Aa

Xác định "danh phận" rõ ràng, "cởi trói" cho Office-tel

Thứ Sáu, 17/03/2017 - 11:10

Sáng nay (17/3/2017) tại TP. HCM, Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội BĐS Việt Nam) tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng; ông Phạm Nguyễn Toan, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham dự của bà Vũ Thị Khuyên, Trưởng văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường BĐS, Sở Xây dựng TP. HCM; ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM.

Hội thảo còn có tham luận, bàn thảo của các diễn giả như Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP. HCM; PGS, TS. Doãn Hồng Nhung, GVCC, khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội; ông Lê Đình Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dream House.

Hội thảo cũng có sự tham dự của gần 200 đại biểu, đại diện các cơ quan báo chí – truyền thông, các doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm tới vấn đề này.

12h15: Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu bế mạc Hội thảo

Các tham luận, góp ý tại Hội thảo hết sức xác đáng cho sự phát triển hợp lý và hợp pháp của loại hình sản phẩm căn hộ - văn phòng. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng sự ra đời và phát triển của loại hình căn hộ - văn phòng cũng như những loại hình sản phẩm BĐS mới là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế và là sự cổ vũ cho chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ. Do đó, các ý kiến cũng thể hiện sự đồng thuận với việc cần tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để quả lý và thúc đẩy loại hình BĐS này.

Đề nghị các doanh nghiệp gửi báo cáo, kiến nghị để Hiệp hội BĐS Việt Nam tổng kết, làm văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tìm ra cơ chế, giải pháp mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, khách hàng, suy cho cùng đó là lợi ích chung của nền kinh tế.

11h50: Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng phát biểu

Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng xin được gửi lời cảm ơn đến Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức 1 buổi Hội thảo về vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Đây là Hội thảo bổ ích đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Office–tel đang có nhiều cách hiểu khác nhau. Trên thực tế cũng như cơ sở pháp lý, chính sách đang có nhiều vướng mắc, cần tháo gỡ kịp thời.

Không cần bàn sâu rằng nó có cần thiết hay không vì Office–tel đã xuất hiện. Việt Nam đang đi theo xu hướng của thế giới và chúng ta có nhu cầu. 

Hiện tại, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS nhận thấy, Office-tel đang gặp phải những vướng mắc sau:

Vướng mắc về quyền sở hữu: Bình thường nếu chúng ta coi đây là 1 phần của ở, điều đó có nghĩa, theo Luật đất đai, quyền sở hữu phải ổn định lâu dài. Nếu không coi là một phần để ở thì có thể chỉ được cấp 50 năm.

Đối với các chủ đầu tư, khi xác định đây là để ở thì tiền đất phải như thế nào? Về quy hoạch, có được xây Office-tel trên đất không phải để ở hay không? Nếu xây 1 block chỉ có Office-tel vào đất ở có đúng hay không?

Vướng mắc khác là về quy chuẩn, tiêu chuẩn. Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam, căn hộ chỉ để sử dụng cho mục đích ở, nên thiết kế cầu thang, điện nước.. rất khác. Còn nếu xây dựng Office-tel thì quy chuẩn cho loại hình này là gì?

Tôi cho rằng, quan trọng và cuối cùng phải ra được văn bản luật điều chỉnh loại hình này. Đề nghị Hiệp hội BĐS Việt Nam cùng tham gia với Cục quản lý nhà và thị trường BĐS nghiên cứu, đưa ra một văn bản pháp lý nhanh nhất, phù hợp với thực tiễn trên cơ sở xác định sự cần thiết của loại hình Office-tel để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng.

Việc đưa ra một văn bản pháp lý để điều chỉnh, quản lý loại hình Office-tel, trước hết, phải xác định được: Đây là loại hình gì? Khi coi nó vừa làm văn phòng vừa làm nhà ở thì phải khác với văn phòng bình thường hay nhà ở bình thường như thế nào? Xác định được quy hoạch đất đai; Xác định điều chỉnh quy hoạch; Xác định điều kiện kinh doanh, bán hàng đối với Office-tel. Quan trọng nhất là phải đặt được tên cho loại hình này thì mới ra được văn bản luật quản lý, điều chỉnh.

11h00: Bắt đầu phiên thảo luận

Các đại biểu tham gia trả lời các câu hỏi trong phiên thảo luận gồm có: Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng; Luật sư Trần Đức Phượng, đoàn Luật sư TP. HCM...

Phần thảo luận với sự chủ trì của ông Nguyễn Trần Nam.

Phần thảo luận với sự chủ trì của ông Nguyễn Trần Nam.

