Aa

Xác định rõ "ba ranh giới" và "bốn khu vực" trong quy hoạch đất đai

Chủ Nhật, 31/10/2021 - 07:00

Chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh “ba ranh giới” và “bốn khu vực” trong quy hoạch sử dụng đất đai.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời nhấn mạnh “ba ranh giới” và “bốn khu vực” trong quy hoạch sử dụng đất đai.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định đất đai là một nguồn tài nguyên đặc biệt, là không gian để phát triển. Nếu không quy hoạch sử dụng đất đai sẽ dẫn đến tình trạng các yêu cầu phát triển, đặc biệt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của chiến lược 10 năm, sẽ có độ trễ rất lớn và ảnh hưởng đến phát triển của đất nước.

Liên quan đến việc tổng kết đánh giá quy hoạch 10 năm 2010 - 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay, quy hoạch đất đai phải đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian. Nhưng nếu quy hoạch đất đai là một cách tiếp cận quốc gia thì không đi được vào các quy hoạch mang tính chất chuyên ngành và kỹ thuật.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với đó, các quy hoạch như xây dựng đô thị, quy hoạch tỉnh, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch giao thông… sẽ cụ thể hóa và sẽ hiện thực hóa. Đó là các quy hoạch sử dụng đất, còn quy hoạch đất đai chỉ mang tính chất nền tảng để định hướng không gian.

Trong số đó, Bộ trưởng nêu rõ việc xác định “ba ranh giới,” (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ, bảo tồn gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đất trồng lúa, hồ, ao, di tích lịch sử; ranh giới hạn chế phát triển như diện tích rừng tự nhiên, hành lang bảo vệ nguồn nước, đất ngập nước; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội, huy động nguồn lực theo chế thị trường); “bốn khu vực” (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất) để định hướng không gian cho các quy hoạch.

Đặc biệt, theo Kết luận 81 của Bộ Chính trị, đất lúa đảm bảo an ninh lương thực, giữ hệ tài nguyên đất đai, giá trị đất đai đặc biệt, thổ nhưỡng đặc biệt, hàng triệu năm mới tạo ra được và khi đã thay đổi không lấy lại được. Do đó, chúng ta vẫn cương quyết giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa - không gian dự trữ cho con cháu trong nhiều thế hệ.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó có quy hoạch vùng đã định hướng 6 vùng và đưa ra dự thảo quy hoạch vùng. Vấn đề định hướng của 6 vùng là định hướng vào vấn đề điều kiện tự nhiên, địa lý tự nhiên, chính trị, kinh tế - xã hội và khí hậu.

Về cơ sở thực tiễn 4 chỉ tiêu các đại biểu phân tích, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc liên quan đến hạn chế mang tính chất hệ thống là dự báo, phương pháp quy hoạch, tính đồng bộ của hệ thống quy hoạch. Nếu quy hoạch sử dụng đất không có các quy hoạch thành phần để cụ thể hóa không thể quản lý đất đai hiệu quả.

“Nếu chúng ta không thay đổi và tiếp cận cách thức quy hoạch cứng nhắc, quy hoạch không dựa trên tĩnh và động, phân ra các vùng và quy hoạch không dựa trên xác định cơ chế thị trường thì chúng ta đang trói lại vấn đề nguồn lực sử dụng đất đai,” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.

Về hạn chế tồn tại trong thực hiện quy hoạch đất khu công nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất đai giai đoạn 2011 - 2020, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết ở thời điểm đó chúng ta dự báo làn sóng đầu tư có sự chuyển dịch nhưng thực tế chưa xảy ra và cuối giai đoạn đã xảy ra khủng hoảng do dịch Covid-19.

Trong khi đó, vấn đề đầu tư công rất quan trọng nhưng để thu hút phát triển các khu công nghiệp cần đòi hỏi về mặt hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, có nhiều vùng không có nguồn lực đầu tư công để đáp ứng đồng bộ kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, công tác dự báo chưa chính xác.

Trong khu công nghiệp chỉ thu hút FDI, còn ngoài khu công nghiệp và doanh nghiệp của Việt Nam dựa trên sự thỏa thuận, đầu tư sản xuất, kinh doanh ở ngoài khu công nghiệp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với các ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này và cho biết sẽ nghiêm túc xem xét lại việc quy hoạch đất khu công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ thống nhất cao với đề xuất của Quốc hội về vấn đề thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài; các vấn đề liên quan đến xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng; công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Sau khi xây dựng quy hoạch xong, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất 5 năm cho các địa phương, các ngành và lĩnh vực trong năm nay để các địa phương, ngành có thể thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế.

“Tuy nhiên, chỉ quy hoạch sử dụng đất đai không đủ, phải đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch: Đô thị, xây dựng, nông thôn, giao thông, các ngành khác sử dụng đất… thì chúng ta mới có thể quản lý và kiểm soát được,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu.

Liên quan đến chuyển dịch ở các khu vực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ nhất trí cần phải có những chính sách để điều tiết nguồn thu từ đất cho các địa phương hiện đang có trách nhiệm để gìn giữ, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như bảo vệ rừng, bảo vệ các thủy vực, vấn đề an ninh, quốc phòng...

Về việc quy hoạch sử dụng đất đai chậm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích, do có sự lệch pha giữa chiến lược phát triển kinh tế; đồng thời bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ cho phép có độ trễ (nhưng không quá một năm) để tiếp cận và cập nhật các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội sau khi điều chỉnh; trên cơ sở đó sẽ không có tình trạng chậm trễ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top