Aa

Vụ 300 khách hàng “kêu cứu” khi mua đất nền Đồng Nai: 15 ngày không nộp đủ tiền thì mất “cọc”

Thứ Ba, 19/09/2017 - 20:03

Chia sẻ thêm với Reatimes về những thủ đoạn của 2 công ty môi giới “đặt bẫy” khoảng 300 khách hàng mua đất nền tại Đồng Nai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho biết, các công ty này đưa ra điều khoản đặt cọc oái oăm, trong vòng 15 ngày nếu không nộp đủ số tiền thì người dân coi như “mất trắng”.

Lăm le "mồi sữa"

Đồng Nai đang được ví như con “mồi sữa” đối với giới đầu tư, kinh doanh BĐS khi nơi này hiện thu hút gần 300 dự án BĐS của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có những dự án có quy mô vốn lên tới hàng tỷ USD, như dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng tại Biên Hòa của Donacoop, với tổng vốn đầu tư dự kiến 12 tỷ USD; dự án Đông Sài Gòn có quy mô diện tích 759 ha với tổng vốn đầu tư 6 tỷ USD của Tín Nghĩa…

Nhơn Trạch chiếm 32% tổng nguồn cung các dự án nhà, tiếp theo là Long Thành, Trảng Bom và Biên Hòa với 17% mỗi khu vực, phần còn lại thuộc về huyện Vĩnh Cửu và Thống Nhất.

Trong đó, phân khúc đất nền tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với xấp xỉ 93% thị phần nhờ cú hích hạ tầng kết nối cũng như tính thanh khoản cao. Số lượng đất nền chiếm đến 97% tổng nguồn cung của Đồng Nai, chỉ có một phần nhỏ căn hộ và nhà liền kề/biệt thự có ở Biên Hòa và Nhơn Trạch thuộc về những dự án phát triển từ 3 - 5 năm trước.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 5.900km2, nằm ở vị trí chiến lược liền kề TP.HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là sự lựa chọn thích hợp trong khuynh hướng dịch chuyển về các địa phương lân cận để có chốn an cư khi mà giá đất nền tại TP.HCM đã vượt quá khả năng chi trả của nhiều người dân.

thị trường địa ốc Đồng Nai trong vòng một năm trở lại đây rất hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp và cá nhân là bởi sự đầu tư, cải thiện về hạ tầng.

Thị trường địa ốc Đồng Nai trong vòng một năm trở lại đây rất hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp và cá nhân là bởi sự đầu tư, cải thiện về hạ tầng.

Đánh giá về thị trường này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng: “Nếu theo tiêu chuẩn của các nước trên thế giới, khái niệm thành phố vệ tinh có khoảng cách từ 100km thì Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch, kể cả sắp tới là Trảng Bom có thể được xem như ngoại ô TP.HCM”.

Một số các chuyên gia khác cũng nhận định, thị trường địa ốc Đồng Nai trong vòng một năm trở lại đây rất hấp dẫn các nhà đầu tư thứ cấp và cá nhân là bởi sự đầu tư, cải thiện về hạ tầng, giúp Đồng Nai thuận lợi trong việc kết nối với các khu vực lân cận. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt xây dựng cầu Cát Lái kết nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch. Cây cầu này được kỳ vọng “đánh thức” vùng đất Tây Bắc của huyện Nhơn Trạch, đặc biệt các vùng cảng của huyện sẽ được kết nối thuận tiện hơn.

Đặc biệt, chủ trương xây dựng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, một dự án quan trọng cấp quốc gia, với công suất dự kiến 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đã gia nhiệt cho sự hứng khởi của giới đầu tư, kinh doanh đối với BĐS Đồng Nai, nhất là các khu vực xung quanh sân bay Long Thành.

"Cò mồi" yêu cầu đặt cọc 50 - 70% giá trị sản phẩm

Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, cơ hội luôn đi cùng rủi ro. Lợi dụng tính tiềm năng của thị trường BĐS Đồng Nai, nhiều cá nhân, đơn vị hoạt động không chính danh đã dùng nhiều thủ đoạn "đặt bẫy" khách hàng, khiến khách hàng hoang mang và gây nhiễu loạn thị trường. Trong đó, ông Châu bức xúc đề cập đến vụ việc 300 khách hàng bị lừa khi tin theo lời của 2 công ty môi giới mua đất nền tại Đồng Nai.

ông Châu cảnh báo: “Khi mua sản phẩm hình thành tong tương lai, khách hàng chỉ cần yêu cầu

Ông Châu cảnh báo: “Khi mua sản phẩm hình thành trong tương lai, khách hàng chỉ cần yêu cầu có giấy xác nhận của Sở Xây dựng".