Ông Nguyễn Trần Nam: Tính pháp lý của loại hình này chưa rõ ràng kèm theo các vướng mắc trong quá trình tạo lập, giao dịch mua bán, vận hành sử dụng.

Cục quản lý nhà và thị trường BĐS và Hiệp hội BĐS Việt Nam đang xin ý kiến lãnh đạo Bộ Xây dựng, chuẩn bị dự thảo Thông tư liên quan đến Condo-tel và Office–tel nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết đang đặt ra trên thị trường theo hướng công nhận, tạo điều kiện cho loại hình này phát triển.

Office-tel là khái niệm mới, khi xảy ra tranh chấp thì giải quyết thế nào?

Ông Nguyễn Trần Nam: Office-tel và Condo-tel đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Thực tiễn bao giờ cũng đi trước chính sách. Cách đây hơn 2 năm, trong quá trình soạn thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, chúng tôi cũng đã tổ chức nhiều Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp. Thời điểm đó chưa xuất hiện loại hình này.

Bây giờ đã có trong thực tiễn nên luật pháp chưa có quy định về quy chuẩn, thiết kế, mua bán giao dịch, sử dụng các sản phẩm này.

Chúng ta phải chạy theo thị trường, bắt kịp xu thế này theo hướng công nhận các sản phẩm trên. Nếu không giải quyết nhanh, dứt khoát sẽ xảy ra tranh chấp. Theo tôi, cần đưa các kiến nghị này vào khuôn khổ pháp lý, trên cơ sở đó tạo ra Thông tư hướng dẫn.

Các tòa nhà chức năng đang xảy ra tình trạng, khối đế là dịch vụ, trên là căn hộ để ở. Vậy sau 50 năm xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Trần Nam: Trường hợp Office-tel được xây dựng trên đất được quy hoạch là nhà ở, thêm chức năng văn phòng, như vậy vướng phải quy định trong Luật nhà ở (cấm sử dụng chung cư để kinh doanh). Khả năng thứ hai là làm ở đất được quy hoạch làm văn phòng, như vậy là không được xây nhà ở, không được ở lại. Hiện nay đang có quy định không cho phép nhân viên làm việc buổi tối, ngủ lại qua đêm đề phòng cháy nổ.

Khả năng thứ 3 loại hình này được xây dựng trên đất hỗn hợp điển hình như Lotte (Hà Nội) có căn hộ, khách sạn, văn phòng, thương mại. Ở đây đang có mâu thuẫn, phần trên làm chung cư được cấp quyền sử dụng đất vĩnh viễn. Ở dưới làm văn phòng thương mại và Office-tel được cấp quyền sử dụng đất có thời hạn 50 năm. Luật pháp còn thay đổi rất nhiều, thường 5-10 năm thay đổi một lần. Việc này nên nhìn nhận trước để đưa ra phương án xử lý.

Chúng tôi đang đề xuất, trong các khối nhà đa năng hỗn hợp, nếu tỷ lệ sử dụng diện tích nào lớn hơn thì cấp quyền sử dụng đất theo diện tích đó. Giả sử nhà cao 20 tầng, có 15 tầng trên là nhà ở thì 5 tầng dưới được cấp quyền sử dụng đất lâu dài, vĩnh viễn.

Cần phân biệt quyền sử dụng đất 50 năm với quyền sở hữu công trình xây dựng. Công trình có thời hạn sử dụng, nếu hết thời hạn, kiểm tra vẫn còn tốt thì nên được cho phép sử dụng tiếp.

Đâu là vướng mắc lớn nhất trong quản lý loại hình Office-tel?

Ông Nguyễn Trần Nam: Tính pháp lý. Do loại hình này chưa có tên gọi, xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nào cũng chưa có quy định.

Có doanh nghiệp đề xuất lên thang máy, rẽ phải là vào căn hộ, rẽ trái là Office-tel. Như thế không hợp lý. Không thể lẫn lộn dân cư với khách hàng giao dịch. Phải công nhận đó là loại hàng hóa kèm theo quy chuẩn xây dựng, hình thức mua bán, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, và giao thông nội bộ tách biệt với lối đi vào chung cư.

10h35: Ông Lê Đình Trung tham luận

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trung khái quát thực tế phát triển mô hình căn hộ - văn phòng Office–tel.

“Tôi xin nêu một vài ý kiến ở góc độ một doanh nghiệp đầu tư – kinh doanh BĐS đã đưa mô hình căn hộ - văn phòng Office–tel vào dự án của mình. Đó là dự án căn hộ D-Vela tại Quận 7.

