chiếm ít nhất hơn 20% tổng dư nợ nền kinh tế.
Doanh nghiệp đa dạng hóa kênh huy động vốn
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản vẫn khá khó khăn. Từ năm 2015, khi NHNN đưa ra lộ trình siết tín dụng bất động sản, HoREA đã khuyến nghị các doanh nghiệp hội viên đa dạng giải pháp gọi vốn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gọi vốn nước ngoài. Các nguồn vốn này đã bù đắp phần nào sự thiếu hụt về vốn của doanh nghiệp bất động sản.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, trái phiếu doanh nghiệp tăng rất mạnh, trong đó nhóm doanh nghiệp bất động sản chính thức vượt mặt ngân hàng, dẫn đầu về khối lượng phát hành. Về vốn FDI, trong 8 tháng đầu năm nay, vốn FDI đổ vào bất động sản cũng đứng thứ 3 trong số các ngành nghề, chỉ sau lĩnh vực chế biến chế tạo và sản xuất điện.
Nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là bị chuyển nhóm nợ, rơi vào nợ xấu. Vì vậy, việc NHNN tiếp tục gia hạn việc giãn, hoãn nợ là rất cần thiết với doanh nghiệp. Riêng với các khoản vay mới, vừa qua, NHNN và các ngân hàng thương mại đã giảm thêm lãi suất, song tác động với doanh nghiệp không nhiều, bởi doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận vốn nếu ngân hàng vẫn giữ nguyên chuẩn vay như cũ. Chúng tôi đã có công văn kiến nghị với NHNN cần có cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với giai đoạn này, bởi Covid - 19 đã đưa nền kinh tế vào trạng thái chưa bao giờ xảy ra, giống như thiên tai, địch họa, nếu vẫn giữ nguyên điều kiện vay như cũ, doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Đối với nguồn vốn vay từ ngân hàng, quan điểm của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực rủi ro. Tuy nhiên, NHNN cũng chỉ “thổi còi” những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản quá lớn, nhất là các phân khúc bất động sản rủi ro cao. Tỷ trọng tín dụng bất động sản với liều lượng như hiện nay, theo đánh giá của cơ quan quản lý, “là chưa đáng ngại”.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, bất động sản luôn là lĩnh vực ưa thích của các ngân hàng, bởi lợi nhuận tốt, tài sản thế chấp có giá trị và có tính thanh khoản cao. Nếu chủ đầu tư và ngân hàng đều minh bạch, cho vay bất động sản không hề đáng sợ, thậm chí nợ xấu còn thấp hơn một số lĩnh vực khác. Theo chuyên gia này, tiềm năng của thị trường bất động sản vẫn rất lớn, trước mắt là phân khúc bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Về lâu dài, khi nền kinh tế phục hồi, các phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phát triển mạnh theo.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định, thời gian tới, nguồn vốn đổ vào bất động sản sẽ tiếp tục tăng, bao gồm cả vốn ngân sách, vốn ngân hàng lẫn vốn tư nhân, vốn FDI… Nguyên nhân trước hết là kinh tế sẽ phục hồi, thu nhập của người dân tăng. Thứ hai là dòng vốn FDI tiếp tục được thu hút mạnh nhờ xu hướng chuyển dịch đầu tư và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Thứ ba, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng trong 1 - 2 năm tới cũng sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, khiến doanh nghiệp bất động sản dễ dàng huy động vốn hơn.