Aa

Vụ 8B Lê Trực: Chủ đầu tư bất ngờ “tố” ngược Hà Nội xử sai quy định?!

Thứ Tư, 30/08/2017 - 11:21

Sau 2 năm tổ chức tháo dỡ phần sai phạm công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), ngày 29/8, chủ đầu tư dự án là Công ty CP May Lê Trực lần đầu tiên lên tiếng, kiến nghị cơ quan chức năng dừng ngay việc tháo dỡ giai đoạn 2 và bồi thường thiệt hại... do những quyết định hành chính ban hành sai quy định.

Theo kết quả kiểm tra của liên ngành TP. Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với Giấy phép xây dựng (GPXD) đã được cấp. Cụ thể, chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao, diện tích sàn công trình so với giấy phép. Theo thiết kế, từ độ cao 44m, công trình giật cấp vào 15m và tại độ cao 50m, giật cấp tiếp thêm 5,3m về phía Tây, nhưng chủ đầu tư không xây dựng giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng.

Sai phạm của chủ đầu tư được dư luận đặc biệt quan tâm. Tháng 11/2015, TP. Hà Nội bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, gần 1 năm sau thì hoàn thành giai đoạn 1, cắt xong tầng 19. Hiện, việc tháo dỡ giai đoạn 2 vẫn đang được nghiên cứu và chưa thực hiện.

Ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực - đại diện chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực.  

Thông tin tại buổi tiếp xúc báo chí ngày 29/8, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP May Lê Trực, cho biết, dự án 8B Lê Trực sau 11 năm triển khai đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng do bị cơ quan chức năng của TP. Hà Nội phong tỏa. Điều này đã xâm hại tới quyền lợi chính đáng, tiền bạc, cuộc sống... của khách hàng, chủ đầu tư.

Đúng quy hoạch chi tiết 1/500?

Ông Lê Văn Hùng cho biết, tháng 12/2008, UBND TP. Hà Nội ban hành quyết định thể hiện, khu đất xây dựng công trình 8B Lê Trực cao tối đa 70m, cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 5 tầng (chưa tính 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái). Chiều cao 70m này cũng tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tại văn bản tháng 1/2008.

Tháng 7/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP. Hà Nội chủ động triển khai các phương án xử lý các sai phạm về vi phạm trật tự xây dựng tại dự án đầu tư xây dựng số 8B phố Lê Trực, khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Đến tháng 3/2009, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chấp thuận Quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 và Phương án thiết kế kiến trúc với tiêu chí quy hoạch: Chiều cao công trình là 69,1m; 20 tầng (gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái).

Tháng 4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản thông báo kết quả thẩm định cơ sở công trình với chiều cao 69,1m, 20 tầng nổi (12 tầng nổi, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái). Năm 2010, hồ sơ Thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ Thiết kế chi tiết bản vẽ thi công được Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm tra. Sau đó, từ năm 2010, Công ty CP May Lê Trực triển khai dự án.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong khi đang thi công xây dựng (năm 2010), Sở Xây dựng Hà Nội lại hồi tố, yêu cầu chủ đầu tư buộc phải điều chỉnh công trình này xuống 18 tầng, chiều cao công trình 53m. “Việc hồi tố này là trái quy định của pháp luật và chưa thực hiện bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư...”, ông Hùng nói.

“Chủ đầu tư đã thi công công trình tuân thủ theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận Quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 và phường án thiết kế kiến trúc. Đồng thời, thi công theo thiết kế cơ sở đã được Sở Xây dựng thẩm định với chiều cao công trình là 69,1m và 20 tầng nổi”, ông Hùng nói.

Việc cưỡng chế phá dỡ không đúng?

Đại diện Công ty CP May Lê Trực cho biết, việc cưỡng chế phá dỡ công trình 8B Lê Trực chỉ dựa theo GPXD cấp tháng 3/2014 là không đúng quy định. Bởi, GPXD này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. 

Công trình 8B Lê Trực.  

Cụ thể, theo ông Lê Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP May Lê Trực, Quy hoạch chi tiết 1/500 cho khu đất 8B Lê Trực đến nay vẫn còn hiệu lực. Theo quy định tại một số văn bản do Chính phủ, UBND TP. Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thì dự án 8B Lê Trực thuộc diện được xây dựng theo Quy hoạch chi tiết 1/500 đã phê duyệt mà không cần xin Giấy phép xây dựng.

Ông Hùng viện dẫn: “Theo khoản 4, điều 30 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 của Quốc hội khóa XII nêu rõ, đồ án quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt là cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng. Việc cấp giấy phép xây dựng cho dự án 8B Lê Trực và xây dựng công trình phải tuân thủ theo đúng Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt, là chiều cao công trình 69,1m; 20 tầng (bao gồm 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái)”.

Thế nhưng, tháng 3/2014, Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp GPXD công trình không đúng với Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được phê duyệt và tiêu chuẩn thiết kế.

Ngày 16/8 vừa qua, tham gia giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nhà số 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội sẽ thực hiện rất nghiêm túc theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ trong việc xử lý sai phạm. 

Trong đó, công trình được cấp phép là chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m: 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m. Chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m. 

“Riêng tầng 1 cao 2,6m, trừ đi dầm sàn chỉ còn lại chiều cao thông thủy 1,9m. Như vậy, chiều cao trung bình của các tầng là không phù hợp, không đủ đưa vào sử dụng theo tiêu chuẩn quy định. Cụ thể, theo Điểm 6.2.4.12 TCXDVN 323-2004 Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng thì chiều cao thông thủy các tầng ở không được nhỏ hơn 3m”, ông Hùng thông tin.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư 8B Lê Trực, việc Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép giảm 1 tầng ở, 1 tầng kỹ thuật và giảm 16,1m chiều cao là trái với Quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt từ tháng 12/2008 của UBND TP.Hà Nội.

“Theo quy định, nếu cấp phép có điều chỉnh thì phải điều chỉnh quy hoạch và cấp có thẩm quyền là UBND TP. Hà Nội chứ không phải cấp Sở Xây dựng Hà Nội. Và việc điều chỉnh này phải phù hợp với tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về thiết kế nhà cao tầng đã được ban hành”, ông Hùng nói.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top