Dự án được triển khai trên khu đất tại địa chỉ số 1177, đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, bao gồm 168 căn hộ, 09 căn shop-house và 82 căn Office-tel với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Dự án được thiết kế bao gồm 45 tiện ích như hồ bơi, phòng gym, khu spa, nhà trẻ, vv..., với giá bán chỉ từ 1.5 tỷ/căn”, ông Trung nói.

Ông Lê Đình Trung.

Ông Lê Đình Trung.

Theo ông Trung, trước khi đưa ra mô hình Office-tel, Công ty CPĐT Căn Nhà Mơ Ước đã làm khảo sát cụ thể ở dự án của các doanh nghiệp đi trước, lấy ý kiến của các chuyên gia, tham quan rất nhiều tòa nhà văn phòng, các dự án có căn hộ Office–tel đang đưa vào sử dụng…

Về phía người mua Office-tel, lý do họ đầu tư vào căn hộ này là vấn đề về giá và tiện ích. Ví dụ, khi khách hàng hỏi về chỗ đỗ xe, không gian công cộng, thậm chí có quán cafe, cửa hàng ăn… Nghĩa là phải giải quyết được những nhu cầu thiết yếu của khách hàng: vừa là nơi làm việc, vừa phải có đầy đủ dịch vụ tiện ích bên trong dự án.

Khi có những tiện ích này, khách hàng mới quan tâm, tìm hiểu và đặt mua. Dù mở bán chưa lâu nhưng đa số khách hàng mua Office–tel là để đầu tư cho thuê. Ngoài việc có mức thuê cao hơn căn hộ chung cư thì yếu tố quyết định đối với khách hàng đầu tư căn hộ này là cho thuê rất dễ. Chính vì thế, ở nhiều dự án có Office-tel luôn cháy hàng.

Ông Trung đưa ra một số kiến nghị: “Đề nghị được sửa một số điều trong Luật để căn hộ Office–tel cũng có được quyền sở hữu như căn hộ chung cư. Trong khi chờ đợi, kiến nghị Bộ Xây dựng có Thông tư hướng dẫn, quy định các chỉ số cụ thể đối với dự án có mô hình căn hộ này để khách hàng yên tâm, quyền lợi của họ được đảm bảo và chủ đầu tư biết để xây dựng quy chuẩn hơn thay vì phải tự tính toán, tự khảo sát như hiện nay”.

10h20: Ông Lê Hoàng Châu phát biểu

Ông Lê Hoàng Châu.

Ông Lê Hoàng Châu.

Thời điểm năm 2008, Bixteco xây một dự án ở quận Bình Thạnh có sản phẩm Office-tel. Nhưng lúc đó chưa có tên gọi nào cho loại hình này. TP. HCM sau đó đề xuất với Bộ Xây dựng về dự án này và được phê duyệt, đó là công trình Office-tel đầu tiên của TP. HCM và cả nước.

Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 01, có sửa đổi Nghị định 43, 44 và 47. Trong đó, sửa đổi 1 điều quan trọng, đó là đối với chung cư hỗn hợp, khối đế thương mại, dịch vụ, thì chế độ sử dụng đất là lâu dài.

Chúng tôi nghĩ rằng, khi cho phép toàn bộ đất trong chung cư hỗn hợp được sử dụng ổn định lâu dài thì đường nhiên chế độ sở hữu đối với căn hộ văn phòng cũng là vô thời hạn.

Hiệp hội BĐS TP. HCM đề nghị, khi chúng ta công nhận chung cư hỗn hợp trong đó có Office-tel thì nên cho người nước ngoài được mua và sở hữu căn hộ Office-tel.

Vừa qua, Chính phủ có yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong chung cư phải di dời, trong Luật Nhà ở cấm sử dụng chung cư để ở vào mục đích khác. Nhưng Luật không quy định chế tài. Trong khi đó nhiều hoạt động kinh doanh tại các căn hộ chung cư không gây ảnh hưởng đến công năng, đời sống của cư dân tòa nhà. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Start-up, để bỏ chi phí thuê một bàn khởi nghiệp 2,5 triệu/tháng, hoặc thuê một văn phòng 7 – 8 triệu/tháng thì ngoài sức chi trả của những đối tượng này. Do đó, đối với doanh nghiệp chỉ hoạt động văn phòng thuần túy, có số lượng hoạt động không quá 3 người thì nên cho phép sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng.

Tôi cho rằng, để giải quyết được những vướng mắc trong quản lý, sử dụng Office-tel và để cho loại hình này một “danh phận” rõ ràng, vấn đề quan trọng nhất là việc áp dụng pháp luật.

