Aa

Lợn lại được ăn cây chuối

Thứ Ba, 02/04/2019 - 12:27

Lợn không được ăn cây chuối, thỏ không được ăn cà rốt… không phải là chuyện Cá tháng 4 mà “chễm chệ” nằm gọn trong Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi của Bộ NNPTNT đang gây xôn xao dư luận!

Lạ đến nỗi nông dân cả nước ngơ ngác, kỳ cục đến độ nhiều chuyên gia phải giật mình và phản đối, khôi hài đến độ người ta đã chế ra bao câu chuyện xung quanh quy định này. Cứ thử tưởng tượng mèo bị cấm ăn thịt mỡ, gà không được ăn thóc hay bò bị ngừng nhai cỏ… Chúng ta sẽ thấy quy định trên tương tự như thế đấy!

Mặc cho Cục Chăn nuôi biện hộ chỉ áp dụng chủ yếu với các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi, còn các hộ gia đình chăn nuôi không bị ảnh hưởng. Nhưng đẻ ra những điều đó để làm gì? Có giúp ích hay bó buộc cho DN và người dân, có dễ hơn hay làm khó cho ngành chăn nuôi? Đừng bảo rằng “hoàn toàn đang vì DN, tạo cơ chế rất tốt” khi mà dư luận ồn ào phản đối. Đừng nghĩ rằng sai thì sửa vì sửa mãi vẫn sai!

Không phải tự nhiên mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng không đồng tình vì “Vấn đề ở đây là do cách tiếp cận, quy định “chọn cho” tức là người dân chỉ được làm những gì luật cho phép thì sẽ dẫn tới bỏ sót thôi. Cần quy định “chọn bỏ”, tức là người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm”. Chẳng vì số đông mà cấp trên yêu cầu Bộ ra thông tư trên bãi bỏ quy định kỳ lạ này.

Ảnh minh họa.

Bộ NNPTNT dự thảo Thông tư 02 về thức ăn chăn nuôi gây xôn xao dư luận thời gian qua với những quy định như “lợn không được ăn cây chuối”, “thỏ không được ăn cà rốt"… Ảnh minh họa.

Đây không phải là lần đầu và có lẽ cũng chẳng là lần cuối những chuyện tưởng như đùa trên được ban hành nếu tư duy tiện cho quản lý, đẩy khó cho người dân và phi lý với thực tế vẫn còn ẩn khuất đâu đó. Ngoài thông tư này, Bộ NN&PTNN còn một thông tư khác khiến 5.400 tấn cá không xuất được! Lý do cũng giản đơn quá đỗi và ngạc nhiên quá mức “Cả nước hiện có 83 cảng cá, nhưng mới công bố 47 cảng loại 2 đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 21, trong khi chưa công bố cảng cá thì không làm thủ tục xuất khẩu được”.

Rồi lợn lại được ăn cây chuối, thỏ vẫn được ăn cà rốt và cá sẽ được xuất đi. Nhưng nỗi lo, nỗi buồn và cả những e ngại luôn còn chầu chực. Không chỉ vì quan liêu, chậm trễ, rào cản mà chính vì bảo thủ và cứng nhắc. Khi mà những người ngôi phòng lạnh vẽ ra quy định không bị thiệt hại, chẳng nhận kỷ luật thì chắc chắn họ chưa cảm nhận được  bức xúc “của đau con xót” như dân chúng và DN. Mồ hôi, nước mắt, tiền bạc, công sức... của số đông không thể bị ngưng trệ hay đánh đổi lấy thiệt thòi chỉ vì một vài quy định làm khó, hành nhau.

Chính phủ luôn rà soát, xã hội luôn phản biện và các cơ quan chức năng luôn giám sát. Nhưng những nơi để ra quy định quái lạ, bất khả thi vẫn thỉnh thoảng xuất hiện, lâu lâu lại trồi lên làm dư luận bức xúc, lãnh đạo phải ra tay và tốn kém không cần thiết. Chỉ cần chút lắng nghe, một ít tìm hiểu hay thêm nhiều sâu sát với thực tế, những chuyện trớ trêu bi hài ấy sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, lắng nghe nhưng không thấu hiểu, gật gù nhưng không chia sẻ.

Một Chính phủ kiến tạo thì không thể thiếu các bộ, ngành năng động. Một xã hội phát triển càng không thể tồn tại chuyện: “Người ta làm ngay, có sản phẩm cụ thể, còn mình cứ lý luận, rồi suốt ngày “tiếp tục, đẩy mạnh, tăng cường” cuối cùng vẫn không ra được cái gì, sản phẩm vẫn là số 0 thì làm sao chấp nhận được”, như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng e ngại. Và chắc chắn càng không bao giờ bắt con lợn không được ăn cây chuối như người ta từng bắt...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top