Aa

Vụ 13 ki ốt "án ngữ" dự án vị trí kim cương ở Hà Nội: Chủ đầu tư làm đơn khởi kiện ra Tòa án

Thứ Hai, 12/05/2025 - 15:00

Trước việc các chủ sở hữu 13 ki ốt không chịu di dời, bàn giao mặt bằng, chủ đầu tư dự án tại địa chỉ 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân.

Liên quan tới sự việc 13 ki ốt không được di dời, nằm "án ngữ" trong khu đất thực hiện dự án Tòa nhà hỗn hợp thương mại dịch vụ văn phòng, khách sạn và căn hộ để bán tại địa chỉ 108 Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), thông tin tới phóng viên Reatimes, chủ đầu tư dự án là Công ty CP Bất động sản Hoa Anh Đào (viết tắt là Công ty Hoa Anh Đào) cho biết, đầu tháng 4 vừa qua, Công ty đã chính thức gửi đơn khởi kiện các chủ ki ốt trên tới Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Trong đơn khởi kiện gửi Tòa án, Công ty Hoa Anh Đào cho biết, căn cứ các Quyết định của UBND TP. Hà Nội và Biên bản bàn giao mốc giới của cơ quan chức năng, 6.973m2 đất số 108 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (bao gồm cả diện tích đất các ki ốt được đánh số từ 80-100 Nguyễn Trãi) đang thuộc thẩm quyền sử dụng hợp pháp của Công ty Hoa Anh Đào để thực hiện dự án. Công ty Hoa Anh Đào đã có nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân đang sử dụng 13 ki ốt nêu trên di dời, bào giao cho công ty thực hiện dự án nhưng không được thực hiện. Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện dự án và gây thiệt hại không nhỏ cho Công ty Hoa Anh Đào.

Vụ 13 ki ốt "án ngữ" dự án vị trí kim cương ở Hà Nội: Chủ đầu tư làm đơn khởi kiện ra Tòa án- Ảnh 1.

Khối nhà 3 tầng mặt đường Nguyễn Trãi chiếm một phần diện tích đất thuộc dự án 108 Nguyễn Trãi hiện chưa thể phá dỡ do 13 ki ốt ở tầng 1 của khối nhà chưa di dời. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Công ty Hoa Anh Đào dẫn chứng, ngày 20/2/2025, UBND phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân đã tổ chức hòa giải giữa các bên và thông báo buổi hòa giải không thành, hướng dẫn các bên có quyền lợi khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Theo nội dung cuộc họp ngày 20/2 trên và các tài liệu các bên có liên quan cung cấp thể hiện: Thứ nhất, diện tích đất các ki ốt được đánh số từ 80-100 Nguyễn Trãi và tài sản gắn liền với đất trước đây thuộc sử dụng của Công ty Dụng cụ số 1 tại địa chỉ 108 Nguyễn Trãi theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 4/12/2001 của UBND TP. Hà Nội.

Thứ hai, năm 1992, được sự đồng ý của Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương), Nhà máy Dụng cụ số 1 (nay là Công ty Dụng cụ số 1) đã ban hành Quyết định gọi vốn xây dựng cho thuê dài hạn một số gian hàng thuộc tầng 1, số 10/DC/HĐXN ngày 18/12/1991 của Nhà máy Dụng cụ số 1 có nội dung: Nhà máy Dụng cụ số 1 xây dựng dãy nhà 3 tầng Ga xe điện - cầu mới; diện tích một phòng là 32,4m2, giá tham gia góp vốn thuê nhà: một gian là 20 cây vàng 98% tính cho diện tích sử dụng phòng 32,4m2.

Thứ ba, ngày 08/04/1992, Bộ Công nghiệp nặng có Công văn số 1053/CNNg-XDCB về việc xây dựng công trình trên mặt bằng Ga xe điện có nội dung: "Phải xây dựng và sử dụng đúng theo thiết kế và mục đích sử dụng, không biến thành nhà ở sở hữu cá nhân. Về vốn - vốn tự bổ sung của xí nghiệp phải báo cáo rõ nguồn huy động. Ngoài ra có thể huy động nguồn khác như hình thức góp vốn cho thuê dài hạn các gian hàng tầng 1, nhưng phải ghi rõ cụ thể giá cả, thời gian cho thuê và nội dung sử dụng. Bộ giao cho ông Vụ trưởng Vụ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản kiểm tra đầy đủ nội dung đã nêu trên báo cáo lãnh đạo Bộ cho ý kiến mới được thi công tiếp".

Thứ tư, căn cứ Quyết định số 10/DC/HĐXN ngày 18/12/1991 của Nhà máy Dụng cụ số 1 và Công văn số 1053/CNNg-XDCB ngày 08/04/1992 của Bộ Công nghiệp nặng, Nhà máy Dụng cụ số 1 đã ký các Hợp đồng kinh tế góp vốn xây dựng và cho thuê các ki ốt được đánh số từ 80-100 Nguyễn Trãi. Theo các Hợp đồng kinh tế Nhà máy Dụng cụ số 1 đã ký, bên góp vốn cam kết sử dụng gian nhà thuê làm nơi kinh doanh dịch vụ, không chuyển nhượng cho chủ thể khác nếu không được sự đồng ý của Nhà máy Dụng cụ số 1 và Quyết định của Bộ chủ quản.