10h10: Tham luận của PGS, TS. Doãn Hồng Nhung

PGS, TS. Doãn Hồng Nhung.

PGS, TS. Doãn Hồng Nhung.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Office-tel đánh dấu bước ngoặt mới trong xu hướng phát triển hiện đại, khi nước ta đang hội nhập với thị trường BĐS thế giới. Đây là mô hình vừa kinh doanh, vừa lưu trú trong một thời gian, tạo môi trường để kinh doanh thu lợi nhuận đồng thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đẳng cấp, các dịch vụ tiện ích tạo nên một sản phẩm tốt nhất để có thể phục vụ cho doanh nhân, người nước ngoài.

Office-tel không giới hạn thời gian giao dịch. Khi kinh doanh, thế giới toàn cầu, bầu trời ảo không có ngày và đêm nên hoạt động kinh doanh loại hình này không có giới hạn, mở ra cơ hội, tiềm năng để doanh nghiệp có thể tận dụng các cơ hội với hoạt động kinh doanh quốc tế. Không những thế, doanh nghiệp có thể vừa thu lợi nhuận, vừa có được không gian thư giãn tại những vị trí đắc địa nhất.

Để tìm được cách giải quyết những bất cập trong việc nên đăng ký Office-tel là căn hộ chung cư hay văn phòng cho thuê, cần nhìn lại việc hình thành nên Office-tel ở các nước phương Tây (trước cả Hàn Quốc). Theo đó, nếu như phần lớn căn hộ được dùng để làm nơi cư trú, BĐS đó sẽ được xếp loại Residential Facilities (Nơi cư trú).

Ngược lại, nếu phần lớn diện tích của BĐS được dùng vào mục đích kinh doanh, BĐS đó sẽ được xếp loại Non-residential Facilities (Nơi không phải để cư trú). Căn cứ vào cách phân loại này, những BĐS đa chức năng sẽ được điều chỉnh bởi những điều luật liên quan tới khu vực cư trú hoặc khu vực kinh doanh. Chính nhờ sự phân loại một cách rạch ròi này, các nhà quản lý có thể dễ dàng quản lý và áp dụng các quy phạm pháp luật đối với các BĐS đa chức năng nêu ở trên.

9h45: Tham luận của Luật sư Trần Đức Phượng

Luật sư Trần Đức Phượng.

Luật sư Trần Đức Phượng.

"Nước ta đang trên đà phát triển, nguồn lực đang ít nên chúng ta phải khai thác, tận dụng tất cả các nguồn lực hiện có. Căn hộ - văn phòng là sự phát triển tất yếu và cần thiết, phù hợp với cuộc sống hiện đại đang thay đổi mỗi ngày, cho nên ta phải xem xét và cân nhắc các tiện ích mà loại hình này mang lại.

Căn hộ văn phòng có 2 công năng là để ở và kinh doanh, cần phải xem xét các tiêu chuẩn để ở thì như thế nào và để kinh doanh thì ra sao để hướng dẫn cho các chủ đầu tư và người sử dụng. Nhà đầu tư thì nên nghiên cứu kỹ xem có thể khai thác gì, như thế nào ở loại hình này để đầu tư. Nhà nước thì không nên bó buộc các nhà đầu tư vào một nhu cầu quá cứng nhắc, nên quản lý chứ không nên cấm. Nền kinh tế thị trường thì nên để loại hình này phát triển tự nhiên trong khuôn khổ pháp lý cho phép".

9h30: Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Ông Nguyễn Trần Nam khẳng định: Hơn 2 năm trở lại đây, sau một chu kỳ khủng hoảng, thị trường BĐS Việt Nam đã có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ theo hướng minh bạch và bền vững hơn. Cùng với sự sôi động trở lại của các phân khúc truyền thống thì trên thị trường cũng xuất hiện một số loại hình sản phẩm BĐS mới như: Căn hộ - khách sạn (Condo-tel), Căn hộ - Văn phòng (Office-tel), Nhà phố thương mại (Shop house)… Với sự năng động, hợp lý, sát thực với nhu cầu thị trường, những loại hình này đã nhanh chóng được nhiều doanh nghiệp BĐS quan tâm phát triển, được khách hàng đón nhận và trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Tuy nhiên, do đặc thù là loại hình BĐS mới xuất hiện tại Việt Nam nên hệ thống pháp lý chưa thể kịp thời điều chỉnh; đồng thời đây lại là những loại hình sản phẩm BĐS có sự pha trộn (đa dụng, lưỡng dụng) về chức năng… do đó đã tạo nên một số băn khoăn, vướng mắc cho các nhà quản lý, các chủ đầu tư cũng như khách hàng trong quá trình phê duyệt, cấp phép, đầu tư và phân phối – giao dịch sản phẩm.

