Aa

Vốn Viettel Global “tự bốc hơi nghìn tỷ”?!

Thứ Sáu, 18/05/2018 - 01:21

Mặc dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ở thị trường quốc tế gấp 6 lần năm trước nhưng do chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chênh lệch tỷ giá… dẫn đến lỗ tài chính hàng nghìn tỷ đã “bào mòn” lợi nhuận của Viettel Global?

Giấc mơ “hàng khủng” trên thị trường chứng khoán!

Tháng 11/2017, Tổng Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua đăng ký giao dịch chứng khoán trên Hệ thống giao dịch chứng khoán chưa niêm yết UPCoM.

Theo đó, Viettel Global sẽ thực hiện lưu ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) và đăng ký giao dịch trên UPCoM toàn bộ 2.243.811.200 cổ phiếu. Ở thời điểm đó, thông tin này như một làn gió mới “hứa hẹn” sẽ đưa Viettel Global trở thành doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất trên sàn UPCoM nhưng đến nay mọi thông tin về cổ phiếu của doanh nghiệp này vẫn chưa được lộ diện.

Metfone chính thức chuyển sang một hình ảnh mới trẻ trung, tươi mới hơn

Tăng trưởng doanh thu của Viettel Global là nhờ các dịch vụ viễn thông di động như 4G, ví điện tử và dự án công nghệ thông tin phục vụ khách hàng doanh nghiệp, Chính phủ... (ảnh minh họa)

Viettel Global được thành lập vào cuối năm 2006 với vốn điều lệ 960 tỷ đồng. Hoạt động chính là đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ viễn thông ở nước ngoài. Công ty là thành viên của Tập đoàn Viễn thông Quân đội, đơn vị đang nắm giữ 98,68% vốn điều lệ và hiện đang hoạt động tại 9 thị trường nước ngoài. Dự kiến đầu năm 2018, Tổng công ty sẽ chính thức “tiến quân” vào thị trường thứ 10 - Myanmar nhưng đến nay chưa có thông tin gì mới. 

Năm 2017, công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động đầu tư và kinh doanh tại 9 thị trường quốc tế của Viettel Global đạt 19.023 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016. Kết quả này chủ yếu đến từ tăng trưởng doanh thu các dịch vụ viễn thông di động như 4G, ví điện tử và dự án công nghệ thông tin phục vụ khách hàng doanh nghiệp, Chính phủ....

Vì đâu mà vốn cứ dần “bốc hơi”?

Kết thúc năm 2017, Viettel Global lãi trước thuế 26,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí thuế thu nhập ròng (sau khi đã trừ thu nhập từ thuế) lên đến 508 tỷ đồng đã khiến cho Viettel Global lỗ sau thuế 481 tỷ đồng.

Tổng lỗ lũy kế của Viettel Global 2017 lên đến 3.452 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,1% so với năm 2016. Phần lớn chi phí tài chính là lỗ chênh lệch tỷ giá (2.732 tỷ đồng).

Năm 2017, chi phí quản lý doanh nghiệp của Viettel Global ở mức 2.590 tỷ đồng, tăng tới 64%; trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp là 1.767 tỷ đồng, tăng 43%. Thêm vào đó, tổng công ty cũng ghi nhận khoản lỗ khác gần 35 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng tài sản của Viettel Global đạt 51.966 tỷ đồng, tăng 11%. Phần lớn tài sản của Viettel Global tập trung ở tài sản cố định (14.453 tỷ đồng), các khoản phải thu dài hạn (10.087 tỷ đồng), các khoản phải thu ngắn hạn (7.257 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết năm 2017 của Viettel Global ở mức 18.458 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% sau một năm. Nợ phải trả ở mức 33.508 tỷ đồng, tăng 18%; trong đó tổng nợ vay ở mức 19.894 tỷ đồng, giảm gần 6%.

Bên cạnh đó, kiểm toán độc lập đã chỉ ra rằng, không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp của Công ty Telecommunication D'Haiti S.A (Teleco) góp vốn để thành lập Nation Teleocm S.A (NATCOM) với tổng số tiền khoảng 556 tỷ đồng, trong đó chủ yếu được thể hiện ở khoản mục Nguyên giá tài sản cố định vô hình với số tiền 137 tỷ đồng và khoản mục nguyên giá hữu hình với số tiền khoảng 419 tỷ đồng trên bảng cân đối kế toán hợp nhất năm. Giá trị tài sản này được xác định trên một báo cáo định giá năm 2008 và chưa được đánh giá lại sau lần động đất tại Haiiti vào ngày 12/1/2010 được cho là đã vô tình làm thiệt hại tài sản và vốn. Do đó, kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các số liệu này hay không.

Nếu tình trạng khó khăn trong quá trình thu thập các bằng chứng kiểm toán vẫn còn tiếp diễn thì trong tương lai việc Viettel Global sẽ mất thanh khoản là điều có thật.

Bởi khả năng thanh khoản của Viettel Global tại thời điểm 31/12/2017 cũng là vấn đề rất đáng cảnh báo. Theo đó, nợ ngắn hạn của Viettel Global thời điểm cuối năm 2017 là 21.959 tỷ đồng (tăng gần 20% so với thời điểm đầu năm) và chiếm 2/3 tổng nợ phải trả toàn doanh nghiệp (33.508 tỷ đồng). Trong khi đó tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp lại sụt giảm gần 10% từ hơn 20.969 tỷ đồng xuống chỉ còn 18.669 tỷ đồng. Điều này khiến cho nợ ngắn hạn vượt quá 14,98% tài sản ngắn hạn.

Trong trường hợp hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Viễn thông Quân đội không thể khắc phục, đặc biệt là các khoản đầu tư tại nước ngoài thì sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới khả năng cân đối dòng tiền của doanh nghiệp. Trường hợp xấu nhất xảy ra, vấn đề Viettel Global có thể phải đối mặt trước tiên là mất thanh khoản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top