Aa

“Xanh hóa” không gian sống đô thị giúp người dân nâng cao sức khỏe tinh thần

Hà Trang
Hà Trang changha1605@gmail.com
Thứ Ba, 18/10/2022 - 06:22

Sống trong không gian xanh với nhiều cây cối sẽ giúp người dân ở các đô thị lớn giảm nguy cơ gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần. Đây cũng chính là “bài học lớn” mà các nhà quy hoạch cần học hỏi và để tâm.

Nơi ở “xanh” hơn, sống khỏe hơn

Theo các nhà nghiên cứu Đan Mạch, trẻ em lớn lên trong không gian xanh, nơi môi trường sống được bao bọc bởi nhiều cây cối sẽ giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần so với những đứa trẻ còn lại. Phát hiện này có liên quan trực tiếp tới cuộc sống của gần một triệu công dân Đan Mạch cũng như mọi người trên toàn thế giới. Xã hội phát triển, ngày càng có nhiều người chuyển đến sinh sống, học tập và làm việc ở những thành phố lớn, kéo theo đó là sự gia tăng các chẩn đoán về sức khỏe tinh thần của công dân. Những vấn đề đáng lo ngại này rất có thể liên quan đến việc quy hoạch đô thị.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới hơn 450 triệu người bị rối loạn tinh thần, con số này dự kiến ​​sẽ còn tăng lên. Ở một số nơi, cư dân sinh sống và trẻ em lớn lên trong môi trường đô thị hóa có nguy cơ mắc chứng lo âu và rối loạn tâm trạng cao hơn gần 50% so với những người sống ở vùng nông thôn.

Tiếp xúc thường xuyên với thiên nhiên sẽ giúp tinh thần con người được khỏe mạnh hơn, đó là lý do tại sao các viện điều dưỡng và bệnh viện thường ưu tiên xây dựng khuôn viên xanh mát, thông thoáng với việc trồng nhiều cây cối, hoa cỏ. Môi trường sống xung quanh “xanh” hơn được cho là có thể giúp cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần cho con người thông qua thúc đẩy hoạt động thể chất, tăng cường phục hồi tâm lý và giảm căng thẳng, đồng thời củng cố mối quan hệ xã hội giữa mọi người với nhau trong những khu dân cư.

Hoạt động, vui chơi trong không gian xanh sẽ giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. (Ảnh: Hà Trang).

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Aarhus (Đan Mạch) đã sử dụng dữ liệu vệ tinh từ năm 1985 đến năm 2015 để lập bản đồ thể hiện lượng không gian xanh xung quanh những ngôi nhà mà người Đan Mạch sinh sống thuở thơ ấu. Quốc gia này thu thập dữ liệu sức khỏe một cách rất chi tiết về công dân của mình nên các nhà nghiên cứu có thể so sánh dữ liệu này với việc liệu trong cuộc đời về sau, những đứa trẻ có gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề liên quan tới sức khỏe tinh thần hay không.

Kết quả, trẻ em có cơ hội được sinh sống trong không gian xanh lý tưởng nhất sẽ có nguy cơ suy giảm sức khỏe tinh thần thấp hơn tới 55% so với những đứa trẻ khác, ngay cả khi các nhà nghiên cứu đã tính đến những yếu tố xa hơn có thể tác động như tình trạng kinh tế - xã hội hay đô thị hóa.

Trẻ càng tiếp xúc nhiều với thiên nhiên thì sức khỏe tinh thần càng khỏe mạnh. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ phát triển các vấn đề khiến tinh thần tiêu cực sẽ giảm theo khoảng thời gian trẻ được "bao bọc" bởi không gian xanh từ lúc mới sinh cho đến năm 10 tuổi.

"Không gian xanh lá" và "không gian xanh dương"

Các nhà nghiên cứu đã có khám phá sâu hơn trong một cuộc khảo sát với những người hiến máu ở Đan Mạch. Khoảng 66.000 người đã tham gia trả lời các câu hỏi về khả năng tiếp cận “không gian xanh lá” (không gian sống nhiều cây cối, gần gũi thiên nhiên) và “không gian xanh dương” (không gian sống quanh các vùng nước).

Theo đó, trạng thái tinh thần của mọi người sẽ được cải thiện khi có nhiều “không gian xanh lá” xung quanh nơi ở, trong khi khả năng bình tĩnh sẽ được củng cố mạnh mẽ lúc gần gũi với "không gian xanh dương". Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người tích cực hoạt động thể chất thậm chí còn có sự gắn bó chặt chẽ hơn với các không gian xanh.

Trạng thái tinh thần của con người sẽ được cải thiện khi có nhiều “không gian xanh lá” xung quanh nơi ở, trong khi khả năng bình tĩnh sẽ được củng cố mạnh mẽ lúc gần gũi với "không gian xanh dương". (Ảnh: Hà Trang).

Thời thơ ấu được sống gần gũi với thiên nhiên là điều vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của mỗi người. Vì vậy, quy hoạch đô thị làm sao để cho mọi lứa tuổi được tiếp cận với môi trường tự nhiên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

Thêm vào đó, không gian xanh còn có liên quan mạnh mẽ đến sự phát triển nhận thức của trẻ em, giúp giảm hoạt động trong các vùng não liên quan đến trầm cảm và tăng cường phục hồi sau căng thẳng. Ngay cả việc tiếp xúc với thiên nhiên trong thực tế “ảo” cũng đem lại tác dụng.

Tiếp xúc với thiên nhiên trong thực tế “ảo” cũng đem lại những tác dụng tích cực nhất định cho tinh thần. (Ảnh minh họa: Internet).

Nghiên cứu này có thể phần nào giúp định hướng cho việc quy hoạch đô thị trong tương lai. Tới năm 2050, dự kiến hơn 2/3 dân số thế giới ​​sẽ sống ở các thành phố. Việc tích hợp nhiều môi trường tự nhiên hơn vào khu vực đô thị sẽ cải thiện sức khỏe tinh thần cho người dân, đồng thời mang lại nhiều lợi ích liên quan như: Giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, quản lý rủi ro lũ lụt và bảo tồn đa dạng sinh học.

Quy hoạch thông minh để “phủ xanh” đô thị

Các chính quyền địa phương trên khắp thế giới đã và đang bắt đầu làm cho những thành phố của họ trở nên xanh hơn. Ở Barcelona (Tây Ban Nha), chính quyền địa phương đã đưa ra một kế hoạch phủ xanh đô thị đầy tham vọng cho toàn thành phố nhằm nâng cao sức khỏe người dân và hỗ trợ đa dạng sinh học.

Trong khi đó, Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch cũng đã quyết định “thay áo mới” cho một trong những con đường lớn nhất ở thành phố trở thành công viên công cộng để giúp người dân được tiếp cận không gian xanh nhiều hơn. Những kế hoạch được xây dựng đều nhằm mục đích hướng tới một thành phố đáng sống hơn với môi trường lành mạnh, công bằng và chống chịu được với biến đổi khí hậu.

Các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới và Liên minh Châu Âu cũng đã nhìn thấy tiềm năng của quy hoạch đô thị xanh, bao gồm các giải pháp gần gũi với thiên nhiên. Các dự án được xem xét và triển khai sẽ giải quyết những vấn đề phát triển của địa phương, trong khi vẫn giữ được môi trường tự nhiên. Kể từ năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ các “giải pháp xanh” này với khoảng 100 dự án ở 60 quốc gia, phân bổ 1,18 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2019 - 2020; trong khi đó Liên minh Châu Âu cũng đang cung cấp tài trợ cho các dự án như vậy thông qua chương trình Horizons được phát động từ năm 2020.

Gần gũi thiên nhiên giúp cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần cho người dân nhưng chỉ tiêu cây xanh đô thị ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều so với thế giới. (Ảnh: Hà Trang)

Tại Việt Nam, theo Báo cáo đánh giá thực trạng phát triển hạ tầng đô thị xanh của Cục Hạ tầng kỹ thuật (thuộc Bộ Xây dựng), tỷ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị ở mức từ 2 - 3 m2/người, trong khi chỉ tiêu xanh tối thiểu của Liên hợp quốc là 10m2 và chỉ tiêu của các thành phố hiện đại trên thế giới là 20 - 25m2. Điều này có nghĩa là chỉ tiêu cây xanh đô thị của Việt Nam chỉ bằng 1/5 đến 1/10 của thế giới.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên, vườn hoa, chiếm khoảng 2% tổng quỹ đất, trong khi dân số Thủ đô là hơn 8,5 triệu người, điều này có nghĩa hơn 130.000 người mới có một công viên/vườn hoa.

Vào kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9, nhiều khu vực ở TP. Đà Lạt ghi nhận tình trạng ngập lụt do mưa to kéo dài, nguyên nhân chính được cho là bởi mật độ xây dựng dày cùng diện tích bê tông hóa lớn đã phá vỡ quy hoạch.

Tại TP.HCM, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích cây xanh hiện chỉ có 0,5 - 1m2/người, chỉ bằng khoảng 8% so với chỉ tiêu quy hoạch đô thị là từ 6 - 7m2/người. Việc mở rộng không gian xanh đang là vấn đề cấp thiết để đáp ứng nhu cầu người dân và sâu xa hơn là bảo vệ môi trường, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Trong tương lai, cần phải có những cách tiếp cận sáng tạo và thông minh hơn nữa để thiết kế không gian xanh nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe tinh thần cho người dân. (Ảnh: Hà Trang).

Có thể thấy, sự chật chội trong không gian sống đang diễn ra gay gắt ở các thành phố đông dân trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, xét về lâu dài thì vẫn còn cần phải có những cách tiếp cận sáng tạo và thông minh hơn nữa để thiết kế không gian xanh nhằm nâng cao chất lượng sức khỏe tinh thần cho người dân trong tương lai./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top