Nhận thấy đây là những vấn đề “nóng”, có tính thời sự cao và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững, minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam; với vai trò là đại diện quyền lợi chính đáng cho các hội viên, thành viên tham gia vào thị trường BĐS; đồng thời là cầu nối giữa các nhân tố tham gia thị trường với các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này; vừa qua, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã tổ chức một Hội thảo về các vấn đề pháp lý của loại hình Căn hộ khách sạn (Condo-tel) tại Hà Nội.

Hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến xác đáng của các chuyên gia và doanh nghiệp về vấn đề này. Trên cơ sở đó, Hiệp hội BĐS Việt Nam đã có văn bản kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan. Kiến nghị của Hiệp hội đã được các cơ quan quản lý đánh giá cao và cam kết tiếp thu và có những văn bản hướng dẫn kịp thời trong thời gian tới.

Ông Nam nhấn mạnh: Cũng với quan điểm nêu trên, nhằm góp phần kiến nghị tạo lập một hành lang pháp lý sát thực, hợp lý để phân khúc sản phẩm Căn hộ - văn phòng (Office – tel) phát triển đúng định hướng, phù hợp với nhu cầu thị trường và đảm bảo đầy đủ các điều kiện pháp lý… hôm nay, Hiệp hội BĐS Việt Nam và Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội) tổ chức Hội thảo “Thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel): Nhu cầu phát triển và những vướng mắc pháp lý cần tháo gỡ”.

Với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà quản lý; các lãnh đạo doanh nghiệp BĐS và các cơ quan truyền thông; chúng tôi rất mong Hội thảo tập trung góp ý, thảo luận về thực trạng và các vấn đề cần tháo gỡ để phân khúc sản phẩm Căn hộ - văn phòng có điều kiện phát triển lành mạnh, đúng định hướng.

Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đề nghị Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề cụ thể sau:

Một là, làm rõ khái niệm căn hộ - văn phòng (Office – tel); Đánh giá được thực trạng và tiềm năng, cơ hội và nhu cầu phát triển của thị trường căn hộ - văn phòng tại TP. HCM, Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn của Việt Nam nói chung.

Hai là, nêu lên những vướng mắc pháp lý của phân khúc thị trường căn hộ - văn phòng hiện nay.

Ba là, đưa ra các kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về việc công nhận loại hình sản phẩm này; đề xuất định hướng xây dựng khung khổ pháp lý để thị trường phát triển thị trường căn hộ - văn phòng (Office – tel) một cách minh bạch và bền vững.

Ông Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị cho Hội thảo, tại Hà Nội, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tham luận, góp ý hết sức xác đáng cho sự phát triển hợp lý và hợp pháp của loại hình sản phẩm căn hộ - văn phòng. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều cho rằng sự ra đời và phát triển của loại hình căn hộ - văn phòng cũng như những loại hình sản phẩm BĐS mới là theo quy luật thị trường, phù hợp với nhu cầu thực tế và là sự cổ vũ cho chủ trương thúc đẩy khởi nghiệp của Chính phủ. Do đó, các ý kiến cũng thể hiện sự đồng thuận với việc cần tạo lập một môi trường đầu tư lành mạnh và một hành lang pháp lý thuận lợi để quả lý và thúc đẩy loại hình BĐS này.

“Chính vì vậy, qua Hội thảo này, chúng tôi cũng mong nhận được thêm nhiều những ý kiến, góp ý quý báu từ các Quý chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các doanh nghiệp. Trên cơ sở các ý kiến tham luận và thảo luận tại Hội thảo cùng các khảo sát, nghiên cứu của mình, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ có văn bản kiến nghị đến các cơ quan quản lý Nhà nước có các chỉ đạo và văn bản pháp luật hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho phân khúc sản phẩm căn hộ - văn phòng được phát triển phù hợp với tiềm năng, nhu cầu thị trường và đúng định hướng”, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

9h20: TS. Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu giới thiệu Hội thảo

Hội thảo sẽ gồm 2 phần: Tham luận và Thảo luận.

  • Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam; trong phần tham luận, các diễn giả trình bày các khảo sát, nghiên cứu và kiến nghị của mình về các vấn đề liên quan đến phân khúc Căn hộ - Văn phòng.
  • Sau giờ giải lao, sẽ bước vào phần thảo luận với sự chủ trì của ông Nguyễn Trần Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng.
  • Cuối cùng, ông Nguyễn Trần Nam phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top