Dù không có những đặc điểm sinh thái và điều kiện thuận lợi như TP. HCM, Hà Nội hay thậm chí như Đà Nẵng nhưng Lào Cai vẫn được các nhà đầu tư đánh giá cao với nhiều tiềm năng tốt.
Với hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện từng ngày, Lào Cai có cơ hội trở thành địa điểm lý tưởng để đầu tư các dự án khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng, resort… Tuy nhiên, vùng đất này đang thiếu các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại dù có nhiều tiềm năng như cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu tốt.
Từ năm 2015, sau khi tuyến Quốc lộ Nội Bài - Lào Cai được đưa vào sử dụng, các du khách từ Thủ đô Hà Nội có thể dễ dàng đến với các thị trấn của Lào Cai như Sa Pa, Bắc Hà. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến số lượng khách du lịch đến với Sa Pa tăng gấp đôi chỉ trong vòng 2 năm. Từ 826.000 lượt khách vào năm 2014, đến 2015 con số này đã là 1,5 triệu lượt, đến năm 2020 dự kiến lượng du khách đến với thị trấn mờ sương này sẽ đạt 2,5 triệu lượt.
Bên cạnh đó, việc quyền sở hữu BĐS đối với người nước ngoài ngày càng “mở” hơn cũng được xem là một cơ hội tốt giúp thị trường BĐS Lào Cai ngày càng nhộn nhịp.
Riêng tại Sa Pa, thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay ghi nhận sự góp mặt của các nhà đầu tư như Trường Giang Sa Pa, Bitexco, Sa Pa Land. Sun Group, Thiên Minh Group... Trong đó, Trường Giang Sa Pa là “người tiên phong” phát triển khu nghỉ dưỡng trên núi đẳng cấp 5 sao tại Sa Pa - Sa Pa Jade Hill. Sau đó lần lượt các ông lớn như Sun Group, Bitexco… cũng “rủ nhau” đổ hàng nghìn tỷ đồng vào “phố núi” này.
Bên cạnh đó, có thể kể đến các các khu nghỉ mát hạng trung tại Sa Pa như Mgallerry Sa Pa, Silk Path Grand Resort & Spa Sa Pa, Suối Hoa Resort, Thung Lũng Vàng Resort…
Nhiều chuyên gia cho rằng BĐS nghỉ dưỡng vùng núi như khu vực Sa Pa vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho các nhà đầu tư nhưng chưa được nhìn nhận đúng, chưa được khai thác nhiều. Sự hấp dẫn của phân khúc này ngoài các lợi thế về tự nhiên, văn hóa lịch sử thì còn là nét đẹp bản sắc văn hóa vùng miền. Đây sẽ là một lĩnh vực hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới và nếu khai khác tốt sẽ không thiếu khách.
Nhận định về tiềm năng của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng núi, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Nguyễn Trần Nam cho rằng: "Cùng với các khu nghỉ dưỡng ven biển, BĐS nghỉ dưỡng ở vùng trung du, miền núi đang tạo sự đa dạng phong phú trong chuỗi sản phẩm trên thị trường. Khung cảnh thiên nhiên độc đáo và bản sắc dân tộc mang đến sự khác biệt cho du lịch và BĐS nghỉ dưỡng ở các tỉnh miền núi. Bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi vừa có lợi thế kép quảng bá du lịch địa phương, vừa là điểm đến hấp dẫn đối với khách lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng".