Trước ý kiến của nhiều đại biểu về hoạt động thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương đã phân tích những lý do dẫn tới tình trạng này.
Thứ nhất về thể chế và quy phạm pháp luật đã liên tục được cải tiến, điều chỉnh và bổ sung trên cơ sở từ thực tiễn cũng như từ những nghiên cứu, kinh nghiệm từ thực tiễn và của quốc tế. Thế nhưng, hiện này có hàng loạt văn bản luật, dưới luật vẫn còn có những xung đột. Thậm chí trong nhiều trường hợp có những khoảng trống dẫn đến việc hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước cũng như quản lý phần vốn của nhà nước ở trong doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó có một vấn đề lớn là sự chồng chéo, lẫn lộn giữa quản lý nhà nước.
Ngoài ra, sự chồng lấn và lẫn lộn giữa vai trò quản lý nhà nước của các bộ, ngành với vai trò quản trị và chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến thực tế hiện tượng kép là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp. Một mặt là hoạt động của các doanh nghiệp thiếu sự tự chủ, bởi nhiều khi phải chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan hành chính. Nhưng một mặt khác, bản thân đội ngũ quản trị doanh nghiệp của doanh nghiệp nhà nước lại có tâm lý né tránh trách nhiệm, ỷ lại và đẩy những trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý nhà nước mà nhiều khi theo quy định của luật pháp dẫn đến hiện tượng này.
Nguyên nhân lớn thứ hai dẫn đến hiện tượng thiếu hiệu quả trong thời gian vừa qua, đó chính là sự "vừa đá bóng vừa thổi còi". Trên thực tế, hàng loạt chủ trương lớn trong phát triển các lĩnh vực kinh tế ngành cũng như các quy hoạch và chiến lược trên thực tế được xây dựng, nghiên cứu xây dựng bởi các hệ thống của chính bản thân các doanh nghiệp nhà nước và cũng lại được thẩm định phê duyệt bởi các cơ quan quản lý nhà nước, tức là các cơ quan hành chính.
Chính vì vậy dẫn đến tình trạng chất lượng của các dự án đầu tư, của các hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không đảm bảo và không đảm bảo được hiệu quả, thậm chí có nhiều trường hợp như "dắt trâu qua rào". Nhiều dự án có thể nói quy mô đầu tư rất lớn với vai trò thẩm định, giám sát của cả hệ thống nhưng thực tế chất lượng không cao và dẫn đến tình trạng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dẫn đến bị mất mát vốn, lãng phí, thậm chí có những sai phạm và hiệu quả của dự án không cao.
Đặc biệt với sự phình to của bộ máy và quan liêu hóa của hệ thống doanh nghiệp nhà nước dẫn đến quản trị doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tiến triển rất nhanh của thị trường thế giới, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cũng như phát triển ở trong các lĩnh vực kinh tế ngành.
Nguyên nhân thứ ba, với cơ chế quản lý như hiện nay và đã có sự chồng lấn như vậy thì dẫn đến tình trạng có sự cố tình làm sai và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư cũng như thực hiện các dự án đầu tư, điển hình là 12 dự án thua lỗ và kém hiệu quả trong thời gian vừa qua. Một số dự án đã phản ánh tình trạng đúng trong quản lý vốn nhà nước cũng như quản trị của doanh nghiệp nhà nước đúng với thực trạng đang diễn ra hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Vì vậy, không chỉ các cán bộ của các doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm mà bản thân cán bộ quản lý của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm kể cả đối với trách nhiệm có mức độ xử phạt hình sự”.