Aa

“Vứt” ra 1.000 tỷ, “nhặt” lại hơn 100 tỷ!

Thứ Bảy, 06/04/2019 - 11:21

Muốn tham khảo cách làm thất thoát tiền của dân chúng nhanh nhất, lãng phí nhiều nhất thì có thể lấy dự án Nhà máy Thép Vạn Lợi ( Kỳ Anh- Hà Tĩnh) làm điển hình.

Ở nơi đó người ta đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm cho han gỉ và sắp đem ra bán đấu giá với giá hơn 100 tỷ đồng!?

Nếu của tư nhân, có lẽ chỉ xót xa rồi thôi bởi làm ăn phải tính toán, ai thua người đó chịu. Nếu do trăm ngàn lý do bất khả kháng và có lúc lời lúc lỗ, khi ăn lên làm ra thời lại khó khăn ngặt nghèo cũng có thể thông cảm, sẻ chia. Nhưng ở đây chưa một thanh thép nào ra đời, chưa một thành phẩm nào có mặt trên thị trường thì hơn 1.000 tỷ đồng tiền nợ VDB, một ngân hàng Nhà nước 100%, nếu may mắn thu hồi chưa đến trăm tỷ đồng!

Rồi ai đó sẽ phải chịu trách nhiệm, sai chỗ nào xử lý chỗ đó nhưng tại sao tiền trăm tỷ ngàn tỷ cứ đổ xuống sông xuống biển, đem phơi mưa giãi nắng dễ dàng biến mất như thế? Đọc những dòng này tôi thật sự xót xa cho đống tiền của chúng ta “tài sản thế chấp vay vốn của chủ đầu tư để triển khai dự án nhà máy thép Vạn Lợi là tài sản hình thành sau đầu tư (đống sắt gỉ bị bỏ hoang)”.

Không phải ở đây, không chỉ ở Vạn Lợi mà cũng chẳng riêng gì Hà Tĩnh. Thử điểm danh vài dự án “đau đớn” từng khiến dư luận bức xúc nhất : Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, lỗ 1.472 tỷ đồng; Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, đầu tư 2.200 tỷ đồng, nợ ngân hàng hơn 1.300 tỷ đồng; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 tổng vốn đầu tư tăng từ 3.843 tỷ lên hơn 8.000 tỷ đồng, triển khai 10 năm chưa xong; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, vốn đầu tư từ 1.500 lên 3.000 tỷ đồng, nợ xấu lên tới 2.650 tỷ đồng và đang chờ thanh lý sau 12 năm khởi công; Nhà máy Đạm Ninh Bình, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, đã lỗ 2.700 tỷ đồng...

Mới 5 cái tên trên, hơn chục ngàn tỷ đồng có nguy cơ không bao giờ còn thấy đồng nào! Người ta quăng tiền như mua vịt trời, đổ vốn như vứt vào thùng không đáy, rót tiền như trút nước xuống sông... Dự án nào cũng vẽ vời hoành tráng, còn số nào cũng tô đậm huy hoàng, tương lai nào cũng huyễn hoặc thắng lớn. Nhưng cuối cùng là từng đồng bạc dân chúng chắt chiu, doanh nghiệp vất vả nộp vào ngân khố quốc gia một đi không trở lại!

Rồi sẽ có cơ chế hữu hiệu kiểm soát, phương án cơ cấu khả thi, biện pháp ngăn chặn thất thoát thích đáng... Có lẽ chúng ta đã nghe rất nhiều những điều tương tự như vậy để rồi vẫn chờ trong khi tiền quốc gia đội nón ra đi, giã biệt mãi mãi! Biết rằng làm ăn có thắng có thua, kinh doanh lúc thành lúc bại. Nhưng cứ đâm đầu vào chỗ chết, thiêu thân vào ánh hào quang giả tạo thì không thiệt hại mới lạ, không thua lỗ mới ngạc nhiên.

Quy trách nhiệm không khó, xử lý hình sự cũng chẳng phải là việc không thể làm. Nhưng đất nước cần một cơ chế, chính sách và nhất là giám sát thế nào để mãi mãi không còn nghe những câu chuyện phẫn nộ như thế. Người dân làm sao có thể chấp nhận tính toán từng đồng cho các khoản chi tiêu nhưng thỉnh thoảng lại cứ nghe ngàn tỷ của hàng chục triệu người đã mất! Ngân khố chẳng có cớ gì chi tiền cho các dự án chỉ thua và lỗ khi cứ phải “giật gấu vá vai”. Đã rất muộn nhưng những phi vụ cực kỳ phi lý như nhà máy Thép Vạn Lợi phải nhanh chóng chấm dứt! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top