Thứ năm, các ki ốt được đánh số từ 80-100 Nguyễn Trãi không được Nhà máy Dụng cụ số 1 giao quyền sử dụng đất, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi vậy, tại thời điểm UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 5256/QĐ-UBND ngày 25/10/2010 về việc thu hồi 18.531m2 đất do Công ty Dụng cụ số 1 đang sử dụng (trong đó bao gồm phần diện tích tồn tại 13 ki ốt) để giao cho Công ty Nhà Hà Nội, các tổ chức sử dụng 13 ki ốt phải có trách nhiệm bàn giao mặt bằng cho Công ty Nhà Hà Nội, không được phép tiếp tục sử dụng, khai thác kinh doanh đối với các ki ốt này. 

Theo đơn khởi kiện của Công ty Hoa Anh Đào, mặc dù đã nhiều lần được thông báo, yêu cầu di dời nhưng các tổ chức, cá nhân sử dụng ki ốt vẫn chây ỳ, không chịu di dời, bàn giao lại mặt bằng mà tiếp tục sử dụng khai thác kinh doanh.

Từ hồ sơ pháp lý dẫn chứng trên và căn cứ các Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Công ty Hoa Anh Đào đề nghị Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân giải quyết yêu cầu: Buộc các chủ ki ốt phải di dời tài sản, bàn giao mặt bằng cho Công ty Hòa Anh Đào.

Ở góc độ pháp lý, sau khi nghiên cứu tài liệu liên quan, luật sư Phạm Anh Hùng (Công ty Luật Bizlawyer & Partners, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, phần diện tích đất tồn tại 13 ki ốt hiện nay thuộc phạm vi đất của Nhà nước, được giao cho Nhà máy Dụng cụ số 1 và được ghi nhận tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 04/12/2001 của UBND TP. Hà Nội. Do đó, Công ty Hoa Anh Đào có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng 13 ki ốt nằm trên phần diện tích dự án di dời, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Về hướng giải quyết sự việc này, luật sư Hùng cũng cho rằng, các tranh chấp nêu trên trước tiên cần được giải quyết trên cơ sở đàm phán, thương lượng giữa chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân sử dụng 13 ki ốt, trên tinh thần thiện chí, hợp tác và thượng tôn pháp luật. Trong trường hợp không hòa giải được, chủ đầu tư có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết, buộc các tổ chức, cá nhân di dời, bàn giao lại mặt bằng cho chủ đầu tư.

Theo đó, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Trường hợp hành vi thuộc các tình tiết định khung như chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tẩu tán tài sản, mức phạt có thể áp dụng là phạt tù 2 - 5 năm.

Cuối tháng 4 vừa qua, ông B.S.L. - chủ ki ốt 01 (đánh số 90 Nguyễn Trãi) và đại diện Công ty Hoa Anh Đào đã ký Biên bản thỏa thuận và Biên bản bàn giao tài sản trên đất. Theo đó, ông L. sẽ chấm dứt quyền sử dụng, khai thác ki ốt 01 trên và bàn giao tài sản trên đất cho đại diện Công ty Hoa Anh Đào thực hiện dự án tại số 108 Nguyễn Trãi. Ki ốt này có diện tích 32,4m2, kết cấu bê tông cốt thép. Theo biên bản bàn giao, kể từ khi tiếp nhận, ki ốt này sẽ do Công ty Hoa Anh Đào toàn quyền định đoạt để thực hiện dự án theo quy định pháp luật.

Ở một diễn biến khác, Trung tâm thương mại và dịch vụ - Chi nhánh Tổng công ty Vận tải Hà Nội cũng có văn bản phúc đáp công văn thông báo bàn giao mặt bằng và cảnh báo an toàn thi công của Công ty Hoa Anh Đào. Theo đó, Trung tâm này cho biết, việc bàn giao mặt bằng ki ốt (đánh số 80 Nguyễn Trãi) sẽ được doanh nghiệp thực hiện đúng trình tự, thủ tục và quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và có thể bàn giao cho đơn vị có đủ thẩm quyền.

Do đó, Trung tâm đề nghị Công ty Hòa Anh Đào cung cấp các văn bản, hồ sơ pháp lý liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để có căn cứ báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về việc tiến hành thu hồi, bàn giao tài sản Nhà nước của doanh nghiệp.

Phía đại diện Công ty Hoa Anh Đào cũng cho biết đang phối hợp, cung cấp tài liệu cho Trung tâm thương mại và dịch vụ để sớm thực hiện bàn giao mặt bằng ki ốt này.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top