Aa

Vùng đất dự kiến là ‘thủ phủ’ khi 3 tỉnh ĐBSCL ‘về chung nhà’: Tên gọi lâu đời nhất Nam Bộ, nơi quy tụ hàng loạt tuyến đường huyết mạch

Thứ Tư, 23/04/2025 - 20:54

Dự kiến sau khi 3 địa phương thực hiện sáp nhập, nơi đây sẽ là trung tâm hành chính của tỉnh mới.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Vĩnh Long được xác định là trung tâm hành chính mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Việc lựa chọn này không chỉ dựa trên yếu tố lịch sử và văn hóa, mà còn được đánh giá từ vị trí địa lý chiến lược và năng lực kết nối hạ tầng vượt trội.

Vĩnh Long nằm ở trung tâm tiểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là điểm giao thoa tự nhiên giữa Bến Tre ở phía đông và Trà Vinh ở phía Đông Nam. Với hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại gồm cả đường bộ, đường thủy và cao tốc, tỉnh này đóng vai trò như một nút kết nối liên vùng. Các tuyến quốc lộ huyết mạch như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 53, Quốc lộ 57, Quốc lộ 80, cùng cầu Mỹ Thuận và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ giúp kết nối thông suốt Vĩnh Long với TP. HCM, TP. Cần Thơ và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Vùng đất dự kiến là ‘thủ phủ’ khi 3 tỉnh ĐBSCL ‘về chung nhà’: Tên gọi lâu đời nhất Nam Bộ, nơi quy tụ hàng loạt tuyến đường huyết mạch- Ảnh 1.

Tỉnh Vĩnh Long sở hữu hệ thống giao thông phong phú. Ảnh: Internet

Không chỉ có lợi thế về đường bộ, Vĩnh Long còn sở hữu mạng lưới sông ngòi dày đặc. Tỉnh này nằm giữa hai trục sông Tiền và sông Hậu là hai nhánh lớn của sông Mekong, thuận lợi để phát triển logistics đường thủy nội vùng và xuất khẩu hàng hóa qua cửa biển Định An. Đây cũng là điểm ra biển của sông Hậu, mang lại tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, giao thương hàng hóa và dịch vụ ven biển.

Sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long mở rộng sẽ có bờ biển dài khoảng 130km, tạo điều kiện lý tưởng để triển khai các dự án kinh tế biển, cảng biển, năng lượng tái tạo và phát triển nông nghiệp tuần hoàn theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tuyến đường ven biển đang được đầu tư xây dựng sẽ gia tăng năng lực kết nối liên tỉnh, mở rộng không gian phát triển kinh tế liên vùng.

Việc giữ lại tên gọi Vĩnh Long cũng mang ý nghĩa nhất định khi đây là 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Bộ. Việc giữ tên gọi Vĩnh Long không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, mà còn tạo sự tiếp nối về mặt nhận diện hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển vùng. Thành phố Vĩnh Long – trung tâm tỉnh lỵ hiện tại đã có hệ thống hạ tầng hành chính, giáo dục, y tế, giao thông hoàn chỉnh, đủ điều kiện để trở thành trung tâm điều hành mới của toàn tỉnh sau sắp xếp.

Vùng đất dự kiến là ‘thủ phủ’ khi 3 tỉnh ĐBSCL ‘về chung nhà’: Tên gọi lâu đời nhất Nam Bộ, nơi quy tụ hàng loạt tuyến đường huyết mạch- Ảnh 2.

Khu hành chính Vĩnh Long trên đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: Báo Thanh Niên

Sáp nhập 3 tỉnh sẽ tạo điều kiện tập trung nguồn lực, phát huy lợi thế sẵn có của từng địa phương để phát triển đồng bộ các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào hạ tầng giao thông, đô thị, thương mại – dịch vụ, góp phần định hình mô hình kinh tế vùng lớn, có khả năng cạnh tranh và thích ứng cao.

Đặc biệt, với nền tảng hạ tầng đang được đầu tư mạnh mẽ, tỉnh mới sẽ có điều kiện thúc đẩy phát triển vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Các xã vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng lợi từ hệ thống giao thông kết nối, giúp cải thiện đời sống người dân và nâng cao hiệu quả phát triển bền vững toàn tỉnh.

Từ vị trí trung tâm, kết nối thuận lợi đến tiềm năng về cả kinh tế biển lẫn nội địa, Vĩnh Long hứa hẹn nổi lên như điểm tựa phát triển mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau tái cấu trúc đơn vị hành chính, trở thành một trung tâm hành chính, kinh tế và logistics hiện đại, có tầm nhìn dài hạn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top