Chia sẻ thêm về vụ việc, ông Châu cho biết, năm ngoái tại một hội thảo chính ông đã có phát biểu về những công ty này một lần. “Công ty môi giới làm sao được ký hợp đồng bán nhà, bán nền, mà sao họ vẫn làm? Điều 13 Luật KD BĐS không cho phép chủ đầu tư ủy quyền cho Công ty môi giới bán hàng nhưng họ vẫn bán. Bất cập nhất là những đơn vị này khi đã “dụ” được khách hàng thì dùng chiêu trò đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để không truy được dự án của ai, vẽ lại quy hoạch 1/500 của dự án, thêm tiện ích mà dự án không có, nâng giá bán lên gấp rưỡi đến gấp đôi, sử dụng cò mồi, thậm chí xã hội đen để uy hiếp khách hàng khi người ta đấu tranh bảo vệ quyền lợi...”, ông Châu bức xúc.

Theo ông Châu, chỉ ở những công ty môi giới có mục tiêu lừa khách hàng, xuất phát từ những “cò đất” không có chứng chỉ hành nghề, công ty thì chỉ có tấm biển dựng ven đường mang tính thông báo mới có kiểu làm ăn lừa đảo khách hàng với những thủ đoạn ghê gớm như vậy, còn những công ty môi giới đàng hoàng không có tình trạng này.

“Người dân mình đôi khi dễ bị đánh đòn tâm lý. Thí dụ chim mồi của các công ty này bảo ở quận 2 Sài Gòn có sản phẩm vừa túi tiền, người dân ai mà không thích, rồi được hẹn lên xe đưa đi xem dự án, trên xe có 1 - 2 người là chim mồi. Khi đưa lên tới quận 2, quận 9, “cò” nói dự án hết hàng rồi sau đó lại bảo khách hàng đi xem dự án khác để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Theo lời chim mồi, khách hàng được đưa ra Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai, được tiếp đãi trong 1 khu rất hoàng tráng, có hệ thống chiếu sáng công cộng... nhưng chỉ tại 1 đoạn đường thôi chứ không phải toàn bộ hạ tầng. Trong khi người dân đâu có biết dự án đủ điều kiện bán phải làm hết hệ thống đường xá nên sập bẫy.

Với những người đã lỡ ký hợp đồng nhưng chưa có tiền đóng, “đám cò” lại cho người đi đến tận nhà để lấy tiền. Vấn đề là các hợp đồng giữa khách hàng với những công ty này được ký bằng hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, hợp tác đầu tư, góp vốn. Mà hình thức đó theo quy định không được phép trong kinh doanh BĐS. Điều khoản đặt cọc 2 công ty này đưa ra cũng rất oái oăm là đặt tới 50 – 70% giá trị hàng hóa được bán, nếu trong 15 ngày mà không nộp tiền đợt tiếp theo thì sẽ bị mất luôn tiền cọc.

Nếu người dân yêu cầu xem hợp đồng, giấy tờ pháp lý thì “cò” sử dụng những thành phần nhìn như xã hội đen để uy hiếp khách hàng, cho những đối tượng đó bám theo người dân về đến tận nhà... Chính những hành động này  của một số môi giới làm ăn chụp giật đã làm ô danh các môi giới hành nghề chân chính cũng như làm cho người tiêu dùng cả tin bị sập bẫy, mất niềm tin vào thị trường”, ông Châu cho biết.

Cũng theo ông Châu, sự việc các khách hàng bị mắc lừa bởi 2 công ty môi giới này, Hiệp hội BĐS TP.HCM đã có văn bản đề nghị xử lý gửi chủ tịch tỉnh Đồng Nai và các huyện Long Thành, huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch. Tỉnh cũng đã giao cho Sở TNMT xử lý và Bộ Công an đã vào cuộc điều tra.

Tuy nhiên, để không có thêm những khách hàng bị lừa, ông Châu cảnh báo: “Khi mua sản phẩm hình thành trong tương lai, khách hàng chỉ cần yêu cầu 1 văn bản thôi là đã bao hàm trong đó nhiều yếu tố pháp lý. Đó là giấy xác nhận của Sở Xây dựng, xác nhận dự án đủ điều kiện bán nền, bán nhà, căn hộ hình thành trong tương lai. Với văn bản này, dự án đã bao gồm các yếu tố pháp lý: giấy phép xây dựng, sổ đỏ dự án, đã xây dựng xong phần móng nếu là nhà chung cư, nếu là dự án đất nền thì đã xây dựng xong hệ thống hạ tầng, có giấy bảo lãnh của ngân hàng khi bán sản phẩm hình thành trong tương lai, nếu có thế chấp thì phải có văn bản giải chấp. Nếu không có văn bản giải chấp thì phải có giấy đồng ý của ngân hàng bán sản phẩm hình thành trong tương lai”. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top