LTS: Gần đây công luận thắc mắc về việc Thanh tra chính phủ cử một số cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác nước ngoài và cho rằng điều này không đúng. Xung quanh câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, một người “trong cuộc” xung quanh câu chuyện này.
PV: Thời gian gần đây công luận đưa tin và có ý phê phán việc Thanh tra Chính phủ cử đi nước ngoài những cán bộ sắp nghỉ hưu. Là người trong cuộc, ông cảm nhận điều này như thế nào?
TS. Đinh Văn Minh: Thực ra thì tôi cũng không hẳn là người “trong cuộc”, tôi vốn là Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học. Chúng tôi thường nói đùa với nhau là “ở vùng sâu vùng xa”, thỉnh thoảng vào cơ quan họp nên cũng ít thông tin về những chuyện cụ thể.
Vừa chuyển vào làm Vụ trưởng Vụ Pháp chế được mấy ngày thôi, những gì tôi biết cũng là qua báo chí và anh em bàn tán. Về chuyện cử cán bộ sắp hưu đi công tác nước ngoài đã có bình luận của một đồng chí làm công tác pháp luật bên Quốc hội rồi đấy.
Chuyện cử cán bộ sắp nghỉ hưu đi công tác nước ngoài chưa có quy định nào phân biệt và cấm đoán. Tôi cũng nghĩ là như vậy mặc dù chưa xem lại văn bản. Thời kỳ hội nhập chuyện đi lại trao đổi học tập diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Vấn đề là có gắng sao bảo đảm hiệu quả và thiết thực của mỗi chuyến đi.
Đi một ngày đàng, học sàng khôn, các cụ bảo thế. Cán bộ mình ra nước ngoài không chỉ là những chuyện trao đổi cụ thể về chuyên môn mà qua quan sát thực tiễn cuộc sống của người ta, mở mang đầu óc được nhiều lắm. Chuyện “sắp hưu” mà vẫn đi nước ngoài nên hay không thì cũng phải xem từng trường hợp cụ thể.
PV: Thưa ông, đi nước ngoài là để học tập trao đổi giúp cho công tác sau này, nhưng đối với cán bộ “sắp hưu” thì liệu có ích gì?
TS. Đinh Văn Minh: Đúng thế, đi nước ngoài, dù là “tiền ta” hay “tiền tây” cũng phải thiết thực và có hiệu quả và điều đó cơ quan cử đi phải cân nhắc mục đích ý nghĩa của chuyến đi và đôi khi phải tính toán cả khía cạnh ngoại giao nữa.
Có chuyến đi tôi biết cũng có đồng chí sắp nghỉ nhưng vẫn phải bố trí đi vì công việc chuyên môn, có trường hợp phía bạn thể hiện mong muốn được tiếp đón một cán bộ cụ thể nào đó mà họ đã từng làm việc, họ đâu có cần biết là ông đó sắp nghỉ hưu? Vậy là phải bố trí tham gia đoàn, thậm chí cái chuyện “sắp hưu” mà đi nước ngoài lại còn do vỡ kế hoạch nữa chứ. Đôi khi có những chuyến đi nước ngoài vì lý do này khác mà lùi lại cả năm trời nên thành viên đoàn bỗng dưng trở thành “sắp hưu”...
Mà nói thật nhé, người khác thế nào không biết chứ bản thân tôi cũng chẳng hào hứng gì chuyện đi nước ngoài. Không phải vì có thời gian học hành bên đó nhiều mà “chán tây” đâu, nhưng ngày xưa đi tây còn háo hức có dịp mua đồ này đồ khác chứ bây giờ Việt Nam mình khấm khá rồi, chẳng thiếu thứ gì, đi nước ngoài không xem kỹ có khi lại mua phải đồ made in China hay made in Viet Nam ấy chứ.
Mỗi lần tôi đi thấy mệt lắm! Nào là chuyện chênh múi giờ, di chuyển nhiều, ăn uống, thời tiết thì không hợp. Rồi chuyện quà cáp nữa chứ, cứ nghe nói đi nước ngoài về là: “Quà em đâu?” - Câu cửa miệng vô duyên nhất của nhà mình, mà cũng chẳng biết đùa hay thật nữa. Cho nên cái chuyện đi Tây cũng có người hào hứng nhưng cũng có người ngại.
Rồi lại có chuyện đồng chí Cục trưởng Cục chống tham nhũng đã có quyết định đi Đan Mạch rồi nhưng rồi công việc đột xuất phải ở nhà để xử lý. Tất nhiên đâu đó cũng có những trường hợp đi nước ngoài không thực sự hợp lý lắm, mà người ta hay gọi là “chế độ chính sách”, tôi nghĩ cũng khó tránh khỏi và không chỉ có ở chỗ chung tôi.
PV: Có vẻ như ông đang “cãi hộ” những người có trách nhiệm? Việc Thanh tra Chính phủ thông tin cho báo chí về việc cán bộ sắp hưu đi nước ngoài liệu có phải là đã nhận có những sai sót, khuyết điểm trong chuyện này hay không thưa ông?
TS. Đinh Văn Minh: Ồ, thực ra tôi không có trách nhiệm trực tiếp gì mà phải “cãi”, mà đơn giản đối thoại, tôi vốn thân thiện và cởi mở với anh em báo chí vì tôi nghĩ anh em mình đều vì cái chung cả thôi, có gì vướng mắc thì cứ thẳng thắn trao đổi, chia sẻ.
Báo chí nói riêng và công luận nói chung giúp cho mình thấy được sai sót hạn chế để khắc phục kịp thời là tốt chứ sao mà phải “cãi”?
Theo cách nói thời thượng hiện nay là tôi đang “giải trình” (không chính thức) nghĩa là cung cấp thông tin, giải thích thêm để làm rõ một vấn đề từ những thông tin mà tôi biết và chiêm nghiệm, vậy thôi mà.
Vừa rồi các đồng chí lãnh đạo của chúng tôi cũng đã cảm ơn báo chí về những ý kiến, phản ảnh và đã tiếp thu rất nghiêm túc, kịp thời rà soát và thông tin đến công luận, trong đó cũng nêu rõ những trường hợp cán bộ được cử đi công tác nước ngoài chưa phù hợp cần điều chỉnh, rút kinh nghiệm.
Công việc gì cũng vậy thôi, có làm thì có sai, vấn đề là mình cố gắng cao nhất để tránh sai sót rồi báo chí, công luận giúp mình, nhắc nhở mình. Mình biết lắng nghe, biết trân trọng mọi ý kiến để xem lại công việc, nếu có cái gì chưa đúng thì kịp thời khắc phục, tôi cho đó cũng là điều tốt.
Được báo chí, công luận quan tâm chúng tôi cũng vui chứ! Điều này chứng tỏ ngành thanh tra đang “hot” sau một loạt các vụ thanh tra lớn, góp phần xử lý nhiều cán bộ tiêu cực, tham nhũng, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, công luận đồng tình ủng hộ. Cá nhân tôi còn mong báo chí quan tâm nhiều hơn nữa, đồng hành với chúng tôi trong quá trình thực hiện trách nhiệm của mình trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này./.